Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa vừa qua được báo chí hai bên ca ngợi hết lời. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì mối quan hệ giữa hai nước thật là “thắm tình hữu nghị”. Nhưng phía trong cái bề ngoài ấy là gì?
Sáng 13/11 tại Hà Nội, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lịch sử thành văn hàng nghìn năm qua chưa phai nét mực, rằng Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam. Người dân nước Việt coi ông láng giềng phương Bắc là kẻ “vừa to xác, vừa xấu bụng”, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Bởi, không chỉ có những nhà cầm quyền ở Trung Nam Hải mới mang cuồng vọng bá chủ thiên hạ, mà ngay các đoàn du khách Tàu rồng rắn đến Việt Nam hình như đã coi dải đất hình chữ S này như là phần lãnh thổ mở rộng của Trung Hoa Đại Hán.
Bên trong thì thế, bên ngoài (về mặt ngoại giao) mọi chuyện lại khác xa.
Trong các bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc mỗi khi lãnh đạo cấp cao bên này sang thăm bên kia luôn có những lời lẽ hùng hồn về tình hữu nghị, với những phát ngôn sáo mòn “đồng chí tốt”, “láng giềng tốt”. Bên cạnh việc vạch ra phương hướng cho mối bang giao, các bản tuyên bố chung Việt – Trung còn nêu lên những nội dung hợp tác cụ thể, nhằm hiện thực hoá phương hướng quan hệ đó.
Thật ra các thông điệp ngoại giao của cả hai bên đều nhằm “che mắt thế gian”. Các thông điệp đó là vô giá trị, bởi không những hai bên “đi guốc trong bụng” nhau, mà điều đáng sợ nhất là nội các của mỗi bên đều coi phía bên kia là kẻ thù của dân tộc mình, một thời gian khá dài Trung Quốc từng bị coi là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”.
Không còn lạ gì thái độ của Bắc Kinh. Họ chưa bao giờ coi trọng những gì đã ký kết với Hà Nội. Cho dù trong nội bộ họ có thể đấu đá tranh giành quyền lực một cách quyết liệt, thậm chí một mất một còn, song một khi vấn đề Việt Nam được nêu ra thì giữa họ hầu như là sự thống nhất tuyệt đối.
Về phía Hà Nội thì khác. Trong khi hầu hết người dân nước Việt đều nhìn về phương Bắc với ánh mắt lo lắng, ngờ vực, cảnh giác cao độ thì giới chóp bu lại luôn có những người hoặc đã bị Trung Nam Hải kiểm soát, thao túng, hoặc đã bị đồng Yuan làm cho mờ mắt. Vì thế, Hà Nội luôn bị chia rẽ trong các chủ trương, chính sách đối phó với Trung Quốc, dẫu biết rằng họ luôn chờ cơ hội để nuốt chửng không chỉ toàn bộ Biển Đông mà còn “thu hồi” cả Việt Nam.
Sau chuyến thăm của ông Tập khi khói đạn từ 21 phát đại bác chưa tan thì các nhà phân tích quốc tế đã loan tin: các bản tuyên bố chung Việt – Trung không chỉ vô hại như một mớ giấy lộn, mà còn tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường, vì nó đánh lạc hướng tâm bão.
Thời ông Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư đã từng nói một câu chả rõ thực hư thế nào: “Dù bành trướng thế nào Trung Quốc cũng là một nước xã hội chủ nghĩa”. Và rồi các đời Tổng Bí thư của Đảng CSVN đều hoặc tự nguyện làm con rối trong tay Bắc Kinh hoặc bị Trung Nam Hải khống chế, thao túng rồi từng bước bị lệ thuộc theo cách này hay cách khác.
Ở Việt Nam, mặc dù Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo cao nhất, nhưng quyền hành pháp lại gần như nằm trọn trong tay Thủ tướng Chính phủ. Bởi thế trong mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng Bí thư là người có tiếng nói quyết định về đường lối, phương hướng, song việc triển khai đường lối, phương hướng đó thì lại không quyết định được. Theo đó việc hiện thực hoá những thoả thuận hợp tác cụ thể trong các bản Tuyên bố chung chịu ảnh hưởng rất lớn, thậm chí trong nhiều trường hợp là quyết định, bởi lập trường, thái độ của người đứng đầu bộ máy hành pháp.
Nói như thế thì căn cứ vào các bản tuyên bố chung Việt – Trung xưa nay Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể chối cãi của Trung Quốc”. Tuy nhiên trên thực tế, điều đó đã không xẩy ra. Vì sao vậy? Lý do chủ yếu là: một số người trong ban lãnh đạo Việt Nam đã cứng rắn, không bị Bắc Kinh dắt mũi, trong số đó có các vị đứng đầu cơ quan hành pháp.
Xin dẫn chứng, mặc dù trong bản Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 3/12/2001 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu rõ là hai bên “nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bauxite nhôm Đắc Nông”, nhưng cũng phải đến khi Nguyễn Tấn Dũng thay Phan Văn Khải làm Thủ tướng thì Chính phủ mới quả quyết rằng việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”.
Gần đây sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang – một người được cho là chống Trung Quốc- sức khỏe yếu và bị thất thế vì nhiều lý do, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rộng đường hơn trong cuộc chạy đua đến ngôi vị số Một. Song đồng thời ông cũng chông chênh hơn trong cuộc chiến chống lại “nhóm lợi ích Tàu” trong bộ máy lãnh đạo.
Người dân Việt Nam ở trong nước và hải ngoại hy vọng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện nay sẽ không “sập bẫy” vì tham vọng quyền lực, hay bất kể lí do nào khác. Bởi nếu không có bản lĩnh, không đủ tỉnh táo,sáng suốt thì chưa kịp hiện thực hoá giấc mơ trở thành “số Một” đã biến thành con rối trong tay các ông chủ Trung Nam Hải.
Khi ấy Biển Đông sẽ mất. Trường Sa, Hoàng Sa sẽ chỉ còn là niềm hối tiếc. Đất nước sẽ đứng trước những hiểm hoạ khôn lường!