Dự án đường ống nước sạch lớn nhất TP.HCM với tổng mức đầu tư 154 triệu USD đã liên danh với nhà thầu Pháp thay vì Trung Quốc.
Ngày 15/11, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tổ chức lễ khởi công dự án Thiết kế, cung cấp và lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch D2400mm từ ngã tư Bình Thái đến giao lộ Điện Biên Phủ – Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đây là hạng mục lớn nhất thuộc Dự án giảm thất thoát nước, tăng cường, mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giai đoạn 2011 – 2015, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Dự án có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.465 tỉ đồng), trong đó vốn vay ODA là 138 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách là 13 triệu USD, vốn đối ứng từ Sawaco là 3 triệu USD.
Hợp đồng dự án giữa SAWACO và Liên danh nhà thầu VCGP-BESSAC CW1 (Pháp) được ký kết ngày 24/8/2017, tổng thời gian thực hiện dự án là 3,5 năm.
Đây là tuyến ống cấp nước có đường kính lớn nhất TP.HCM đến thời điểm này. Khi tuyến ống D2.400mm đưa vào vận hành, tuyến ống 2.000mm hiện hữu sẽ được tạm ngưng để kiểm tra và sửa chữa.
Còn nhớ trước đó, hồi tháng 5, ông Trương Văn Hải, một người tự nhận là nguyên cán bộ SAWACO đã gửi đơn lên Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM để phản ánh việc SAWACO sử dụng ống gang dẻo do các công ty Trung Quốc sản xuất như Xinxing, Sun.
Theo nội dung phản ánh của ông Hải được tờ Pháp luật TP.HCM thuật lại thì người này cho rằng ống gang dẻo của Trung Quốc được đúc từ những phế phẩm, sản phẩm bom mìn… Giá được chào bán ở Việt Nam rẻ hơn nhiều sản phẩm cùng loại.
“Gần 10 triệu dân TP.HCM sẽ tiếp tục sử dụng nước nhưng không biết rõ hằng ngày có bị đầu độc hay không”, ông Hải viết trong đơn.
Ngay sau đó, đại diện SAWACO đã khẳng định, từ năm 2000 đến nay ống gang của Trung Quốc được lắp đặt là 249.000m, chiếm 53%. Trong đó, đơn vị sản xuất ống là Xinxing, Sun. Ngoài ra, đơn vị này còn sử dụng ống của một số nước như Ấn Độ, Pháp, Malaysia.
Cũng theo phía SAWACO, giá thành ống nước của nhà thầu Trung Quốc rẻ hơn từ 10-30% so với sản phẩm cùng loại của một số nước tiên tiến.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều lo ngại, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Lý Trọng (kỹ sư cao cấp Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM) bày tỏ, sở dĩ người ta lo ngại về ống nước Trung Quốc là vì nhiều trường hợp sử dụng ống nước của nước này sau một thời gian chất lượng kém nên có sự cố.
“Theo tôi, cần có một đơn vị độc lập, có chức năng kiểm tra, kiểm định lại chất lượng đường ống này là cần thiết. Nếu đường ống đảm bảo chất lượng thì tạo sự an tâm, còn nếu không đạt thì sớm loại ra khỏi hệ thống cấp nước”, kỹ tư Trọng nói.
Và những lo lắng trên của các chuyên gia hoàn toàn dễ hiểu khi trước đó, Hà Nội đã từng không ít lần khốn khổ vì chất lượng đường ống dẫn nước của Trung Quốc. Cụ thể, đường ống nước cốt sợi thủy tinh sông Đà (Hà Nội) cũng do công nghệ Trung Quốc sản xuất đã có 21 lần vỡ.
Thế nhưng, dù cho như vậy, đến tháng 10/2015, Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khởi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông giai đoạn 2.
Trong đó vật liệu được lựa chọn để xây dựng phân kỳ hạng mục “tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án dài 21km là ống gang dẻo và ống thép”. Và do công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cung cấp hệ thống ống gang dẻo cấp nước.
Tuy nhiên, trước sự phản đối của các chuyên gia, đến tháng 8/2016, Viwasupco đã hủy hợp đồng cung cấp ống gang dẻo với Công ty TNHH Gang dẻo Xinxing.