Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgười Việt khó mơ mua xe nhập: Thêm những lời buồn

Người Việt khó mơ mua xe nhập: Thêm những lời buồn

Khẳng định thiếu công bằng, phải chuyển nghề khác… là tâm tư của một số đại lý ô tô trước những quy định ngặt nghèo trong nhập khẩu ô tô.  

Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực từ 1/1/2018 nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã khẳng định, những yêu cầu của nghị định là không dễ thực hiện.

Anh Hải Đăng, chủ một showroom nhập xe tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Nghị định 116 quy định rõ doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền triệu hồi chính hãng từ nhà sản xuất nước ngoài. Điều kiện này khác nào đánh đố những đơn vị nhỏ lẻ như chúng tôi. Thông thường các hãng xe nước ngoài  chỉ cấp giấy xác nhận triệu hồi cho một đơn vị được họ chỉ định phân phối chính thức”.

Từ đây, anh Hải Đăng đặt nghi vấn, việc đưa ra hàng loạt rào cản đối với xe nhập chẳng qua là một cách để bảo hộ cho doanh nghiệp lắp ráp trong nước và tạo một cuộc cạnh tranh không công bằng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô lắp ráp trong nước.

Trong khi đó, chủ showroom Bình Auto (đường Láng, Hà Nội), doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe các hãng từ thị trường Mỹ, châu Âu phân tích: “Xe chúng tôi mua từ đại lý của Mỹ và đó là đại lý ủy quyền của hãng sản xuất. Khi xe xuất khẩu ra khỏi Mỹ rồi thì chiếc xe đó không còn được bảo hành nữa. Cho nên, giờ yêu cầu những điều kiện ngặt nghèo như thế thì chúng tôi không thể đáp ứng. Có lẽ chúng tôi sẽ chuyển sang kinh doanh loại xe đã qua sử dụng trong nước.

Doanh nghiệp nhập khẩu như chúng tôi rất nhỏ, mỗi tháng ai giỏi thì khoảng 10 chiếc, ít thì dăm ba chiếc, chỉ như muối bỏ biển, không bõ bèn gì so với số lượng của các hãng nhập khẩu lớn.

Dĩ nhiên, xu thế người ta sẽ tiến đến những cái lớn, không mang tính chất manh mún nữa. Vì thế, không bán được xe nhập nữa thì chúng tôi chuyển nghề. Bạn bè tôi đã có người chuyển sang kinh doanh nhà hàng, người buôn quần áo, nếu sau này bí quá thì bán… bún đậu”.

Chủ showroom Bình Auto cũng chỉ ra nhiều điểm anh thấy bất hợp lý.

“Xe chúng tôi mang từ Mỹ về đã đạt đến tiêu chuẩn khí thải Euro 5, còn xe liên doanh ở Việt Nam là Euro 2, vậy mà khi kiểm định, cơ quan chức năng vẫn kêu xe ở Mỹ về không đạt. Thậm chí khi kiểm tra bảo xe phanh không đều, chúng tôi mang về chưa kịp chỉnh gì, bữa sau đến kiểm tra lại thì lại bảo nay phanh khác hẳn”, anh nói.

Bởi thế, khẳng định rằng mình không bán xe nhập nữa thì làm việc khác, nhưng chủ showroom Bình Auto cho rằng người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi vì cơ hội để có được một chiếc xe ô tô nhập khẩu chất lượng, an toàn ngày càng khó khăn hơn.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, khi được hỏi, một số người dân cho rằng, việc áp dụng Nghị định 116 đối với những ô tô cũ nhập khẩu là hợp lý để đảm bảo an toàn cho người dùng, đồng thời tránh biến Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ.

Tuy nhiên, đa số ý kiến đều nhận xét, việc dựng hàng rào đối với xe nhập khẩu là một cách tiếp tục chính sách bảo hộ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước và khiến người tiêu dùng bị thiệt vì phải mua xe đắt đỏ mà chất lượng và độ an toàn không thể bằng xe nhập khẩu.

“Tại sao cơ quan quản lý không đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng tương tự đối với xe lắp ráp trong nước? Nếu không có xe nhập khẩu thì xe lắp ráp trong nước làm bá chủ, đồng nghĩa với việc tôi vẫn phải mua một chiếc ô tô với giá đắt gấp 3 lần ở Mỹ. Kinh tế thị trường hãy để người tiêu dùng quyết định, có cạnh tranh công bằng mới tốt cho dân”, anh Đức An (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc.

Bình luận thêm về những rào cản đối với ô tô nhập khẩu trong Nghị định 116, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng cơ quan quản lý đang thiếu nhất quán giữa nói và làm.

“Một đằng nhà quản lý hô hào bỏ các điều kiện kinh doanh, bỏ thủ tục hành chính, mặt khác anh lại tiếp tục ban hành những quy định ngặt nghèo như vậy.

Nếu muốn bảo hộ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước thì phải có cách làm và chính sách khác đi theo cơ chế thị trường chứ không phải dùng mệnh lệnh hành chính, cấm đoán, đặt điều kiện nọ điều kiện kia. Như vậy, vẫn là nói một đằng làm một nẻo”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Ông cho rằng, những người soạn thảo ra Nghị định 116 chịu sức ép là kể từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ về 0%, vì thế đây là một cách để ngăn chặn làn sóng xe nhập khẩu có thể ồ ạt vào Việt Nam.

“Trước đây những quy định này cũng đã có nhưng rải rác, giờ người ta tập hợp nó vào một nghị định, đậm đặc hơn những rào cản thương mại tự do.

Nó thể hiện tư duy đối phó và nặng về mệnh lệnh hành chính. Cách làm này quá nghèo nàn, cũ kỹ, chứng tỏ cơ quan quản lý đã vô phương đối phó, không hiểu gì cơ chế thị trường và vấn đề thương mại tự do”, vị chuyên gia thẳng thắn.

Ông cho biết, không thiếu gì cách để bảo hộ sản phẩm trong nước, nhưng nếu ở nước ngoài họ vận dụng một cách tinh vi thì Việt Nam lại khá… thô thiển.

“Các nước bây giờ rất khôn ngoan, họ vẫn dựng được hàng loạt rào cản để cản trở sản phẩm, hàng hóa của nước ngoài vào nước họ mà anh không thể đấu lại được. Như hàng Việt Nam hiện giờ vào Mỹ, EU dày đặc rào cản nhưng chúng ta đâu có chống lại được, trong khi các nước vẫn khẳng định là tự do thương mại”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới