Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới2 thỏa thuận tỉ đô liên tiếp đổ vỡ, sáng kiến thế...

2 thỏa thuận tỉ đô liên tiếp đổ vỡ, sáng kiến thế kỷ của TQ lộ vấn đề nghiêm trọng

Sự minh bạch về tính đầy đủ, mức độ phù hợp và chất lượng của trang thiết bị Trung Quốc được sử dụng trong các dự án có thể sắp trở thành vấn đề nghiêm trọng với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan, tháng 6/2017, thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (Ảnh: Xinhua)

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, một vài “vết nứt” đã xuất hiện gần đây trong kế hoạch “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc, nhằm khuếch trương ảnh hưởng thông qua một lộ trình phức tạp dựa trên nền tảng nâng tầm ảnh hưởng bằng các hệ thống cơ sở hạ tầng.

Hồi tuần trước, chính phủ Nepal quyết định đình chỉ thỏa thuận trị giá 2.5 tỉ USD với tập đoàn quốc doanh Trung Quốc China Gezhouba Group trong dự án xây đập thủy điện Budhigandaki. Thỏa thuận bị xé bởi nội các mới nhậm chức vào tháng 7 vừa qua của thủ tướng Sher Bahadur Deuba chỉ trích nó được ký kết không thông qua đấu thầu mở – vốn được quy định trong luật pháp nước này.

Thỏa thuận trên ban đầu được ký chỉ vài tuần sau khi Nepal tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Chỉ ít ngày sau Nepal, đến lượt Pakistan – đối tác thân cận nhất của Bắc Kinh trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” – tuyên bố rút khỏi thỏa thuận xây đập Diamer Bhasha trị giá 14 tỉ USD ký với Trung Quốc, nguyên nhân là Trung Quốc không chịu chấp nhận các điều kiện ràng buộc chặt chẽ trong thỏa thuận.

Dự án vẫn được tiến hành, nhưng chính phủ Pakistan quyết định tự mình rót vốn xây con đập thủy điện này – dự kiến cung cấp tới 4.500 megawatt điện.

Lý do các thỏa thuận tỉ đô liên tiếp đổ vỡ cũng lý giải nguyên nhân các hạng mục của “Vành đai và Con đường” sẽ đối mặt với các rào cản nghiêm trọng về tài chính. SCMP cho rằng, sáng kiến thế kỷ, do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013, dường như đang vướng mắc trong giai đoạn khái niệm về tài chính của nó.

Cả hai thỏa thuận với Nepal và Pakistan bị hủy bỏ bởi hai nước này không nhận thấy các điều khoản ký kết là công bằng. Điều này cũng làm dấy lên nghi vấn về tính khả thi thương mại cùng uy tín tài chính của Bắc Kinh trong một vài dự án khác.

Trung Quốc khó làm dự án nếu không được bảo đảm

Peter Guy, cựu quan chức Ngân hàng thế giới (WB), từng phụ trách cố vấn tài chính cho cơ sở hạ tầng, nêu vấn đề tiềm ẩn đằng sau vụ Trung Quốc mất hai thỏa thuận tỉ đô. Vụ việc làm nổi bật những rắc rối mà các nước có thể phải đối mặt khi xử lý với khái niệm phía Trung Quốc áp dụng trong đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đầu tiên, ông Guy cho hay, các khoản tiền của Trung Quốc không thể được phân tích như những khoản đầu tư tài chính theo ý nghĩa thông thường. Đó không phải là những khoản quyên tặng hay tín dụng như Kế hoạch Marshall của Mỹ để tái thiết châu Âu hậu Thế chiến II, cũng không phải là các khoản vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) – tiền thân của WB – cấp cho các nước châu Âu bị chiến tranh tàn phá.

Trong các dự án năng lượng quy mô lớn, thỏa thuận các bên ký với Bắc Kinh còn bao gồm việc dùng tiền do Trung Quốc đầu tư để mua trang thiết bị của Trung Quốc, cũng như nhà thầu Trung Quốc thi công công trình. Các ngân hàng phát triển cho rằng trong khi nhiều nước sẽ thực thi thỏa thuận mà không cần bảo đảm của chính phủ (hay bảo đảm tối cao – sovereign guarantee), thì Trung Quốc nhận ra họ không thể.

Các trường hợp thực tiễn quốc tế tốt nhất chỉ ra rằng những dự án cơ sở năng lượng cần được đấu thầu công khai – ông Peter Guy viết trên SCMP.

Sự minh bạch hoàn toàn – thông qua đấu thầu công khai – về mức độ đầy đủ, phù hợp và chất lượng của các trang thiết bị do Trung Quốc cung cấp đến các dự án có thể sớm trở thành một vấn đề lớn với Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, việc các nước thu nhận hàng chục nghìn công nhân Trung Quốc sang lắp đặt cơ sở thiết bị của Trung Quốc, khiến nhân công bản địa mất việc làm, có thể dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn về chính trị, xã hội ở nước sở tại.

Trung Quốc hầu như luôn yêu cầu các nước đối tác bảo đảm tối cao để ủng hộ Thỏa thuận mua bán năng lượng (PPA), trong khi Nepal từ chối các ràng buộc và khuôn khổ khắc nghiệt. 

Ông Guy nhận xét, nếu chính phủ Trung Quốc không xem xét lại chiến lược tài chính phát triển của mình, nhu cầu bảo đảm tối cao từ đối tác sẽ luôn tồn tại khi Bắc Kinh khi mở rộng các dự án của “Vành đai và Con đường”. Nhưng yêu cầu về bảo đảm tối cao trong một quy trình đấu thầu thiếu minh bạch cũng kéo theo những nghi vấn về tiêu cực.

“Vành đai và Con đường” nhìn từ bề ngoài vẫn là một sáng kiến phát triển hạ tầng tốt, cho đến khi các bên bắt đầu trải nghiệm những ràng buộc về tài chính để có được hệ thống cơ sở hạ tầng đó – ông Peter Guy bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới