Ủy ban Giám sát Quốc gia bao gồm nhiều cơ quan chống tham nhũng, dự kiến được thành lập vào năm 2018, sẽ là bộ phận đi đầu trong chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Triệu Lạc Tế – “Thợ săn hổ” mới trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập. Ảnh Getty
Theo Reuters, cơ quan lập pháp Trung Quốc đã công bố bản dự thảo luật đầu tiên nhằm trao quyền cho cơ quan mới thành lập có thể giam giữ, điều tra, trừng phạt các công nhân viên chức, giúp đẩy mạnh hơn cuộc chiến chống tham nhũng mang đậm dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ủy ban Giám sát Quốc gia bao gồm nhiều cơ quan chống tham nhũng, dự kiến được thành lập vào năm 2018, sẽ là bộ phận đi đầu trong chiến dịch của ông Tập và mở rộng phạm vi tới tất cả công nhân viên chức cả nước không chỉ là các đảng viên.
Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng trước, ông Tập đã cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch nhằm tiêu diệt nạn tham nhũng tận gốc trong đảng, trong thời gian trước đã có 1.3 triệu quan chức bị trừng phạt.
Reuters cho hay người dân Trung Quốc sẽ được đóng góp ý kiến về bản dự thảo luật trên cho đến ngày 5/12 nhưng cơ quan lập pháp không nói rõ khi nào văn bản luật cuối cùng sẽ được áp dụng.
Theo bản dự thảo luật công bố của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, bên cạnh quyền phong tỏa và thu giữ tài sản cá nhân, Ủy ban mới sẽ được trao quyền điều tra, thấm vấn và bắt giữ những thành viên trong chính quyền nếu vi phạm.
Dự thảo luật mới sẽ tập trung quyền điều tra chống tham những và áp dụng với các công nhân viên chức, trong đó bao gồm cả các giáo viên tại các trường công lập và các cấp quản lý lãnh đạo tại các công ty thuộc sở hữu của nhà nước.
Bản dự thảo cũng đưa ra thông tin chi tiết về hệ thống bắt giữ sẽ thay thế cho cách thẩm vấn trước đây. Theo dự thảo, cách thức mới có thể được áp dụng với các vụ việc “nghiêm trọng” và “nhạy cảm”, khi đối tượng có thể bỏ trốn hoặc tự tử, hay có nguy cơ thông đồng, giả mạo chứng cứ gây cản trở điều tra.
Thêm vào đó, những đối tượng tình nghi bị bắt giữ phải ký vào biên bản nhận tội, gia đình và cơ quan của họ phải được thông báo trong vòng 24h, và thời gian thẩm tra không quá 3 tháng, những “trường hợp đặc biệt” có thể là 6 tháng.
Dự thảo cũng bao gồm các biện pháp giám sát tài chính với những đối tượng bị nghi ngờ tham nhũng, nhằm tránh họ chạy trốn ra nước ngoài.
Trong một diễn biến khác, Nhân dân Nhật báo đưa tin về các trường hợp điều tra xét xử mà Ủy ban đã thực hiện bắt đầu từ tháng 1 tại thủ đô Bắc Kinh, Chiết Giang và Sơn Tây.
Tân Hoa Xã cũng đưa tin, tại Chiết Giang, Ủy ban đã tiến hành điều tra hơn 24.000 trường hợp tính từ tháng 1 đến tháng 8, nhiều hơn gấp đôi con số cùng kỳ do các cơ quan chức năng giải quyết năm trước.
Tại Sơn Tây, tổng số người bị giám sát bởi các cơ quan chống tham nhũng tăng từ 131.500 trường hợp lên 530.000 trường hợp.