Wednesday, November 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao Ấn Độ trở thành mắt xích "đinh" trong chiến lược...

Vì sao Ấn Độ trở thành mắt xích “đinh” trong chiến lược đối trọng TQ của TT Trump?

Trong cuộc họp hôm 12/11 tại Philippines, 4 nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã khẳng định, khu vực Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở là lợi ích chung của các bên.

Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp hồi tháng 6. Ảnh CNN

Ngày 3/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du năm nước châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Theo nghiên cứu viên Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) Lâm Dân Vượng, ông Trump đã thể hiện rõ chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong chuyến đi này.

Trước đó, từ đầu tháng 5, Lầu Năm Góc cho biết, chính phủ Mỹ sẽ đầu tư 7.5 tỷ USD cho Kế hoạch bình ổn châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 5 năm. Điều này cho thấy, chính sách Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương hay xoay trục châu Á – Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Barack Obama sẽ bị xóa sổ.

Học giả Trung Quốc cho rằng, bất luận như thế nào thì tính chất chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình cơ bản vẫn phản ánh tính liên tục ở trình độ nhất định, tái cân bằng chiến lược và mở rộng tầm nhìn địa chính trị.

Châu Á – Thái Bình Dương dường như không đủ lớn để phù hợp với chiến lược đồ sộ của Washington và trong sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương mới thì Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng, Lâm Dân Vượng nói.

Vị thế của Ấn Độ và cơ chế mới

Học giả Trung Quốc cho hay, việc nâng cao vị thế của New Delhi trong chiến lược ngoại giao của Mỹ đã được thể hiện trong chiến lược Nam Á mới của Tổng thống Trump khi ông phát biểu về tình hình Afghanistan và Nam Á hồi tháng 8.

Tổng thống Trump cho biết, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức không lâu, ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis tiến hành đánh giá toàn diện về tình hình và triển vọng chiến lược của Mỹ với Afghanistan và Nam Á, từ đó đề xuất chiến lược mới.

Lâm Dân Vượng nhận định, theo chiến lược Nam Á mới, quân đội Mỹ sẽ không dễ dàng rút khỏi và không xác định rõ ràng thời điểm rút khỏi Afghanistan, trái lại Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào an ninh quân sự ở Afghanistan.

Đồng thời, trong mối quan hệ với Ấn Độ và Pakistan, Mỹ sẽ tập trung phát triển quan hệ đối tác chiến lược với New Delhi, giúp chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đóng một vai trò tích cực hơn ở Afghanistan. Trong khi đó, Nhà Trắng yêu cầu Pakistan cần tiêu diệt những phần tử khủng bố ở nước này nếu không Washington sẽ cắt đứt mọi viện trợ cho Islamabad.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ chứng tỏ, trong chiến lược Nam Á mới của Mỹ, vai trò của Ấn Độ được đánh giá cao trong khi vai trò của Pakistan trở nên mờ nhạt.

Ngày 18/10, trước chuyến công du Ả rập Saudi, Qatar, Pakistan, Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – Mỹ) về quan hệ Washington-New Delhi.

Theo đó, ông này cho biết, Mỹ-Ấn cần nỗ lực ở ba lĩnh vực: Thứ nhất, phát huy ưu thế cạnh tranh kinh tế, xúc tiến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt về sự tương tác và tăng trưởng kinh tế ở khu vực Nam Á.

Thứ hai, Mỹ-Ấn cần bắt tay tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt cần tăng cường xây dựng sức mạnh an ninh quốc gia ở khu vực này. Thứ ba, xây dựng cấu trúc đồng minh trong chiến lược tái cân bằng Ấn Độ – Thái Bình Dương, hợp nhất các quốc gia đồng quan điểm như Ấn Độ, Australia.

Phát biểu của ông Tillerson cho thấy, việc Washington xây dựng chiến lược tái cân bằng Ấn Độ – Thái Bình Dương xuất phát từ nguyên nhân cho rằng Bắc Kinh đang phá hoại trật tự khu vực châu Á, đem lại sự bất ổn định cho trật tự của châu Á trong tương lai, Lâm Dân Vượng bình luận.

Học giả Trung Quốc cho biết, trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ rất đề cao vai trò của Ấn Độ khi dự đoán, nước này sẽ vượt qua Trung Quốc, đứng đầu thế giới trong tương lai.

Lâm Dân Vượng nhận định, trong chuyến công du Ấn Độ hồi tháng 10, hai ôngTillerson và Modi đã đạt được đồng thuận trên nhiều phương diện như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều này vô hình trung khẳng định sức mạnh của Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Trước nay, New Delhi luôn phản đối sáng kiến này của Bắc Kinh và Islamabad.

“Chiến lược đối trọng với Trung Quốc hình thành nền tảng cho sự phát triển đối tác chiến lược Mỹ-Ấn, cũng là điểm khởi đầu chiến lược của chính sách châu Á của Tổng thống Trump”, Lâm cũng cho rằng, tăng cường hợp tác chiến lược và chính sách quốc phòng sẽ khiến New Delhi thân thiết hơn với Washington.

Ông này còn nhận định, do Chính sách hướng Đông của Ấn Độ có sự kết nối sâu với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng thống Trump nên đã hình thành nên trục an ninh châu Á gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và do Mỹ dẫn đầu.

“Ngoài việc cần xây dựng cơ chế đối thoại 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ-Ấn, hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy hình thành cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn, Australia”, Lâm Dân Vượng bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới