Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhải chăng ý tưởng “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đang thách...

Phải chăng ý tưởng “Ấn Độ – Thái Bình Dương” đang thách thức TQ?

Ý tưởng này đang tạo ra những phản ứng khác nhau giữa các bên và trong giới học giả, đồng thời đặt các nước trong khu vực vào tình thế khó xử giữa 2 siêu cường

Trong chuyến công du châu Á lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã nêu lên tầm nhìn về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” trong các cuộc hội đàm song phương và đa phương – một thuật ngữ mới mà trước đó chính quyền của ông đã nhiều lần nhắc đến.

Tầm nhìn về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” được cho là khái niệm nhằm chuyển hướng tập trung từ vai trò của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ấn Độ trong một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Do đó, ý tưởng này của Hoa Kỳ được nhiều chuyên gia xem là một phần trong chính sách nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, và mở đường cho một liên minh bốn bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Ý tưởng về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương” khiến Trung Quốc lo ngại

Trang tin Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) hôm 13/11 cho biết, các quan chức ngoại giao của 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã có cuộc đối thoại chính thức 4 bên vào ngày 12/11 tại Philippines trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN.

Cuộc họp này có tên gọi là “Quad”, là cuộc họp đầu tiên giữa 4 quốc gia này kể từ khi khái niệm về một liên minh “tứ cực” được Nhật Bản đưa ra cách đây một thập kỷ.

Cuộc đối thoại tập trung bàn về tầm nhìn và hệ giá trị của mỗi nước nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa”, để mang lại lợi ích lâu dài cho các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.

Tuy nhiên, nói về vấn đề này, ông Du Jifeng, một chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, lại có góc nhìn khác:

Bốn nước này (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) sẽ chia sẻ các giá trị về hệ tư tưởng và lợi ích chiến lược cạnh tranh trong các vấn đề an ninh quan trọng của khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.

“Mặc dù họ không đề cập đến Trung Quốc để tránh đụng chạm đến Bắc Kinh, nhưng thực tế có thể thấy rằng, tất cả họ đều đang rất lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và đang cố gắng biến sáng kiến này thành hiện thực”, ông Du Jifeng nói.

Theo học giả này, Bắc Kinh nên cảnh giác với liên minh an ninh như vậy, bởi nó có khả năng bao gồm cả các quốc gia nhỏ khác như Việt Nam nhằm định hình lại vị trí địa chính trị trong khu vực về lâu dài. [1]

Sự cạnh tranh ảnh hưởng của Trung – Mỹ trong khu vực sẽ gia tăng

Mặc dù cuộc họp này đã không đưa ra tuyên bố chung và các quan chức Hoa Kỳ cũng phủ nhận động thái này nhắm vào Trung Quốc, tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 13/11 đã cảnh báo rằng:

Liên minh giữa Hoa Kỳ và ba đồng minh về một Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ làm tăng triển vọng của một khối để chống lại sự mở rộng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà quan sát, cuộc họp này đã làm nổi bật những lo lắng của các nước trong khu vực về sự cạnh tranh ảnh hưởng đang ngày càng tăng lên giữa Bắc Kinh và Washington.

Ông Timothy Heath, chuyên gia phân tích chiến lược quốc phòng của Viện nghiên cứu quốc tế Rand Corporation đưa ra nhận định, cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng giữa các siêu cường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ ngày càng gay gắt hơn. 

“Tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương và Hoa Kỳ không bao giờ bỏ qua khu vực này”, ông Heath nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại đưa ra mối quan ngại về vấn đề địa chính trị hơn là sự cạnh tranh đơn thuần về kinh tế, thương mại.

Tiến sĩ Seong-Hyon Lee, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejong Hàn Quốc cho biết:

Sự tan băng gần đây trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), là một lợi ích lớn về địa chính trị của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với Hoa Kỳ.

“Quan hệ Trung – Mỹ đã bước vào một cuộc cạnh tranh về cấu trúc, và trên thực tế, cuộc tranh luận về hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đã phản ánh rõ nét về sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực”, ông Seong nói. [2]

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Theo đó, cuộc họp Quad không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vì ông Trump đã tỏ ra quan tâm đến việc thúc đẩy ý tưởng về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa”.

Coi đây như là nền tảng trong chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đã nỗ lực để tăng cường quan hệ với các đồng minh cũng như các đối tác, nhằm cân bằng sức mạnh kinh tế và quân sự với Trung Quốc.

Các nước trong khu vực buộc phải đi tìm sự thay đổi chính sách

Ông Jay Batongbacal, chuyên gia về luật hàng hải tại Đại học Philippines cho biết:

Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, các quốc gia trong khu vực phải làm nhiều hơn trong việc phòng ngừa rủi ro và cố tránh khỏi những cuộc tranh chấp lớn.

Lý do ông nêu ra là bởi cách đây một thập kỷ, Australia và Ấn Độ không mấy mặn mà với khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” mà Nhật Bản đưa ra.

Tuy nhiên, sau tất cả sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến chính sách của Australia, cũng như tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Biển Đông đã khiến hai nước này nhận thấy cần phải có những thay đổi.

Ông Dibyesh Anand, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Westminster ở London cho biết:

“Các nước trong khu vực bất bình với Trung Quốc, bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và Australia sẽ không thể giữ im lặng được nữa, mà sẽ phải tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ và sự hợp tác với nhau”. [2]

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN hôm thứ 13/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thảo luận về an ninh khu vực và cam kết tăng cường quan hệ thương mại và an ninh song phương với Ấn Độ.

Theo hãng tin The Hindu, ông Modi nói với ông Trump rằng, quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn.

“Ngài cũng có thể cảm thấy mối quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể đem lại tương lai cho châu Á và vì lợi ích của nhân loại trên thế giới”, ông Modi nói.

Tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Trump đã nói về một mối quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á.

Đồng thời, ông kêu gọi các nước ASEAN đừng trở thành “vệ tinh” cho bất cứ ai – một chỉ dấu cho sự cảnh giác đối với Trung Quốc trong khu vực.

“Chúng tôi muốn các đối tác của chúng tôi trong khu vực [Đông Nam Á] mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng, tự kiểm soát được số phận của mình và không làm ‘vệ tinh’ cho ai cả”, ông Trump nói. [1]

Trong khi đó, ông Alexander Vuving, chuyên gia của Trung Quốc tại Viện Daniel K. cho rằng:

Xu hướng của các nước trong khu vực hiện nay là thực hiện “cách tiếp cận nhị nguyên”, nghĩa là, đi với Trung Quốc để phát triển kinh tế và đi với Mỹ để đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, ông Vuving cũng cảnh báo rằng, “cách tiếp cận nhị nguyên” mà nhiều nước trong khu vực đang theo đuổi có thể mang lại nhiều vấn đề hơn là lợi ích cho họ trong tương lai.

Nhận định của chuyên gia Vuving cũng phù hợp với những lo ngại mà Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ trong chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây:

“Sẽ rất khó khăn trong việc tạo ra một sự cân bằng trong quan hệ giữa hai cường quốc, đặc biệt là trong những căng thẳng.

Không dễ dàng để trở thành một quốc gia nhỏ cạnh một láng giềng lớn. 

Nếu có căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi sẽ được yêu cầu chỉ chọn một bên”, ông Lý nói. [2]

Hiện chưa rõ mục đích của ý tưởng về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” của Hoa Kỳ có thực sự để tạo ra một liên minh nhằm kiềm chế ảnh hưởng cả về chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc hay không, bởi ý tưởng này xem ra vẫn còn khá mơ hồ.

Tuy nhiên, ý tưởng này đang tạo ra những phản ứng khác nhau giữa các bên và trong giới học giả, đồng thời đặt các nước trong khu vực vào tình thế khó xử giữa hai siêu cường thế giới.

Do đó, để tránh những hiểu nhầm và cạnh tranh tiêu cực có thể xảy ra, về phía Hoa Kỳ cần phải làm rõ chính sách về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương” phản ánh trên những lĩnh vực trọng yếu gì?

Phạm vi liên minh đến đâu, cần bao nhiêu đầu tư cho chính sách này, và tương lai phát triển của Ấn Độ như thế nào?

Về phía Trung Quốc cần phải thực hiện chính sách tạo lòng tin, bằng cả lời nói và hành động đối với các nước trong khu vực, nhất là với các nước láng giềng, nhằm khiến họ không phải lo lắng để đi tìm sự thay đổi trong chính sách của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới