Trong diễn văn đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Tổng bí thư Tập Cận Bình dõng dạc tuyên bố: Trung Quốc không xưng bá, quyết không bành trướng. Đây là lời nói sau một nhiệm kỳ “làm” chủ tịch của ông Tập.
Ông Tập Cận Bình duyệt binh tại căn cứ Chu Nhật Hòa kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc, tháng 7/2017 (Ảnh: AP)
Suốt trong nhiệm kỳ đầu tiên, khác với Hồ Cẩm Đào chủ trương giữ êm dịu với các nước láng giềng, ông Tập tỏ sự hung hãn ngay từ đầu cho đến hết nhiệm kỳ. Đầu tiên ông tuyên bố đảo Điếu Ngư đang thuộc chủ quyền của Nhật Bản là của Trung Quốc. Ông cho tàu áp sát, gây sự, cấm dân Nhật đánh cá ở khu vực này. Ông cho tàu bao vây hoàn đảo do Philippines chiếm giữ, đến nỗi lính Philippines không có đường tiếp tế cho bộ phận giữ đảo. Khi bị Philippines kiện, ông phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế.
Hung hãn, liều lĩnh, bất chấp công ước Quốc tế về Luật biển, Tập Cận Bình xua quần ào ạt bồi đắp các đảo chìm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phớt lờ cảnh báo, phản đối của các nước, Trung Quốc xây dựng các đường băng, các công trình quân sự, đưa vũ khí ra các đảo chiếm đóng và bồi đắp. Thậm chí họ ngang nhiên tìm cách tuyên bố về vùng định dạng bay và đe dọa khống chế tuyến đường biển Quốc tế huyết mạch trên Biển Đông, buộc Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ phải lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ. Lần đầu tiên Mỹ phải điều nhiều tàu sân bay, tàu chiến đến khu vực này để đảm bảo an ninh hàng hải.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên Tập Cận Bình đã hoàn thành việc bành trướng trên Biển Đông, trên biển Hoa Nam. Đồng thời bành trướng, gây sự mạnh mẽ ở biên giới Ấn Độ. Với thế mạnh mới về kinh tế, quân sự họ tuyên bố là quốc gia hàng đầu có trách nhiệm can thiệp vào trật tự Thế giới, một kiểu xưng bá mới. Trung Quốc công khai vươn lên là cường quốc số một thay Mỹ.
Thật lố bịch sau khi ào ạt bành trường, sau khi tuyên bố xưng bá với toàn Thế giới lại tuyên bố quyết không xưng bá, quyết không bành trướng, bá quyền.
Đến Hội nghị cấp cao APEC, Tập Cận Bình trong phát biểu hô hào về một Thế giới hội nhập, toàn cầu hóa. Trong khi đó Trung Quốc lại ép các nước ASEAN trong quan hệ, giải quyết bất đồng chỉ được quan hệ, giải quyết song phương, nghĩa là chỉ Trung Quốc với từng nước. Thực chất là tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa, ông Tập muốn Thế giới ủng hộ chiến lược một vành đai, một con đường để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, để hàng hóa Trung Quốc dễ bề xâm nhập toàn cầu.
Trước nguy cơ bành trướng, bá quyền của Trung Quốc, các nước đều tỏ ra lo ngại. Bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 tại Manila, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turbull và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp nhau. Đây là liên minh chiến lược bốn bên được xây dựng theo đề xuất của Nhật Bản cách đây 10 năm, đã thống nhất thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Ngay lập tức ngày 13-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nêu rõ các quan hệ hợp tác trong khu vực không nên mang yếu tố chính trị.
Rõ ràng, dù Trung Quốc có tuyên bố thế nào đi chăng nữa thì những việc làm thể hiện sự bành trướng và tham vọng bá quyền của họ cũng bị phơi bày mà các nước cần phải cảnh giác. Tại cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo châu Á, ông Trump kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa và cảnh giác trước sự bành trướng của Trung Quốc.