Những thành tích chiến đấu và phục vụ ở Syria của trực thăng Nga được cả thế giới công nhận và theo sau đó là nhiều hợp đồng “khủng” xếp hàng.
Trực thăng Mi-171V-5 khai hỏa.
Từ việc chính Mỹ cũng mua trực thăng Nga…
Điều này nghe qua tưởng chừng như một câu chuyện cười, nhưng trên thực tế đúng như vậy. Thậm chí đúng tới… 2 lần. Đó chính là việc Mỹ mua tới gần 100 chiếc trực thăng Mi-17 xuất xứ từ Nga để cung cấp cho 2 đồng minh thân cận của mình ở Trung Đông gồm Afghanistan và Iraq.
Lý do chính thức được phía Mỹ đưa ra là để tránh tối đa nạn tham nhũng tiền viện trợ quân sự vẫn còn xảy ra thường xuyên ở 2 quốc gia này.
Nhưng sâu xa có thể hiểu Mỹ lựa chọn như vậy là hoàn toàn logic chứ không có gì bất thường, bởi lẽ, cả 2 quốc gia kể trên không chỉ đều quá quen thuộc với các loại trực thăng của Nga mà còn vì nhiều ưu điểm vượt trội cả về tính năng kỹ – chiến thuật (hiệu quả hoạt động) cũng như giá cả phải chăng so với trực thăng của Mỹ. Cụ thể:
Thứ nhất, sức chở lớn, hoạt động tin cậy, bền bỉ, dễ dàng vận hành, bảo dưỡng sửa chữa. Đây là điều mà nhiều khách hàng đánh giá cao ở các máy bay trực thăng Nga. Chúng có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện khí hậu, kể cả ở sa mạc đầy cát, bụi vốn là những “chướng ngại” rất lớn đối với hầu hết các loại trực thăng.
Không có quá nhiều thiết bị điện tử tinh vi nên nếu chẳng may nếu có hỏng hóc ngoài chiến trường thì vẫn có thể dễ dàng khắc phục.
Một trong những ví dụ điển hình về hoạt động bền bỉ của trực thăng Nga đó là vào năm 2010 tại Afghanistan, 2 chiếc trực thăng Mi-17 được điều khiển bởi kíp bay hỗn hợp Không quân Mỹ và Không quân Afghanistan đã hoạt động liên tục 13 giờ liền, giải cứu thành công 2.080 người dân khỏi nước lũ.
Đây được coi là lượng người được cứu nhiều nhất trong lịch sử Không quân Mỹ được thực hiện bởi 2 chiếc trực thăng.
Thứ hai, tính đa dụng cao. Các loại trực thăng Nga, nhất là dòng Mi-8/17 có nhiệm vụ vận tải, tìm kiếm cứu hạn là chủ yếu, nhưng khi cần, chúng có thể lập tức biến thành những cỗ máy sát thủ nếu được lắp đặt các loại vũ khí như súng máy, rocket hạng nặng.
Thậm chí một số phiên bản Mi-17 vận tải – vũ trang (như Mi-171Sh hay Mi-171Sh-VN) còn có thể mang phóng được tên lửa chống tăng có điều khiển hiện đại để đập nát các loại xe tăng, xe bọc thép hạng nặng.
Thứ ba, giá cả phải chăng. Mặc dù mỗi quốc gia đặt mua sẽ có mức giá khác nhau nhưng hầu hết các hợp đồng đều cho thấy giá trực thăng Nga rẻ hơn đáng kể so với các đối thủ cùng loại của Mỹ và phương Tây.
Có lẽ đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến Mỹ phải “ngậm đắng nuốt cay” đi mua trực thăng Nga để cung cấp cho các đồng minh. Bởi chi phí mua máy bay và đào tạo phi công, thợ kỹ thuật để sử dụng các máy bay hệ 2 (của Mỹ) là rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
… tới mất khách sân sau
Mặc dù là quốc gia láng giềng nằm sát vách và có mối quan hệ chính trị – kinh tế – quân sự khá mật thiết với Mỹ, nhưng dường như Mexico luôn có lựa chọn riêng cho mình về mua sắm vũ khí trang bị khi “chơi thân” với Nga khi liên tiếp ký hợp đồng đặt hàng các sản phẩm quốc phòng từ Nga, trong đó nổi bật nhất là trực thăng.
Trong những năm gần đây, Mexico chẳng còn mấy thiết tha với trực thăng Mỹ mà chuyển sang tin dùng trực thăng Nga, và dòng Mi-17 luôn là lựa chọn hàng đầu bên cạnh những chiếc trực thăng vận tải Mi-26 khổng lồ. Trong biên chế lực lượng trực thăng Mexico hiện có 50 chiếc Mi-17 và 2 chiếc Mi-26.
Để duy trì hiệu quả hoạt động của những máy bay trực thăng này, phía Nga mới đây đã nhất trí cung cấp cho Mexico một gói dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa toàn diện.
Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 10 vừa qua, Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters) một công ty thành viên của Tập đoàn công nghệ quốc doanh Rostec đã tiến hành đàm phán với đối tác Mexico nhằm triển khai dự án chào bán và cung cấp dịch vụ sau bán hàng cho trực thăng Ansat tại trị trường này.
Theo đó, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Nga Manturov tới Mexico, một cuộc gặp giữa ông Dmitry Lelikov – PGĐ Rostec và ông Andrey Boginsky – GĐ Russian Helicopters, đại diện phía Nga với ông José de Vicente – GĐ Trung tâm Craft Avia của Mexico đã được tổ chức, nhằm chuẩn bị khai phá thị trường quan trọng này với sản phẩm trực thăng Ansat.
Ông Andrey Boginsky cho biết: “Craft Avia đã mời chúng tôi cung cấp trực thăng Ansat tại thị trường Mexico. Chúng tôi đã chuẩn bị và trực tiếp gửi đề xuất về việc cung cấp một chiếc trực thăng Ansat mẫu để dùng cho việc bay trình diễn trước các khách hàng tiềm năng. Đã có khách hàng quan tâm tới dòng trực thăng này, và chúng tôi hy vọng sẽ sớm ký được hợp đồng”.
Ngoài Mexico, một số quốc gia khác cho dù khá “thân” với Mỹ nhưng vẫn quyết định mua trực thăng Nga như Thái Lan (với trực thăng Mi-17V-5), Hàn Quốc (với trực thăng Mi-17 và Ka-32),…