Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐàm luậnVấn đề Triều Tiên chi phối cuộc gặp Tập-Trump? (Phần 1)

Vấn đề Triều Tiên chi phối cuộc gặp Tập-Trump? (Phần 1)

Ngay sau khi lên cầm quyền, Trump đặt quả cân giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc. Nhưng hiện nay, chính sách “không sở hữu hạt nhân” của Trung Quốc và Mỹ đã thất bại. Việc từ bỏ chính sách này sẽ động chạm tới khuôn khổ ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc đối với Triều Tiên trong 20 năm qua.

Ngày 3/11, Tổng thống Donald Trump bắt đầu chuyến thăm dày đặc trong 12 ngày đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD), trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du lần này là đến Hawaii nghe báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), sau đó tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tiếp theo là tới Việt Nam để tham dự Hội nghị cấp cao các nền kinh tế APEC, trạm dừng chân cuối cùng là Philippines.

Donald Trump vốn dự định sẽ tham dự hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN diễn ra Manila, nhưng theo tin tức mới nhất, Donald Trump chỉ hội kiến với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, không tham gia các hoạt động của ASEAN. 

Kể từ khi Trump nhậm chức đến nay, chuyến thăm châu Á-TBD lần này là một hoạt động ngoại giao lớn tiếp sau chuyến thăm và phát biểu ở trụ sở chính của NATO, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York. Có thể dự đoán trong chuyến thăm lần này ông sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, kinh tế thương mại Mỹ-Trung…, ngoài ra, chiến lược châu Á-TBD của Mỹ và cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung cũng đáng được quan tâm. 

Đối mặt với nhiều vấn đề như vậy, liệu Donald Trump đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa? Ông có thể đạt được những tiến triển, đột phá ra sao? Ngoài ra, chuyến thăm châu Á-TBD của Trump diễn ra đúng vào dịp Mỹ có sự điều chỉnh đối với chính sách đối nội, đối ngoại và Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc mới bế mạc, sự thay đổi trong nội bộ của Mỹ và các nước châu Á-TBD sẽ có ảnh hưởng ra sao tới chính sách ngoại giao của mỗi nước và thành quả chuyến thăm châu Á-TBD của Trump?

Ngay trước thềm chuyến thăm châu Á-TBD của Donald Trump, đội ngũ cố vấn ngoại giao của ông lại ở trạng thái khá hỗn loạn. Trước tiên là quan hệ giữa Donald Trump và Ngoại trưởng Tillerson khá căng thẳng. Tờ The New York Times tiết lộ sau một cuộc họp báo cáo về tình hình quân sự của Bộ Quốc phòng, Tillerson đã mắng Donald Trump là “đồ khùng”.

Trước đó, sau khi xảy ra vụ bạo loạn sắc tộc ở thành phố Charlottesville vào tháng 8, Tillerson ngầm chỉ trích Donald Trump xử lý không thỏa đáng, không thừa nhận tổng thống đại diện cho quan niệm giá trị của Mỹ. Về phương diện chính sách ngoại giao cụ thể, Donald Trump nhiều lần phủ nhận sắc lệnh ngoại giao của Tillerson trên Twitter. Giới ngoại giao Washington đồn rằng Tillerson sẽ mất chức sau chuyến thăm châu Á-TBD của Trump lần này, điều này đã tăng thêm rất nhiều nhân tố bất ổn cho chính sách ngoại giao của Mỹ.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan ngoại giao chủ chốt của Mỹ, hiện đối mặt với sự điều chỉnh lớn như thiếu việc làm, cắt giảm nhân viên, kinh phí, cải tổ cơ cấu…, trong 6 vị trí thứ trưởng ngoại giao của Bộ Ngoại giao, 5 vị trí còn trống, chỉ có 1 vị thứ trưởng lưu nhiệm từ thời Chính quyền Obama, 26 trợ lý ngoại trưởng chỉ có 1 người là do Donald Trump bổ nhiệm. Các đại sứ ở Hàn Quốc, Afghanistan, Saudi Arabia, Ấn Độ vẫn chưa được bổ nhiệm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi cụ thể các chính sách ngoại giao của Mỹ. 

Theo The Washington Post, nhân viên ngoại giao các nước ở Washington cũng bực bội trong lòng, than vãn không nắm rõ kênh kết nối ngoại giao. Ngoài ra, Donald Trump còn xảy ra “cuộc khẩu chiến” với Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Bob Corker – Thượng nghị sĩ bang Tennessee, Bob Corker chỉ trích Donald Trump thiếu tài năng lãnh đạo, đang đưa ngoại giao Mỹ xuống vực sâu. 

Nhìn lại các nước châu Á-TBD, vụ luận tội tổng thống gây xôn xao Hàn Quốc một thời kết thúc bằng việc Park Geun-hye bị bắt giam, người kế nhiệm là Moon Jae-in lên cầm quyền đã đi vào quỹ đạo. Shinzo Abe đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản cách đây không lâu, nền tảng cầm quyền càng vững chắc hơn.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc, Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2. Trong sự tái cơ cấu nội bộ của các nước nói trên thì Trung Quốc là quan trọng nhất do ngay sau khi Donald Trump nhậm chức, Mỹ đã đề xuất tìm kiếm sự thay đổi trong khi điều chỉnh quan hệ Mỹ-Trung, còn Trung Quốc lúc đó đang đứng trước việc sắp xếp lại quyền lực tại Đại hội XIX nên không có thời gian rảnh rỗi quan tâm đến chuyện khác, chỉ mong muốn chính sách đối ngoại ổn định. 

Có nhà quan sát từng lo ngại một nước Mỹ mong muốn thay đổi lại gặp phải một Trung Quốc mong muốn ổn định, 2 chiếc đồng hồ một nhanh một chậm như vậy sẽ dẫn đến sự va chạm ngoại giao. 

Thực tế cho thấy trong 10 tháng kể từ khi nhậm chức đến nay, Donald Trump đã thể hiện đủ sự kiên nhẫn, không gây sức ép quá nhiều cho Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra thiện chí đối thoại thông qua việc Tập Cận Bình và Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng Mara-Lago và triển khai 4 cuộc đối thoại toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hiện nay Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực lớn trong tay, đưa tư tưởng của mình vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, giành được vị thế lịch sử sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, việc Tập Cận Bình sẽ định nghĩa như thế nào về ngoại giao của Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuyến thăm châu Á-TBD của Donald Trump và lợi ích của Mỹ ở châu Á-TBD trong tương lai. 

Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên trong 10 tháng Donald Trump cầm quyền giống như là “xe qua núi”, trước tiên là thông qua các quan chức chính trị, quân sự cấp cao như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Tillerson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harris, phát đi tín hiệu cho thấy trong khi giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên không lấy thay đổi chính quyền làm mục đích. Nhưng hành động này vẫn không làm thay đổi quyết tâm sở hữu hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo, tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân bắn tới lãnh thổ nước Mỹ. Đối mặt với một Triều Tiên không chịu khuất phục, Donald Trump đã chuyển sang cao giọng đe dọa hủy diệt nước này. 

Xét từ tình hình hiện nay cho thấy Mỹ và Triều Tiên cũng đã xảy ra “cuộc khẩu chiến”, các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc do Mỹ chỉ đạo cũng đã được thông qua, các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn cũng đã gặp mặt, việc giải quyết bằng biện pháp quân sự khó khăn chồng chất, liệu chuyến thăm lần này của Donald Trump có thể đưa ra được giải pháp mới hay không là điều dư luận bên ngoài đang nóng lòng chờ đợi xem. 

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới