Cái khó ló cái khôn – ông bà đã dạy. Lòng can đảm, dù chẳng hề là thuộc tính của một chế độ, vẫn thình lình phơi ra trong bất kỳ tình thế nào mà chế độ đó phải tìm mọi kế và làm mọi cách để bảo vệ sự tồn sinh của nó.
Tàu sân bay USS-John C. Stennis (CVN-74) của Hải quân Mỹ hoạt động tại Biển Đông. Ảnh: Wikiwand
Lòng can đảm bất thần
Một hiện tượng đáng chú ý là từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất ba lần thể chế một đảng ở Việt Nam “ngó lơ” chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại Giao Việt Nam bất thần tỏ ra “can đảm” khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông.”
“Tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông” có thể được hiểu là cách phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam trước sự kiện tàu khu trục Chafee của hải quân Mỹ đi vào vùng nước gần với các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 10 Tháng Mười.
Đây là lần tuần tra gần nhất để chống lại những gì mà Washington cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược.
Nhưng hiện tượng “lạ” đã xảy ra: Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã mở miệng “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình, theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982” – một lối phản ứng gián tiếp trước tuyên bố của Bắc Kinh “Hành động của chiếc tàu Mỹ vi phạm pháp luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, làm tổn hại tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc cương quyết phản đối.”
Gần hai năm trước, vào ngày 31 Tháng Giêng, 2016, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình cũng đã dạo tiếng thăm dò “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải” về hành động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP) của Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ trên phương diện phát ngôn.
Bởi vì vào cuối Tháng Mười, 2015, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), người phát ngôn Việt Nam chỉ nói chung chung là Việt Nam: “Tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông” và “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.
Từ lâu, cách phát ngôn nước đôi của “người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam” đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung Quốc trở nên phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng “cho nó lành” trước Trung Quốc. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông vào giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam sôi sục nỗi liêm sỉ. Khi đó, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính Trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.
Bị nguy hiểm?
Vì sao từ đầu năm 2016 đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?
Phải chăng đây chỉ là một động tác để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính Trị không đến nỗi quá “thân Trung” như dư luận đánh giá?
Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn?
Nếu mối quan hệ Việt-Trung vào năm 2016 diễn ra tạm thời êm ả, thì đến giữa năm 2017 bắt đầu sóng gió. Trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vào ngày 24 Tháng Bảy, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam,” cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất cảng dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.
Đó là hậu quả của vô số tính toán tủn mủn lồng trong thói tự tôn cộng sản nói mãi không chịu bỏ. Bài học quá đắt giá là vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp.
Khi đó, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô Đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt – mười sáu chữ vàng.”
Từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một chục “đối tác chiến lược” trong túi, nếu không kể đến một “đối tác chiến lược” khác là Đức mà vừa bị quốc gia này tạm thời đình chỉ “quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”
Hẳn là từ đầu năm 2016, “tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam” đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Bám Mỹ
Chỉ khoảng nửa tháng sau biến cố Bãi Tư Chính, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã vội vã “thăm Hoa Kỳ,” trong đó có cuộc hội đàm quan trọng với Bộ Trưởng James Mattis, để nhận được lời hứa hẹn của phía Mỹ về việc sẽ có một tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam vào năm 2018. Đó là kết quả mà Việt Nam cần ngay trước mắt để “hù” Trung Quốc.
Đến Tháng Mười vừa qua, một thứ trưởng Bộ Quốc Phòng là Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tiếp bước Tướng Ngô Xuân Lịch đến Washington với món quà bất ngờ dành cho Thượng Nghị Sĩ John McCain: một bó thư của người nhà gửi cho tù binh McCain khi ông bị giam tại Hỏa Lò, nhưng đã bị phía Việt Nam ém đi.
Ông John McCain, dù đã lớn tuổi, vẫn còn là một nghị sĩ đầy quyền lực và phụ trách Ủy Ban Quân Vụ của Thượng Nghị Viện Mỹ – nơi có quyền cấp hay không cấp cho quân đội Việt Nam những loại vũ khí hiện đại như tàu tuần tiễu và máy bay do thám.
Hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Không thể khác hơn, đó là nguồn cơn khiến Bộ Ngoại Giao Việt Nam tỏ ra “can đảm” từ bất ngờ đến dần có hệ thống khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông.”
Những tuyên bố trên lại được hoàn cảnh khách quan ủng hộ: không chỉ Việt Nam, mà cả Mỹ cũng bị đe dọa một cách rõ rệt bởi Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã lớn lên thành một “tư tưởng” được ghi trong điều lệ đảng, vượt hơn cả Đặng Tiểu Bình trước đây và có thể bắt đầu sánh ngang với “tư tưởng Mao.”
Độc tôn cá nhân lại dẫn đến nguy cơ bá quyền nước lớn. Rất nhiều khả năng là sau đại hội 19, ông Tập Cận Bình sẽ vươn tay thọc sâu vào Biển Đông, với mục tiêu gần nhất là “đánh úp” quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế quân cảng Cam Ranh để vô hiệu hóa tàu Mỹ hoạt động tại cảng này, phát triển tầm tác chiến tại Biển Đông và biến vùng biển này thành một kiểu “trạm thu phí” của Trung Quốc đối với tàu bè chở hàng hóa của các nước.
Nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông không còn là dự báo nữa, mà có thể trở thành hiện thực vào bất kỳ năm nào sau năm 2017.
Để bảo vệ an ninh hàng hải và phòng vệ, Hoa Kỳ đang và sẽ phải triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.
Tờ The Diplomat nhận định: “Một yếu tố khác đã được giới phân tích ghi nhận trong các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông thời Tổng Thống Trump: đó là các chiến dịch này là những cuộc tuần tra đích thực, với các chiến hạm thực hiện các hoạt động tập huấn hay diễn tập hải quân bình thường trong các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, chứ không ‘rón rén’ áp dụng thủ tục qua lại vô hại như thời Obama.”
Cũng là để Việt Nam có thể bám vào đặc trưng mới này, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.