Friday, January 3, 2025
Trang chủĐiểm tinEU thắt chặt rào cản hàng giá rẻ từ TQ

EU thắt chặt rào cản hàng giá rẻ từ TQ

Với tỷ lệ áp đảo 554 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Nghị viện châu Âu đã thông qua một luật mới cho phép Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Một trong những cuộc biểu tình ở Bỉ của đại diện từ nhiều ngành công nghiệp châu Âu để phản đối hành vi bán phá giá sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc

Trước cuộc bỏ phiếu, Ủy viên Thương mại châu Âu Cecilia Malmstroem cho biết điều luật này “sẽ đảm bảo ngành công nghiệp của EU được trang bị tốt để ứng phó với hành vi cạnh tranh không công bằng”. Điều luật trên sửa đổi những quy định về hành vi bán phá giá và trợ giá của các nước thứ ba, cho phép các cơ quan điều tra xem xét những tiêu chuẩn lao động và môi trường khi áp thuế nhập khẩu. Dự kiến, luật mới của EU sẽ chính thức có hiệu lực trước cuối năm nay.

Ngay lập tức, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đã chỉ trích các biện pháp mới của EU không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). MOC cho rằng các biện pháp trên “gây tổn hại nghiêm trọng” hệ thống luật chống bán phá giá của WTO, đồng thời kêu gọi EU tôn trọng các luật lệ thương mại quốc tế.

Trong các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001 có nội dung quy định rằng các nước thành viên có thể không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trong 15 năm. Theo đó, EU và các thành viên lớn thuộc WTO có quyền đơn phương thiết lập nhanh các quy định chống bán phá giá khắt khe mà không vi phạm quy định của WTO. Thời hạn 15 năm nói trên đã kết thúc vào cuối năm 2016

EU và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này, sau Mỹ. Hai bên đã ký nhiều hiệp định liên quan đến các lĩnh vực: kinh tế và thương mại, bảo vệ môi trường, chính sách công nghiệp, giáo dục và văn hóa… Tuy nhiên, mối quan hệ Trung Quốc – EU hiện vẫn tập trung chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực này, EU đóng vai trò quan trọng đối với một nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.

Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), mặc dù kim ngạch trao đổi thương mại lớn (được dự báo có thể lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2020) nhưng lại xuất hiện tình trạng Trung Quốc luôn xuất siêu và EU luôn nhập siêu. Chính sự mất cân bằng thương mại trên là một trong những nguyên nhân khiến EU tiến hành một số biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc và không ngừng cáo buộc Bắc Kinh duy trì các rào cản không công bằng đối với hàng hóa và dịch vụ của châu Âu.

Ngược lại, Trung Quốc lại cho rằng, nước này đang trở thành nạn nhân của một trong những hình thức của “chủ nghĩa bảo hộ thương mại”. Trong khi EU tiến hành một số vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm của Trung Quốc thì các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đệ đơn kiện lên Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời tiến hành nhiều biện pháp trả đũa EU.

Theo thống kê, những vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào Trung Quốc đã tăng vọt kể từ khi nước này gia nhập WTO (hơn 690 cuộc) và hiện chiếm tới 1/3 tổng số vụ kiện chống bán phá giá trên toàn cầu. Một số nhà phân tích coi những vụ kiện này là hàng rào bảo vệ cuối cùng được dựng lên ở các nước phát triển trước hàng hóa của Trung Quốc.

Có thể thấy rõ, khi Trung Quốc gia nhập WTO, thế giới đã phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là buộc phải thích nghi với một nền kinh tế có quy mô lớn như Trung Quốc. Trong số các thành viên WTO thì EU là những nước đi đầu trong việc áp đặt thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Bắc Kinh, tiêu biểu là giày da và hàng dệt may vào thị trường khối này.

Hy vọng được công nhận là một “nền kinh tế thị trường” của Trung Quốc đến nay dường như vẫn rất mong manh. Điều luật mới của EU tiếp tục khiến cánh cửa vào thị trường châu Âu vẫn chưa mở rộng cho hàng hóa dán nhãn “Made in China”.

RELATED ARTICLES

Tin mới