Chiến lược của Tổng thống Donald Trump với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể bắt đầu lộ diện trước thềm chuyến thăm châu Á lần này.
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: CBS)
Ngày 3/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Châu Á-Thái Bình Dương, với 5 chặng dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Trước đó, Dự luật An ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (H.R.2621) cũng đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ để thông qua vào đầu năm 2018 khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, chiến lược của Tổng thống Donald Trump với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ bắt đầu lộ diện.
Từ Dự luật H.R.2621…
Ngày 24/5, Dự luật H.R.2621 đã đề xuất năm tài khoá 2018 Mỹ cần chi khoảng 2,1 tỉ USD để thực hiện 2 nội dung quan trọng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương: (1) Tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và thúc đẩy các hoạt động quân sự trọng yếu của quân đội Mỹ tại đây; (2) Củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác, nhằm thực hiện mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh.
Trên tinh thần đó, Mỹ tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc); xác định Triều Tiên là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và đồng minh. Tăng cường cơ chế hợp tác quốc phòng ba bên (Mỹ-Nhật-Hàn).
Tăng cường đối thoại với các nước ASEAN; duy trì hoạt động hàng không và hàng hải ở Biển Đông; tái khẳng định các cam kết an ninh đối với Đài Loan; và đẩy mạnh quan hệ đồng minh quân sự Mỹ – Australia.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định sự cam kết lâu dài dựa trên mối quan hệ đối tác quân sự, thương mại, đầu tư và người dân hai bên.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục giúp huấn luyện và hỗ trợ quân đội Philippines; chia sẻ thông tin hàng hải đối với Indonesia, Malaysia; chuyển giao tàu tuần duyên cho Việt Nam; tổ chức biệt đội không quân Mỹ – Singapore ở Guam…
Đến chính sách “Ấn Độ – Thái Bình Dương”…
Ngày 14/3, Mỹ tuyên bố “chính thức chấm dứt chính sách xoay trục” và sẽ có chính sách mới thay thế.
Trong các phát biểu gần đây nhất của các quan chức cấp cao Nhà Trắng (Hội đồng An ninh Quốc gia – NSC) và (Hội đồng Kinh tế Quốc gia – NEC), thì thuật ngữ “Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở” đã được nhắc tới nhiều lần, coi như thông điệp trung tâm cho chuyến đi châu Á của Tổng thống D. Trump. Cụm từ “Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở” được giải thích là “hệ thống kinh tế quốc tế công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ, các nguyên tắc của thị trường”.
Theo đó, việc tái cân bằng thương mại Mỹ – Trung là một trọng tâm. “Điều này có nghĩa là ủng hộ hoàn toàn hệ thống thương mại kinh tế dựa trên luật lệ và tôn trọng các tiêu chuẩn cao, đạt được quan hệ thương mại công bằng và hợp lý thông qua gỡ bỏ rào cản thương mại, giảm các thâm hụt thương mại kinh niên và tăng trưởng dựa trên thị trường”.
Một trong những điểm nhấn là việc quan hệ thương mại Mỹ – Trung sẽ phải được “tái cân bằng” theo hướng giảm thâm hụt thương mại đối với Mỹ, vì năm 2016 Mỹ đã thâm hụt thương mại lớn tới 347 tỷ USD.
Về dài hạn, Trung Quốc cần có cách hành xử công bằng và có đi có lại với không chỉ doanh nghiệp Mỹ mà tất cả doanh nghiệp trong vùng. Điều đó có nghĩa là cần chấm dứt các hoạt động thương mại, đầu tư kiểu “ăn tươi nuốt sống”.
Mặt khác, Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc: “Cần chấm dứt tình trạng giành lợi thế cạnh tranh bằng cách ăn cắp tài sản trí tuệ, hay buộc các nhà sáng tạo phải nộp tài sản trí tuệ của họ như là cái giá để được hoạt động kinh doanh ở nước đó”.
Mỹ còn nhận định, “Trung Quốc, trong khi cùng vươn lên như Ấn Độ, đã hành xử ít trách nhiệm hơn, có những lúc không tuân thủ trật tự thế giới cũng như các luật lệ” quốc tế như những hành động trên biển của Bắc Kinh.
Về quan hệ Mỹ – Ấn, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói: “Ấn Độ và Mỹ là hai trụ cột ở hai góc của địa cầu, cần đảm bảo cho an ninh và thịnh vượng của công dân hai nước và người dân toàn cầu”.
Quan hệ đối tác chiến lược đang hình thành Delhi – Washington là dựa trên cam kết chung về tuân thủ luật lệ, tự do đi lại, các giá trị chung và tự do thương mại. Ngoài ra, Mỹ cũng đang muốn thúc đẩy hoạt động của bộ Tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã phản đối.
Và mô hình “tự do và mở”
Trả lời báo giới ngay trong chuyên cơ Air Force One trên đường đi Nhật Bản, Tổng thống D. Trump nói: “Một trong những điều chúng tôi sẽ hết sức chú trọng là thương mại, bởi vì thương mại là lĩnh vực mà Mỹ đã không thực hiện tốt trong 25 năm qua với khu vực này của thế giới”. Ông Trump nói thêm: “Chúng tôi sẽ thảo luận về thương mại mang tính tương hỗ. Công bằng, tự do nhưng có qua có lại”.
Trước đó, bà Glaser một chuyên gia của CSIS nhận định rằng, ông Trump sẽ tập trung hoàn toàn vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại thêm cân bằng (Mỹ giảm thâm hụt) và giảm mối nguy cơ từ Triều Tiên. “Đó là những mục tiêu hàng đầu của ông ấy. Chúng ta sẽ chờ xem có kết quả cụ thể nào cho mục tiêu đó hay không”.
Được biết, kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã có 43 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như gặp gỡ 10 nhà lãnh đạo trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia).
Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm của ông Trump, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster tuyên bố chuyến công du đầu tiên Tổng thống Trump tới Châu Á-Thái Bình Dương là cơ hội để tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực, củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống và mở rộng các liên minh – đối tác mới.
Ông McMaster cho biết 3 trọng tâm trong chuyến thăm này là đẩy mạnh giải pháp quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và tăng cường sự thịnh vượng của Mỹ thông qua những hoạt động thương mại tự do và công bằng tại khu vực này.
Tuy nhiên, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có còn nằm trong ưu tiên của Mỹ hay không, vẫn còn là “ẩn số” chưa có lời giải, bởi ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP và quyết liệt theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục giảm sự can dự tại các thể chế khu vực.
Như vậy, chuyến thăm kéo dài hơn 10 ngày của Tổng thống Trump cùng với Dự luật An ninh châu Á, được coi là sẽ phần nào giúp giải tỏa các quan ngại, đồng thời cũng là dịp để Mỹ có thể xác định Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực được dự báo là sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI có ý nghĩa chiến lược và có vị thế như thế nào trên bản đồ địa – chiến lược của Washington dưới thời Tổng thống D. Trump.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, những quan điểm trong Dự luật về an ninh quân sự H.R.2621 và những trọng tâm kinh tế đối ngoại của Washington đối với Bắc Kinh, New Delhi… mới chỉ là những nét chấm phá ban đầu cho một chiến lược tổng thế của Mỹ đối với khu vực. Vì thế, đâu là mục tiêu chiến lược thực sự của Washington đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn chưa rõ nét.