Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cơ chế, chính sách của các dự án BOT còn nhiều bất cập, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm xảy ra.
Chiều 18/11, mở đầu phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) chất vấn Thủ tướng về vấn đề BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao – PV) gây bức xúc trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chất vấn: “Vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau trong đánh giá về BOT. Xin Thủ tướng có thể cho biết đánh giá về BOT thời gian qua và giải pháp thời gian tới”.
Về câu hỏi liên quan đến BOT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội hoá nguồn lực.
“Việt Nam đã có bước phát triển hạ tầng vượt bậc khi trong lĩnh vực giao thông huy động xã hội hoá BOT được 200.000 tỉ đồng”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận qua giám sát tối cao của Quốc hội cũng như giám sát của Kiểm toán Nhà nước, đã chỉ ra nhiều bất cập của BOT.
Cơ chế, chính sách của các dự án BOT còn nhiều bất cập, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm xảy ra.
Cụ thể, triển khai BOT giao thông còn nhiều bất cập khi kế hoạch hệ thống BOT chưa làm tốt, triển khai ồ ạt. Có những tuyến đường gây bức xúc về số trạm, giá, phí BOT.
Thủ tướng cho rằng: “Tức là, cơ chế, thể chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập. Chúng ta thiếu giám sát, thiếu kiểm tra. .
Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn cần tận dụng nguồn lực xã hội, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để hệ thống pháp luật về BOT tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở giám sát tốt hơn…
Cùng đó, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu, giá phí, đấu thầu công khai rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó góp phần giảm chi phí, không chỉ định thầu bởi làm giảm hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đang rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
“Với tinh thần phải xã hội hoá mạnh mẽ nguồn lực trong thời gian tới, BOT là cách thức huy động vốn rất quan trọng trong hai lĩnh vực điện và giao thông.
Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để các quy định tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở khoa học, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, giá phí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Công trình BOT giao thông phải đấu thầu công khai rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, không phải chỉ định”.
Trả lời về câu hỏi tiếp theo của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang, Thủ tướng cho biết đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Bộ trưởng Giao thông vận tải để thống nhất làm tuyến đường này bằng BOT trên tinh thần khắc phục những bất cập của BOT vừa qua.
Chính phủ đã giao Bộ trưởng Giao thông vận tải phối hợp 2 tỉnh chọn nhà đầu tư có năng lực nhất để sớm triển khai để có tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.
Thông báo nêu rõ, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội là nền tảng của mỗi quốc gia, trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Trong giai đoạn qua, Chính phủ đã tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn ODA… cho đầu tư phát triển hạ tầng, tạo lập nhiều cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, qua đó đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa vào phát triển hạ tầng giao thông, đô thị qua các hình thức đầu tư BOT, BT, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết.
Hệ thống hạ tầng giao thông và đô thị đã có nhiều thay đổi tích cực, chất lượng công trình ngày càng được nâng cao, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức đầu tư BOT và BT cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục để đảm bảo các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này.