Trên lý thuyết, Nhật Bản có thể chế tạo một loại tên lửa đạn đạo chống tàu để đối phó tàu sân bay TQ. Nhưng chuyên gia Zachary Keck cho rằng, đây sẽ là một phương thức sai lầm.
“Sát thủ tàu sân bay” DF-21D
Trong bối cảnh chúng ta đang tiến gần đến thời điểm Trung Quốc có nhiều tàu sân bay, Mỹ và các quốc gia láng giềng của Trung Quốc chắc hẳn cũng đang tích cực chuẩn bị cho tình huống ấy.
Điều này có lẽ đặc biệt đúng với Nhật Bản – “đối thủ truyền kiếp” của Trung Quốc trong khu vực.
Mặc dù Tokyo có thể “bắt chước” chiến lược đe dọa tàu sân bay mà Trung Quốc đang áp dụng với Mỹ nhưng theo nhà phân tích Zachary Keck, còn có một phương thức hiệu quả và kinh tế hơn có thể thúc đẩy năng lực mà Nhật Bản vốn đã có trong tay, đó là: Tàu ngầm.
Đừng cố gắng học theo Trung Quốc!
Từ năm 2012, Trung Quốc đã đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh, tân trang từ tàu sân bay cũ của Ukraine. Tuy nhiên, con tàu này có năng lực chiến đấu hạn chế và có vẻ đang được sử dụng để huấn luyện thủy thủ cho các tàu sân bay mới mà Bắc Kinh đang chế tạo trong nước.
Chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên (001A) đã được hạ thủy vào mùa xuân năm nay, dự kiến sẽ được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong năm 2020.
Trước đó, trong một bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho biết, con tàu này chỉ có một số cải tiến rất nhỏ so với tàu Liêu Ninh. Đáng chú ý là nó vẫn sử dụng boong phóng kiểu nhảy cầu.
Từ tàu sân bay nội địa thứ hai (002) trở đi, Trung Quốc dự kiến sẽ áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn, trong đó có máy phóng hơi nước và tiếp đó có thể là máy phóng điện từ.
Ông Majumdar dẫn lời một chuyên gian quân sự Trung Quốc cho biết: “Tàu sân bay 002 sẽ khác hoàn toàn với chiếc Liêu Ninh (001) và chiếc 001A, nó sẽ trông giống tàu sân bay Mỹ hơn là tàu sân bay Nga”.
Trong tương lai, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai ít nhất 6 tàu sân bay, giúp tăng cường đáng kể khả năng triển khai lực lượng của nước này. Đây là vấn đề mà Nhật Bản và các quốc gia còn lại ở châu Á sẽ phải đương đầu.
Bắc Kinh đã thảo ra một kế hoạch chi tiết để đối phó với các nhóm tàu sân bay của đối phương, đó là sử dụng tên lửa đạn đạo chống tàu.
Tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21D của Trung Quốc, với đầu đạn cơ động, cho phép Trung Quốc điều chỉnh hướng bay của đầu đạn sau khi bắn để tương thích với sự di chuyển của tàu sân bay trên biển.
Trên lý thuyết, Nhật Bản có thể chế tạo một loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) tương tự để đối phó với tàu sân bay Trung Quốc (Trong trường hợp của Mỹ, Washington không thể chế tạo các phiên bản tên lửa tương tự trên bộ do những hạn chế của Hiệp ước Tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn – INF).
Tuy nhiên, nhà phân tích Zachary Keck cho rằng, đây sẽ là một phương thức sai lầm. Việc Trung Quốc quyết định chế tạo ASBM là điều dễ hiểu, bởi ngành công nghiệp quốc phòng của họ đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tên lửa, bao gồm cả các loại tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân.
Nhưng ngược lại, Nhật Bản đã có một thời gian dài không chú trọng vào các khả năng tấn công, theo quy định của hiến pháp hoàn bình mà nước này tự thiết lập.
Tất nhiên, Nhật Bản là quốc gia có công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học của họ có thể chế tạo tên lửa một cách khá dễ dàng. Tokyo cũng đã có kinh nghiệm về công nghệ phóng vệ tinh và các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, việc phát triển một loại ASBM có khả năng mạnh sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí đắt đỏ. Chính xác là bao nhiêu?
Do chúng ta không biết rõ Trung Quốc đã tiêu tốn tới mức nào cho tên lửa DF-21D nên có lẽ ví dụ tốt nhất để hình dung được mức chi phí trong trường hợp này là tên lửa Pershing-II của Mỹ.
Pershing-II là tên lửa đạn đạo do Mỹ chế tạo vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây cũng là mẫu tên lửa đã tạo cảm hứng để Trung Quốc phát triển DF-21D.
Khi các tên lửa Pershing-II bị tiêu hủy theo hiệp ước INF, Văn phòng kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) đã tiến hành nghiệm thu chi phí của chương trình. Kết quả thu được cho thấy Mỹ đã tiêu tốn khoảng 2,6 tỷ USD để chế tạo 247 tên lửa Pershing-II, tương đương 5,8 tỷ USD theo mệnh giá năm 2017.
Đó mới chỉ là chi phí của tên lửa. Để tác chiến hiệu quả trước các mục tiêu di động như tàu sân bay, ASBM còn cần được hỗ trợ bởi nhiều hệ thống.
Như nhà phân tích Robert Farley từng giải thích trong một bài viết khác trên National Interest, tên lửa DF-21D “phụ thuộc vào hoạt động của một nhóm các cảm biến tinh vi, cũng như hệ thống thông tin liên lạc có khả năng tích hợp các cảm biến này và truyền thông tin tới kíp vận hành”.
Nói cách khác, ASBM cần nhận được thông tin thời gian thực, thông tin này có thể được truyền tới tên lửa trong hành trình bay để điều hướng nó tới mục tiêu di động.
Theo Harry Kazianis, một cây viết khác trên National Interest, các hệ thống trinh sát của Trung Quốc trong trường hợp này có thể bao gồm “radar ngoài đường chân trời, vệ tinh và máy bay không người lái, chúng sẽ hỗ trợ dẫn hướng tên lửa tới mục tiêu trên biển”.
Tất cả những yếu tố trên sẽ làm gia tăng mức chi phí mà Nhật Bản phải gồng gánh nếu muốn đi theo chiến lược giống Trung Quốc.
Ngoài ra, mặc dù DF-21D được Trung Quốc tung hô nhưng năng lực thực sự của “sát thủ” này tới đâu? Chúng ta thậm chí không thể biết chắc chắn.
Những gì chúng ta nắm được, đó là Bắc Kinh chưa từng thử nghiệm DF-21D chống lại các mục tiêu di động.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, mỗi một mắt xích trong hệ thống hỗ trợ DF-21D tấn công mục tiêu đều có thể bị phá vỡ bởi các hệ thống đối phó tương ứng của đối phương.
Nếu những phương thức đối phó này thất bại thì nhóm tác chiến tàu sân bay vẫn còn rất nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa có thể phát huy hiệu quả.
Thay vì cố gắng “bắt chước” Trung Quốc, ông Zachary Keck cho rằng, Nhật Bản nên theo đuổi chiến lược cạnh tranh riêng. Chiến lược cạnh tranh được phát triển trong giới kinh doanh nhưng đã được Lầu Năm Góc áp dụng gần thời kỳ cuối của Chiến tranh Lạnh, đó là tìm cách khai thác lợi thế tương đối của mình và tìm ra điểm yếu tương ứng của đối phương.
Học thuyết chống tiếp cận/chống xâm nhập mà Trung Quốc thiết lập để đối phó Mỹ là một ví dụ, vì nó khai thác lợi thế địa lý của Bắc Kinh và nhu cầu tiếp cận khu vực này của Mỹ.
Tàu ngầm – mối đe dọa “khổng lồ” với tàu sân bay
Như đã nêu ở trên, Nhật Bản không có nhiều kinh nghiệm với tên lửa nhưng lại xuất sắc hơn trong lĩnh vực tàu ngầm.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản được đánh giá là một trong những mẫu tàu ngầm diesel-điện có khả năng nhất trên thế giới.
Trên thực tế, tàu ngầm luôn là phương tiện có thể tạo ra mối đe dọa “khổng lồ” đối với tàu sân bay. Điều này đúng cả với những tàu ngầm có năng lực kém xa Soryu. Như một quan chức Mỹ đã phát biểu gần đây khi đề cập tới tàu ngầm Nga: “Một chiếc tàu ngầm nhỏ cũng có khả năng đe dọa một phương tiện tác chiến lớn như tàu sân bay”.
Năng lực của tàu ngầm cũng đã được chứng minh trên thực tế: Đã có 8 tàu sân bay bị tàu ngầm đánh chìm trong Thế chiến II.
Tàu ngầm cũng là phương án mang lại hiệu quả chi phí cao. Mặc dù được liệt vào loại “khá đắt đỏ” nhưng các tàu ngầm Soryu cũng chỉ có chi phí nửa tỷ USD/tàu. Như thế, với chi phí tương đương mức Mỹ chế tạo các tên lửa Pershing II, Nhật Bản có thể chế tạo 11 tàu ngầm lớp Soryu.
Cần lưu ý thêm rằng, tác chiến chống ngầm (ASW) là một điểm yếu tương đối lớn của Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực nâng cao khả năng chống ngầm trong những năm gần đây nhưng mới chỉ chú trọng vào khả năng phát hiện tàu ngầm ở khu vực ven biển, chưa mở rộng tới các vùng biển xa.
Vì thế, theo nhà phân tích Zachary Keck, tàu ngầm sẽ là phương thức kinh tế nhất, mang lại hiệu quả chi phí cao nhất để Nhật Bản đối phó với các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.