Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao chuyên gia Mỹ nói TQ không đủ tiêu chuẩn lãnh...

Vì sao chuyên gia Mỹ nói TQ không đủ tiêu chuẩn lãnh đạo châu Á dù Mỹ rút lui?

Chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, không phải Trung Quốc dẫn đầu châu Á mà sẽ có sự lãnh đạo đa dạng ở khu vực này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các phu nhân tham quan Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Trong chuyến công du châu Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhấn mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết” khiến phần lớn giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ có cơ hội thay thế Mỹ, trở thành cường quốc lãnh đạo ở châu Á.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ-Trung nhận định, Trung Quốc không dễ dàng lấp đầy khoảng trống quyền lực của Mỹ ở châu Á bởi khu vực này còn có những lựa chọn khác.

Cơ hội lãnh đạo châu Á

Tại hội nghị thường niên do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức mới đây, mở đầu buổi thảo luận, có tới 70% học giả tham gia dự đoán, Trung Quốc nhất định sẽ tận dụng sự thiếu xác định của chính phủ Tổng thống Trump để thiết lập vị trí lãnh đạo của mình ở châu Á nhưng khi kết thúc, chỉ có 33% người tin rằng, Trung Quốc chắc chắn có thể dẫn đầu châu Á.

Ông Trần Định Định, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Ký Nam Quảng Châu lập luận rằng, Trung Quốc có thể trở thành cường quốc lãnh đạo ở châu Á nhưng sự lãnh đạo ở châu Á không dừng lại ở một quốc gia.

Học giả Trung Quốc cho rằng, chính sách của chính phủ Trump trên toàn cầu, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí ngay trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ và các quốc gia khác đều thiếu sự chắc chắn và điều này sẽ làm suy yếu hình ảnh và vị thế của Mỹ trên toàn thế giới, từ đó đem lại cho Trung Quốc những cơ hội nhất định.

“Nếu việc Mỹ từ bỏ châu Á được duy trì, điều này sẽ tạo khoảng trống cho các quốc gia khác ở châu Á phát triển nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất. Các quốc gia khác nhưng Nhật Bản, Ấn Độ… đều có các biện pháp thiết lập địa vị của họ ở châu Á và các khu vực khác”, ông Trần bình luận.

Theo ông này, việc Trung Quốc có thể tạo dựng một vị trí đứng đầu ở châu Á hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các vấn đề đối nội, sự phát triển của các quốc gia châu Á khác cũng như quỹ đạo trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á.

Ông Trần Định Định dự đoán, châu Á có khả năng xuất hiện sự lãnh đạo đa dạng. Ví dụ, Nhật Bản sẽ đóng vai trò trụ cột của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) mà hồi đầu tháng 11, tại Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam, sáng kiến này đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chuyên gia về vấn đề Nhật Bản của tờ Wall Street Journal (Nhật báo phố Wall) Andrew Browne cho rằng, TPP có thể tồn tại là thách thức đối với một khái niệm đơn giản hóa, tức trật tự châu Á do Mỹ dẫn đầu sẽ nhường chỗ cho trật tự châu Á do Trung Quốc lãnh đạo.

Ông Trần Định Định nói rằng, bất cứ một quốc gia châu Á nào có sức mạnh và ý đồ xác lập địa vị lãnh đạo ở châu Á và các khu vực khác đều có thể làm được điều này.

“Các quốc gia có thể lãnh đạo châu Á rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở một quốc gia như Mỹ hay Trung Quốc”, Trần cho rằng, quốc gia nào phát huy vai trò lãnh đạo không quan trọng bằng việc tạo ra lợi ích cho cộng đồng.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc chưa đủ tiêu chuẩn

Ông Evan Feigenbaum, Phó Chủ tịch Viện Paulson tại Đại học Chicago (Mỹ) cho biết, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, châu Á trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng Trung Quốc không thể trở thành trung tâm của châu Á dù nước này đóng vai trò quan trọng tại khu vực.

Ông Feigenbaum cũng nhấn mạnh, việc Mỹ rút khỏi TPP chứng tỏ nước này rút khỏi châu Á trên phương diện kinh tế thì Nhật Bản và Australia sẽ nổi lên, thay thế.

Học giả Mỹ cho rằng, Trung Quốc cần phải đáp ứng một số tiêu chí để trở thành quốc gia dẫn đầu ở châu Á nhưng theo quan điểm của ông, nước này không thể đạt được các tiêu chí như vậy.

Ông nói: “Thứ nhất, sức mạnh kinh tế của một quốc gia có thể khiến quốc gia này trở thành cường quốc chiến lược. Thứ hai, một quốc gia cần có khái niệm chiến lược lớn, tối đa hóa sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao, để thực hiện mục tiêu chiếc lược tham vọng của mình.

Thứ ba, một quốc gia phải có mô hình mà các nước khác đều muốn mô phỏng và vượt qua cũng như có thể được sao chép. Thứ tư, là quốc gia lãnh đạo nhất thiết phải có những nước khác ủng hộ, hướng tới. Thứ năm, cần có sức mạnh đẩy lùi các đối thủ. Thứ sáu, cần có năng lực giành vị thế lãnh đạo”.

Theo ông này, kinh tế Trung Quốc đang phát triển và mức độ hội nhập kinh tế với các nước khác ở châu Á cũng rất cao nhưng điều này không thể khắc phục được sự đối lập với vấn đề an ninh. Sự đối lập giữa kinh tế và an ninh xuất hiện trong quan hệ của Trung Quốc và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc không thể phát triển thành một sức mạnh chiến lược, ông Feigenbaum nhấn mạnh.

Về tiêu chuẩn thứ hai, ông này cho rằng, chiến lược Vành đai và con đường cũng như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc đều “có vấn đề”. Về tiêu chuẩn thứ ba, Feigenbaum nhận định, mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc không dễ nhân rộng ở các nước khác.

Học giả Mỹ cho hay, các nước xung quanh không phải đồng minh của Trung Quốc. Các nước này đều có lực lượng hải quân viễn dương hoặc là nước sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc không cần phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Về luận điểm cuối cùng, Feigenbaum cho rằng, “Trung Quốc không thể đẩy Mỹ ra khỏi châu Á” bởi trên thực tế, các quốc gia xung quanh Trung Quốc đều mong muốn Mỹ ở lại châu Á dưới hình thức nào đó nên Trung Quốc không thể cạnh tranh vị trí lãnh đạo cuối cùng”.

Ông này kết luận, châu Á sẽ là một châu Á “đa dạng” và trong bối cảnh này, thách thức lớn lớn nhất của Trung Quốc là một số nước như Nhật Bản, Australia sẽ không chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc, còn thách thức lớn nhất đối với Mỹ là “châu Á có thể trở thành châu Á do người châu Á lãnh đạo”.

RELATED ARTICLES

Tin mới