Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ: Đại hội XIX mở ra xu hướng mới về chính sách...

TQ: Đại hội XIX mở ra xu hướng mới về chính sách tài chính

Báo cáo chính trị do Tập Cận Bình trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10 vừa qua, những từ ngữ liên quan đến tài chính không nhiều, chỉ khoảng 100 từ. Tuy nhiên, có một vài câu trong đó lại đặc biệt quan trọng, được đánh giá là sẽ quyết định xu hướng thị trường tài chính của Trung Quốc trong vài năm tới,như:“tài chính hiện đại”, “tăng cường năng lực kinh tế của các thực thể dịch vụ tài chính”, “kiện toàn khung pháp lý của hai trụ cột chính sách tiền tệ và chính sách thận trọng vĩ mô”…

Cách nói mới trong Báo cáo chính trị Đại hội XIX

Khái niệm “Tài chính hiện đại” được đặt song song với việc xây dựng hệ thống ngành nghề như nền kinh tế thực, đổi mới khoa học công nghệ và hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Điều này cho thấy trong phát triển nền kinh tế Trung Quốc, tài chính đã được đặt ở một vị trí đặc biệt.

       Như đã đề cập tại Hội nghị công tác tài chính toàn quốc năm 2017, tài chính không chỉ là khả năng cạnh tranh cốt lõi của một quốc gia, mà còn mang tính cơ sở để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một nước. Vì vậy, trong vài năm tới, tài chính đóng vai trò là một bộ phận trong hệ thống ngành nghề hiện đại của Trung Quốc và chính phủ nước này sẽ khởi động một loạt chính sách để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng.

Tài chính ở đây không chỉ bao gồm tài chính truyền thống, quan trọng hơn là nó đề cập đến công nghệ tài chính trong kỷ nguyên dữ liệu lớn bởi vì nếu nói về mặt thay đổi mô hình công nghệ tài chính, công nghệ tài chính không chỉ sẽ tác động mang tính hủy hoại nhằm vào tài chính truyền thống mà còn nâng cao năng lực của các dịch vụ tài chính đối với nền kinh tế thực. Do đó, đối với công nghệ tài chính vừa mới phát triển, việc xây dựng hệ thống ngành tài chính hiện đại có nghĩa là công nghệ tài chính sẽ là trọng tâm của sự phát triển ngành tài chính Trung Quốc trong vài năm tới.

Ngoài ra, Báo cáo chính trị Đại hội XIX đã đề cập đến thuật ngữ “kiện toàn khung pháp lý của hai trụ cột chính sách tiền tệ và chính sách thận trọng vĩ mô”. Đây là nguyên tắc để đảm bảo trong vài năm tới rằng sự ổn định tài chính của Trung Quốc là quan trọng nhất.

Thuật ngữ “chính sách tiền tệ” được chỉ ra ở đây về cơ bản là chỉ công cụ chính sách truyền thống của Ngân hàng Trung ương, lãi suất và tỷ giá. Chính sách thận trọng vĩ mô lại là một nội dung mới trong chính sách điều tiết của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Bản chất của nó là duy trì ổn định tài chính bằng cách phân biệt những rủi ro mang tính hệ thống.

Đương nhiên, từ những đánh giá lịch sử, chính sách vĩ mô thận trọng không phải là một khái niệm mới, từ những năm 1970, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã sớm đưa ra khái niệm thận trọng vĩ mô. Sau biến động tài chính năm 2008 của Mỹ, năm 2011 Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố Báo cáo chính sách thận trọng vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng đã có bài phân tích chuyên sâu về chủ đề này. Vì vậy, trong những năm gần đây, chính sách thận trọng vĩ mô về cơ bản là một nhận thức chung của giới lý luận và giới doanh nghiệp khi xem xét lại  biến động tài chính năm 2008 của Mỹ, có nghĩa là thuận chu kỳ và biến động giá tài sản của hệ thống tài chính là một nguyên nhân quan trọng gây ra khủng hoảng.

Bởi vì sự ổn định của tổ chức tài chính cá thể không có nghĩa là sự ổn định tổng thể của hệ thống tài chính, mà những rủi ro tài chính còn dễ dẫn đến sự lây nhiễm chéo giữa các thị trường, vì vậy cần bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính từ tổng thể, chính là phải xuất phát từ góc độ vĩ mô, nghịch chu kỳ, sử dụng công cụ chính sách thận trọng để ngăn ngừa những rủi ro tài chính mang tính hệ thống.

Về vấn đề này, “hệ thống đánh giá thận trọng vĩ mô” (MPA) mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra từ năm 2016 cần tập trung xem xét 7 phương diện lớn: tình hình vốn và cán cân, tình hình nợ vay vốn, tính thanh khoản, hành vi định giá, chất lượng tài sản, rủi ro nợ nước ngoài, việc thực hiện chính sách tín dụng; thông qua đánh giá tổng hợp để tăng cường điều tiết nghịch chu kỳ và ngăn ngừa rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Nói cách khác, trong vài năm tới, làm thế nào để giữ cho Trung Quốc không chạm đáy rủi ro mang tính hệ thống, thì việc phân biệt rủi ro mang tính hệ thống rõ ràng rất quan trọng. “Hai trụ cột” chính là khuôn khổ, quy tắc và công cụ cơ bản để đảm bảo sự ổn định về tài chính trong những năm tới, đây cũng là xu hướng chính sách tài chính của Trung Quốc trong những năm tới. 

Khủng hoảng tài chính rất khó xác định.

       Tuy nhiên, khó có thể khẳng định một công cụ chính sách như trên có thể đảm bảo Trung Quốc không xảy ra những rủi ro mang tính hệ thống trong vài năm tới. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa đến nay, do việc mở rộng tín dụng trong giai đoạn này là không đáng kể, chỉ cần tín dụng không quá mở rộng thì khủng hoảng tài chính không thể xảy ra, bởi vì dù xem xét từ lôgích nội tại của lý thuyết tài chính hay lôgích kinh nghiệm, nguyên nhân dẫn đến rủi ro tài chính và khủng hoảng tài chính là việc mở rộng tín dụng quá mức. 

Như vậy mở rộng tín dụng quá mức là gì? Sử dụng MPA có thể xác định được không? Sau khi mở rộng quá mức đối với lượng lớn tín dụng, việc thanh khoản sẽ đi về đâu? Đây là chìa khóa của vấn đề. Do tính không hoàn thiện của sự cạnh tranh thị trường, tính không đối xứng của thông tin thị trường và tính không đầy đủ của hợp đồng hệ thống, muốn dùng một tiêu chí rõ ràng để xác định ranh giới mở rộng quá mức của tín dụng sẽ không dễ dàng, bất kể đó là hệ thống tiêu chí MPA. Tuy nhiên, với hệ thống chỉ số thống kê hiện nay, có thể lấy tốc độ tăng trưởng tài chính xã hội, GDP và tốc độ tăng trưởng CPI để so sánh sẽ thấy mức độ mở rộng quá mức tín dụng trong tổng thể xã hội Trung Quốc. Ví dụ, tăng trưởng bình quân quy mô tổng tài chính xã hội giai đoạn 2009-2015 là 21%, trong khi GDP và CPI lần lượt tăng trưởng bình quân hàng năm là 8,4% và 2,37%. Nói cách khác, tốc độ mở rộng tín dụng của Trung Quốc trong những năm gần đây nhanh gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế (tức là GDP và CPI cộng lại). 

Việc thanh khoản với số lượng lớn như vậy không phải chảy vào thị trường chứng khoán như Mỹ và cũng không phải chảy vào thị trường chứng khoán nhà đất tồn đọng như các nước châu Âu, mà đa số chảy vào thị trường nhà đất mới và do đó đẩy giá thị trường bất động sản lên cao.

       Từ năm 2016 đến năm 2017, tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Nếu giá nhà đất ở Trung Quốc đại lục hiện nay vẫn đang tăng lên, hoặc không giảm đi, những rủi ro nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính Trung Quốc về căn bản sẽ không xuất hiện, nhưng chỉ cần giá nhà giảm xuống, những rủi ro của hệ thống tài chính đều sẽ xuất hiện và nhanh chóng lây lan chéo giữa các thị trường. Trong trường hợp này cũng không thể xác định bằng hệ thống chỉ số MPA. Vì vậy, thông qua điều tiết bất động sản hơn 1 năm qua, Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy rõ rằng cần phải ngăn chặn giá thị trường bất động sản tăng vọt, nhưng đồng thời cũng cần phải ổn định giá nhà đất. Kết quả giá nhà đất tăng vọt đã được kiềm chế, nhưng việc tăng giá nhà đất vẫn chưa kiểm soát được, những rủi ro của thị trường bất động sản vẫn chưa giảm đi mà ngược lại vẫn đang tăng lên.

Vấn đề nằm ở chỗ giá nhà đất quá cao do việc mở rộng tín dụng quá mức gây ra sẽ giảm xuống vào khi nào. Dự báo đây sẽ là trọng tâm chính sách của Chính phủ Trung Quốc trong vài năm tới. Ít nhất nội dung những chính sách tài chính này rốt cuộc là gì, đến nay xem ra vẫn khó xác định, vấn đề là Chính phủ Trung Quốc làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa việc mở rộng tín dụng quá mức và ổn định giá nhà đất. 

Tín dụng mở rộng quá mức là trạng thái bình thường 


Ngoài ra, ở Trung Quốc, tín dụng mở rộng quá mức đã trở thành một trạng thái bình thường, đối với chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân đều như vậy. Điều này vừa liên quan đến tính công khai chuẩn của thị trường tài chính hiện đại và cơ chế ẩn danh của thị trường tài chính, vừa liên quan đến việc tối ưu hóa việc sắp xếp và thiết kế hệ thống tài chính, quan trọng hơn nữa là nó liên quan đến hệ thống tín dụng của Trung Quốc do chính phủ giữ chủ đạo.

Trong vài năm tới, mức độ chuyển đổi của hệ thống tín dụng này cũng sẽ quyết định mức độ phát triển và thịnh vượng của thị trường tài chính Trung Quốc. Báo cáo chính trị Đại hội XIX nhấn mạnh thông qua việc lấy cơ chế giá cả thị trường làm hệ thống cơ sở để phân bổ nguồn lực, nhưng thị trường tài chính đến thời điểm này vẫn còn rất khó khăn. Chẳng hạn việc chậm trễ, chưa thể đưa ra hệ thống đăng ký thị trường chứng khoán, hoặc hệ thống lãi suất chuẩn rất khó chuyển đổi… đều là những vấn đề nan giải hiện nay. 

Tiếp theo đó là vấn đề hiểu biết về cơ cấu thị trường tài chính. Quan điểm phổ biến về thị trường hiện nay là tài chính trực tiếp ưu thế hơn so với tài chính gián tiếp, bởi theo cách hiểu như vậy, phương thức tài chính này có chi phí thấp và cũng sẽ không dẫn đến rủi ro nợ. 

Tuy nhiên, trên thực tế cơ cấu thị trường tài chính không phân tốt hay xấu, cũng không có vấn đề vốn ngắn hạn quá nhiều trong khi vốn trung hạn và dài hạn của Trung Quốc lại thiếu, những yếu tố này đều là kết quả của việc sắp xếp thể chế, chẳng hạn như việc bong bóng thị trường chứng khoán tan vỡ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Những vấn đề này đều không thể tính toán bằng chỉ số MPA. Nói cách khác, vẫn chưa thể xác định chính xác chính sách tài chính của Trung Quốc là gì

RELATED ARTICLES

Tin mới