Tuesday, November 12, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á

Vũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á

Trong ASEAN, đối tác quan trọng nhất về khí tài quân sự của Nga là Việt Nam mà mới nhất là việc Nga chuyển giao xe tăng T-90S cũng như đàm phán cung cấp hệ thống phòng không S-400 và tiêm kích Su-35S, theo truyền thông Nga.

 

Theo hãng tin INTERFAX-AVN (Nga) ngày 7.11, tại triển lãm An ninh Quốc phòng 2017 (D&S 2017) diễn ra ở Bangkok, Thái Lan từ 6 – 9.11, ông Mikhail Petukhov, Phó giám đốc Cơ quan hợp tác Kỹ thuật quân sự Liên bang Nga (FSMTC) cho hay Nga đã bắt đầu việc giao các xe tăng T-90S và T-90SK (tăng chỉ huy) cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết. Trước đó truyền thông Nga đưa tin trong báo cáo thường niên của tập đoàn Uralvagonzavod cho biết trong năm 2017 hợp đồng cung cấp 64 xe tăng T-90S/T-90SK cho khách hàng 704 (mã định danh của Việt Nam) bắt đầu khởi động.

Ông Petukhov cũng cho hay Nga và Việt Nam cũng bàn thảo về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumph, tuy nhiên đôi bên chưa đi đến kết luận.

Vũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á - ảnh 1

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria Bộ Quốc phòng Nga

ASEAN, thị trường quen thuộc

Trang tin quốc phòng vpk-news.ru ngày 6.11 có bài viết cho biết trong 10 nước ASEAN, ngoại trừ Brunei, còn lại đều là khách hàng mua vũ khí của Liên Xô trước đây và sau này là Nga. Lào và Campuchia vẫn còn sử dụng vũ khí từ thời Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Campuchia không mua thêm vũ khí của Nga. Lào có mua chủ yếu là tên lửa phòng không vác vai loại Igla-1 và trực thăng vận tải (6 chiếc Mi-17, 7 Ka-32, 1 chiếc Mi-26). Philippines gần đây tỏ ý mua sắm vũ khí Nga, tuy vậy vũ khí của nước này đa phần có nguồn gốc từ Mỹ và Israel nên việc chuyển hệ vũ khí cũng khó khăn.

Vũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á - ảnh 2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trên khu trục hạm Đô đốc Panteleyev (Nga) tại cảng Manila ngày 25.10, xem xét một khẩu súng trường AK-47 trong lô hàng thiết bị quân sự do Nga viện trợ bao gồm 5.000 khẩu AK, 20 xe tải Ural-4320, 1 triệu viên đạn súng trường, 5.000 mũ sắt Reuters

Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Thái Lan chỉ ở mức khiêm tốn so với Mỹ và Trung Quốc. Bangkok thời gian qua mua 5 trực thăng Mi-17 và 54 tên lửa phòng không loại vác vai Igla. Hợp tác Nga – Singapore cũng chỉ mang tính biểu tượng, qua việc Singapore mua sắm chỉ 30 tên lửa Igla.

Malaysia thời hậu Liên Xô đã mua từ Nga 18 tiêm kích MiG-29 và Su-30MKM, 2 trực thăng Mi-17, cùng 400 tên lửa Igla. Không quân Malaysia đang cân nhắc việc mua sắm chiến đấu cơ mới thay thế phi đội MiG-29 mua từ những năm 1990. Nếu gọi thầu, Nga sẽ tham gia với sản phẩm tiêm kích Su-30 hoặc MiG-35.

Từ năm 2000, Myanmar nổi lên là một khách hàng quan trọng của vũ khí Nga. Quân đội nước này đặt mua cả trăm khẩu pháo D-30 (bắn đạn 122 mm), 1 sư đoàn tên lửa phòng không S-125, 38 tên lửa phòng không tầm gần Tunguska, 30 tiêm kích MiG-29, 3 máy bay huấn luyện Yak-130 UBS, 10 trực thăng chiến đấu Mi-35P cùng các trực thăng đa năng Mi-24, Mi-17. Năm 2015, nước này mua từ Nga 16 động cơ phản lực RD-33 lắp ráp cho các tiêm kích JF-17 vốn do liên doanh Trung Quốc – Pakistan sản xuất cho Myanmar. Tuy vậy khả năng gia tăng hợp tác quân sự giữa Nga và Myanmar là không cao, việc Nga bán được vũ khí cho Myanmar do nước này bị ảnh hưởng lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây thời gian qua. Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh của Nga tại thị trường này.

Vũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á - ảnh 3

Chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Indonesia tại sân bay Hang Nadim, đảo Riau ngày 3.10.2016 chuẩn bị cho cuộc tập trận Reuters

Một đối tác lớn khác của Nga tại ASEAN là Indonesia, nước đã mua sắm 54 xe bọc thép chở quân BMP-3, 12 xe bọc thép BTR-80A, 5 tiêm kích Su-27, 11 tiêm kích Su-30MK2, 5 trực thăng Mi-35P, 18 trực thăng Mi-17. Hiện hai nước đang đàm phán về loại tiêm kích hiện đại Su-35S, tuy nhiên số lượng Indonesia dự kiến mua có giảm từ 16 xuống còn 11 chiếc. Chưa kể Indonesia vẫn chưa sắp xếp được nguồn vốn để mua sắm máy bay cũng như các vũ khí khác từ Nga.

Ngoài ASEAN, Bangladesh cũng là khách hàng tiềm năng của vũ khí Nga. Từ 1992 đến 2016, nước này mua 645 xe bọc thép BTR-80 (là nước có số lượng xe này nhiều thứ nhì thế giới sau Nga), 1.200 tên lửa chống tăng Metis (AT-7), 8 tiêm kích MiG-29 cùng 96 tên lửa không đối không R-73, 16 máy bay huấn luyện Yak-130, 33 trực thăng loại Mi-8 và Mi-17. Bài báo này cho rằng doanh thu vũ khí từ Bangladesh tuy không nhiều nhưng Nga có triển vọng tốt tại thị trường này.

Theo bài báo, các nước ASEAN là đối tác đầy sức thu hút với Nga vì các nước này có nguồn tài chính dồi dào và không có mâu thuẫn chính trị nghiêm trọng với Nga. Tuy nhiên, sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ giữa các nước này với Mỹ và Trung Quốc. Trong tương lai gần, không một nước ASEAN nào có thể thay thế được Việt Nam như một đối tác đặc biệt của Nga.

Vũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á - ảnh 4

Chiến hạm Gepard 3.9 thứ 4, số hiệu tạm 487 của Hải quân Việt Nam tại quân cảng Novorossiysk, Nga ngày 17.10. Dự kiến tàu sẽ về Việt Nam trong tháng 11 shipspotting

Việt Nam, đối tác quan trọng nhất

Đối tác chủ yếu của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự tại ASEAN chính là Việt Nam, với các đơn hàng mua vũ khí có số lượng nhiều hơn các nước ASEAN khác cộng lại. Việt Nam còn là một trong 3 khách hàng lớn nhất thế giới của vũ khí Nga. Từ thời Liên Xô đến hiện nay là Nga đều nhận được các đơn đặt hàng mua sắm vũ khí lớn của Việt Nam.

Hiện vũ khí Nga chiếm đa số trong trang bị của các quân chủng thuộc quân đội Việt Nam. Về hải quân, gần đây hợp đồng lớn nhất cung cấp tàu ngầm Kilo 636 cho Việt Nam đã hoàn tất với 6 chiếc, đi kèm là các vũ khí trang bị cho tàu ngầm như 50 tên lửa 3M54 Klub và 80 ngư lôi loại 53-65 và TEST-71. Hợp đồng lớn thứ hai là cung cấp 8 tàu tên lửa lớp Molniya (Dự án 12418) gồm 2 chiếc đóng tại Nga và 6 chiếc do Việt Nam tự đóng theo giấy phép của Nga. Ngoài ra còn có hợp đồng đóng 4 chiến hạm lớp Gepard 3.9 (Dự án 11661), bao gồm 2 chiếc Nga đã bàn giao năm 2011 và 2 chiếc còn lại giao trước cuối năm 2017. Các tàu tên lửa này trang bị hệ thống tên lửa diệt hạm Uran, và đã có khoảng 400 quả tên lửa Kh-35 được cung cấp. Trước đó Việt Nam đã nhận từ Nga 6 tàu tuần tra tên lửa lớp Dự án 10412.

Vũ khí Nga gia tăng thâm nhập Đông Nam Á - ảnh 5

Tàu tên lửa tấn công lớp 12418 Molniya do Việt Nam đóng theo giấy phép Nga Độc Lập

Về không quân, hợp đồng thứ 4 cung cấp tiêm kích Su-30MK2 đã hoàn tất với tổng cộng 32 chiếc. Trước đó Việt Nam đã mua 12 chiếc tiêm kích Su-27. Năm 2015, hợp đồng hiện đại hóa hệ thống tên lửa phòng không (3 sư đoàn) S-125 trang bị từ thời Liên Xô đã được hoàn thành, nâng lên chuẩn S-125TM. Việt Nam còn trang bị 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU1, và hệ thống tên lửa bờ biển Bastion (trang bị tên lửa hành trình siêu thanh Yakhont).

Việt Nam dự kiến đặt mua thêm các tiêm kích Su-30 và quan tâm đến Su-35S. Trong tương lai gần Việt Nam sẽ sản xuất theo giấy phép của Nga các loại tên lửa chống tăng, tên lửa diệt hạm, tên lửa phòng không. Việc nâng cấp các vũ khí khác của lục quân có từ thời Liên Xô cũng sẽ tiếp tục.

Hiện tại Việt Nam cũng bắt đầu mua vũ khí từ Mỹ, Tây Ban Nha, Israel, Úc, Hàn Quốc… Tuy số lượng đặt mua rất ít so với vũ khí từ Nga nhưng khuynh hướng này đang tăng, theo bài báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới