Đề xuất của vị Giáo sư họ Phó cũng chỉ là một trong những thủ đoạn nằm trong chiến thuật “gắp lửa bỏ tay người” không hơn không kém.
Khi đọc tiêu đề của bài báo này có lẽ mọi người đều cảm thấy có điều gì đó sai sai, nếu không muốn nói là “ngớ ngẩn”.
Đúng thế.
Nhưng sở dĩ chúng tôi chọn tiêu đề bằng câu hỏi “không bình thường” này là bởi:
Còn có một vấn đề nữa đặt ra trong nội dung trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt của Giáo sư Phó Côn Thành có liên quan đến lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở trong Biển Đông mà chúng tôi nhận thấy không thể không trao đổi đề tìm ra những câu trả lời chuẩn xác nhất.
Trao đổi bên lề một Hội thảo về giải pháp cho xung đột trên Biển Đông tổ chức ở một đại học tại Oxford, hôm 20/10/2017, Giáo sư Phó Côn Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa, thuộc Đại học Hạ Môn, nói:
“Bản thân lệnh cấm đánh cá là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông [theo cách gọi của Việt Nam].
Chính quyền Việt Nam nên ủng hộ lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó.
Có ý kiến của nhà nghiên cứu từ Việt Nam cho rằng lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc thực thi trên Biển Đông thời gian qua là vô lối.
Không, lệnh cấm đánh cá không phải chống ngư dân Việt Nam mà về cơ bản nó được hướng vào việc kiểm soát chặt chẽ ngư dân Trung Quốc.
Và bản thân lệnh cấm đánh cá là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông.
Chính quyền Việt Nam nên ủng hộ lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó.
Điều có thể làm duy nhất chỉ có thể là thông qua đàm phán song phương.
Hai chính phủ và các chuyên gia từ hai nước này cần ngồi xuống và nói về một cách thức hợp lý hơn để thực thi lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó trên Biển Đông.
Hãy tư duy thế này có nhiều điều chúng ta có thể làm được, những việc này không dễ, nhưng đáng làm điều đó …”
Thưa vâng, nếu chỉ nghe qua nội dung trả lời “có cánh” của vị Giáo sư Phó Côn Thành hẳn là dư luận chỉ có thể gật đầu tán thưởng, ca ngợi việc làm đầy “thiện chí”, thừa “trách nhiệm” của Trung Quốc.
Ngược lại, Việt Nam lại thiếu “thiện chí”, “vô trách nhiệm”, vì chẳng những không ủng hộ mà còn cho là “vô lối”, hơn nữa, còn chính thức phản đối “lệnh cấm đánh cá”này.
Để dư luận có thể phán xét ai đúng, ai sai, ai là người có thiện chí, có trách nhiệm trong việc công bố và phản đối “lệnh cấm đánh cá” do Trung Quốc tiến hành hàng năm trong Biển Đông, chúng tôi xin được cung cấp các thông tin chính về nội dung và có một số bình luận nhận xét dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý:
1. Nội dung của lệnh cấm đánh cá do Trung Quốc ban hành:
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, từ năm 1999, hàng năm, Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Lệnh cấm áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước khác.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu thực thi pháp luật để “giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm”.
2. Nhận xét, đánh giá:
Căn cứ vào thông tin nói trên, chúng tôi thấy phát biểu của Giáo sư Phó Côn Thành là hoàn toàn sai sự thật:
Thứ nhất: Về đối tượng áp dụng là tất cả các tàu thuyền, phương tiện đánh bắt cá hoạt động trong phạm vi và thời gian cụ thể được xác định rất rõ trong “lệnh cấm đánh cá”.
Như vậy, đối tượng áp dụng của lệnh này phải chăng chỉ nhằm vào ngư dân Trung Quốc như Giáo sư Phó Côn Thành đã khẳng định:
“Không, lệnh cấm đánh cá không phải chống ngư dân Việt Nam mà về cơ bản nó được hướng vào việc kiểm soát chặt chẽ ngư dân Trung Quốc…”
Nếu vậy thì xin Giáo sư trả lời cho tình trạng trong nhiều năm qua về những vụ bắt bớ, giam cầm, đòi tiền chuộc, bắn cháy tàu thuyền, thiêu hủy lưới cụ,… do các lực lượng chức năng của Trung Quốc gây ra đối với ngư dân Việt Nam khi họ tiến hành làm ăn lương thiện và hợp pháp trong các vùng biển của mình là dựa vào cái gì, nếu không phải cái “lệnh cấm đánh cá” này?
Chúng tôi chưa tính đến những hành xử thô bạo này đã bị Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 nghiêm cấm.
Thứ hai, Giáo sư Phó Côn Thành quả quyết rằng:
“Bản thân lệnh cấm đánh cá là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông…”.
Chúng tôi thừa nhận rằng, thông thường mục đích của các lệnh cấm đánh cá do hầu hết các quốc gia ven biển trên thế giới ban hành là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên hải sản trước nguy cơ bị khai thác quá mức bằng các phương tiện, cách thức đánh bắt có tính hủy diệt… nhất là vào mùa sinh trưởng của các loài sinh vật biển.
Tất nhiên, để ban hành các lệnh cấm đó, người ta đều phải tính toán rất kỹ về quy luật tự nhiên, về lợi ích mưu sinh của cộng đồng ngư dân…
Và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên sinh vật biển…
Vậy thì, liệu cứ đều đặn hàng năm, cứ bắt đầu vào mùa đánh bắt cá của ngư dân, từ tháng đầu tháng 5 đến giữa tháng 8, “lệnh cấm đánh cá” được ban hành là nhằm vào mục đích gì?
Chúng tôi cho rằng lệnh cấm này không nhằm mục đích làm “tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản” trên Biển Đông, mà chủ yếu là cắt đứt nguồn sống của ngư dân Việt Nam;
Ngăn cản ngư dân Việt Nam ra khơi bám biển quê hương, không những vì mưu sinh mà còn có nghĩa vụ bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép…
Thứ ba, chúng tôi cho rằng sự “vô lối” của “lệnh cấm đánh cá”, mà người Việt Nam và cộng đồng quốc tế đều có chung nhận xét, thể hiện ở phạm vi chấp hành của nó:
Từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông.
Tác nghiệp trên hải đồ, thì phạm vi này bao lấy toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cả vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, thậm chí còn có thể gồm cả vùng biển quốc tế, …đều nằm trọn trong “phạm vi chấp hành” của cái “lệnh cấm đánh cá” này.
Trong phạm vi lãnh thổ hay trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của mình theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 thì:
Bất kỳ quốc gia ven biển nào cũng đều có quyền ban hành các lệnh cấm, khi cần thiết, nhằm thực thi nhiệm vụ và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia mình, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trong trường hợp đó, tất cả mọi người, tự nhiên nhân hay pháp nhân, đều có nghĩa vụ tôn trọng chấp hành và nên nhiệt liệt hoan nghênh và đồng tình ủng hộ.
Nhưng điều đáng nói, đáng lên án ở đây là:
Phạm vi chấp hành của “lệnh cấm đánh cá” này lại bao gồm cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước khác.
Cụ thể là Việt Nam và Philippines, thậm chí có cả vùng biển cả, còn được gọi là vùng biển quốc tế, di sản chung của nhân loại.
Đó là sự vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông; nhất là Việt Nam, đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển có liên quan khác.
Vì vậy, việc ban hành “lệnh cấm đánh cá” này của Trung Quốc là hoàn toàn “vô lối”, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển khác được xác lập theo UNCLOS1982, trong Biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Đây cũng là một trong những hành vi được Trung Quốc tính toán áp dụng nhằm thể hiện trên thực tế quyền lực của Nhà nước Trung Quốc nhằm hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đối với các vùng biển và thềm lục địa nằm trong đường “lưỡi bò” bao lấy hầu hết Biển Đông.
Đây cũng còn là cái bẫy pháp lý được Trung Quốc giăng ra để giành lấy sự công nhận trên thực tế các yêu sách vô lý của Trung Quốc trong Biển Đông.
Vì vậy, Việt Nam và cộng đồng quốc tế không thể không lên tiếng phản đối “lệnh cấm đánh cá” này:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”
(Người phát ngôn Lê Hải Bình nói hồi cuối tháng 2, khi Trung Quốc thông báo kế hoạch đơn phương áp dụng lệnh cấm).
Hội nghề cá Việt Nam cũng kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt quy chế trên.
Quyết định của Trung Quốc càng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam…
Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn cố tình che giấu cho những toan tính của mình và tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Đề xuất của Giáo sư Phó Côn Thành rằng: “Điều có thể làm duy nhất chỉ có thể là thông qua đàm phán song phương.
Hai chính phủ và các chuyên gia từ hai nước này cần ngồi xuống và nói về một cách thức hợp lý hơn để thực thi lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó trên Biển Đông.
Hãy tư duy thế này có nhiều điều chúng ta có thể làm được, những việc này không dễ, nhưng đáng làm điều đó …” cũng chỉ là một trong những thủ đoạn nằm trong chiến thuật “gắp lửa bỏ tay người” không hơn không kém.