Ngay sau khi lên cầm quyền, Trump đặt quả cân giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc.
Ngay sau khi lên cầm quyền, Trump đặt quả cân giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc, điểm cốt lõi trong chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo này có thể được tóm tắt là “không sở hữu hạt nhân, không gây rối loạn, không có chiến tranh, không thống nhất”, xét tình hình hiện nay “không sở hữu hạt nhân” đã thất bại, Trung Quốc và Mỹ đã nhận thức rõ về điểm này, chỉ có điều không công khai mà thôi.
Tuy nhiên việc từ bỏ hoàn toàn chính sách “không sở hữu hạt nhân” sẽ động chạm tới khuôn khổ ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc đối với Triều Tiên trong 20 năm qua, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Sự mâu thuẫn giữa thực tại khắc nghiệt và triển vọng tốt đẹp có thể kéo dài bao lâu không nói cũng đã quá rõ.
Ngoài ra, sự lạnh nhạt giữa lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên là điều ai cũng biết, vì hình ảnh quốc tế và suy tính tới cục diện lớn của quan hệ Mỹ-Trung, Trung Quốc cũng liên tục tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, một Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực hơn nữa trong nội bộ và một Donald Trump nôn nóng ghi được thành tích, liệu có thể đạt được bước đột phá về vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay không là điều rất đáng quan tâm.
Đồng thời cũng nên chú ý rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một bàn cờ lớn, nếu sự hợp tác Mỹ-Trung có thể có bước đột phá, nó chắc chắn sẽ là một sự điều chỉnh lớn về cục diện chiến lược, điều này rất khó có thể được giải quyết qua một cuộc gặp thượng đỉnh, e rằng còn phải quan sát thêm vài tháng nữa.
Thứ nhất, thương mại Mỹ-Trung không những liên quan đến sự phát triển kinh tế giữa hai nước mà còn là nền tảng của thương mại thế giới. Trump đã ra sức chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử, nhưng sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng ông đã không có bất cứ hành động nào quá khích.
Tuy nhiên, mâu thuẫn mang tính cơ cấu trong thương mại Mỹ-Trung chưa được giải quyết, mà chỉ bị lu mờ bởi các vấn đề căng thẳng hơn chẳng hạn vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề kinh tế và thương mại Mỹ-Trung chủ yếu là do hai bên có một số bất đồng về nhận thức cơ bản, chẳng hạn như Trung Quốc ủng hộ thương mại toàn cầu và quốc tế hóa, Chính quyền Trump lại tỏ hoài nghi đối với điều này, có khuynh hướng bảo hộ thương mại mạnh mẽ.
Thứ hai, Mỹ cho rằng cốt lõi của vấn đề kinh tế và thương mại là sự can thiệp vào thị thường của Chính phủ Trung Quốc, bảo vệ không đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ, khiến các công ty Mỹ thiếu một sân chơi cạnh tranh bình đẳng; trong khi Chính phủ Trung Quốc cho rằng Chính phủ Mỹ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu, đối mặt với thị trường Trung Quốc đang trong thời kỳ nâng cấp thay thế, cho phép xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.
Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ đều không nhiều khả năng có sự điều chỉnh đáng kể về lập trường của mình, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực của sự chuyển đổi mô hình kinh tế, hy vọng có một thị trường quốc tế mở và ổn định, không có khả năng đưa ra quá nhiều nhượng bộ gây tổn hại lợi ích kinh tế của mình. Chính quyền Trump đã lặng lẽ thay đổi chiến lược đàm phán thương mại đối với Trung Quốc, chẳng hạn như phân rõ vấn đề chủ yếu và thứ yếu trong các cuộc đàm phán thương mại để tránh mất công sức, hiện đang tập trung vào hai khía cạnh là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường, tăng cường các tiêu chí đánh giá, nếu cần đàm phán thì phải chú trọng vào kết quả.
Mỹ sẵn sàng gỡ bỏ mặt nạ trong những vấn đề quan trọng chẳng hạn như tiến hành điều tra theo điều 301 của Luật thương mại ban hành năm 1974, cũng bao gồm việc gần đây bộ thương mại tuyên bố nước này không công nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc, gây áp lực lên Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ sẽ đọ sức ra sao trong vấn đề kinh tế và thương mại, đây cũng là một khía cạnh quan trọng trong chuyến thăm của Trump.
Chính sách của Trump đối với châu Á-TBD tập trung vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên và kinh tế-thương mại cho thấy địa vị đặc biệt của hai vấn đề này trong an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ, nhưng cũng đã cho thấy những việc Trump thiếu vắng một chiến lược tổng thể. Điều này có sự khác biệt khá xa so với chiến lược tổng thể về quân sự, ngoại giao, kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa được xây dựng trong chiến lược “tái cân bằng châu Á” của cựu Tổng thống Obama.
Hiện nay có vẻ như Trump không những thiếu một chiến lược tổng thể, mà còn tìm cách gỡ bỏ hoàn toàn những gì được Obama thúc đẩy, trong đó gồm rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đề xuất sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS FTA), tuyên bố rút khỏi “Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu” và Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Thiếu một chiến lược tổng thể đã gây ra rất nhiều vấn đề, ví dụ, Mỹ sẽ điều chỉnh ra sao sự ưu tiên các lợi ích chiến lược? Các đồng minh phối hợp ra sao với chính sách đối ngoại của Mỹ? Các đối thủ cạnh tranh và kẻ thù tiềm tàng của Mỹ xây dựng chính sách ngoại giao của họ như thế nào? Trump đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra câu trả lời, các nước bên ngoài hy vọng chuyến công du lần này có thể ít nhiều phác thảo tầm nhìn của Trump đối với châu Á-TBD.
Khi Trump nhậm chức, giới chính sách ngoại giao của Washington đã rất lo lắng về chính sách của Trump đối với Trung Quốc quá thực dụng, chẳng hạn như việc gắn vấn đề hạt nhân Triều Tiên và kinh tế – thương mại đã cho thấy rõ ưu tiên của quan hệ Mỹ-Trung nằm ở đâu, nhưng cũng dễ dàng dẫn đến xung đột giữa hai nước.
Hơn nữa, chính quyền mới của Mỹ không còn quan tâm tới các vấn đề như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phòng chống dịch bệnh toàn cầu, quan hệ Mỹ-Trung rõ ràng thiếu điểm tăng trưởng, diện hợp tác không còn mở rộng. Nhưng điều gây ngạc nhiên là mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo rất tốt, điều đó trên một mức độ nhất định đã giúp ổn định mối quan hệ hai nước trong thời kỳ quá độ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Trump lần này, Trung Quốc chắc chắn sẽ dốc toàn lực để có buổi lễ đón tiếp long trọng, theo đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải, Trung Quốc không những đón tiếp theo tiêu chuẩn của chuyến thăm chính thức mà còn có một số “sự sắp xếp đặc biệt”. Trong chuyến thăm, hai nước sẽ ký một loạt đơn đặt hàng thương mại, hoan nghênh Trump và các CEO của các công ty lớn của Mỹ.
Đáng chú ý đặc biệt là ngoại giao mang tính nghi lễ này rất cần thiết đối với một Donald Trump đang nôn nóng có được thành công. Kể từ khi lên cầm quyền tới nay, Donald Trump chưa quan tâm nhiều tới công việc nội bộ, áp lực nặng nề của những cam kết tranh cử như cải cách y tế, cải cách thuế vẫn chưa giải quyết được, “vụ bê bối liên quan đến Nga” vẫn đang được tiến hành, sự đối kháng giữa Nhà Trắng và trong đảng Cộng hòa chưa được dập tắt, Trump cần phải tìm lại sự thể diện và sự tôn nghiêm của một tổng thống.
Nhưng ngoài những hoạt động ngoại giao theo kiểu nghi lễ, liệu Trump có thể đạt được những thành quả thực chất hay không, điều đó sẽ quyết định hiệu quả lâu dài của chuyến công du châu Á-TBD của ông lần này.