Các điều kiện “khắc nghiệt” là nguyên nhân chính khiến Pakistan, một đồng minh mới của Trung Quốc, hủy bỏ thỏa thuận trị giá 14 tỉ USD với Bắc Kinh.
Việc dự án đập Diamer-Bhasha và các cơ sở hạ tầng trị giá 14 tỉ USD liên quan bị hủy bỏ, nói như báo South China Morning Post (SCMP), là thất bại thứ hai trong vòng 3 ngày của Trung Quốc.
Ngày 14-11, Nepal tuyên bố hủy dự án thủy điện trị giá 2,5 tỉ USD với Trung Quốc vì “hợp đồng không đúng nguyên tắc”.
“Những điều kiện chặt chẽ và khắc nghiệt mà Trung Quốc đặt ra khi đổ tiền vào dự án là không khả thi và đi ngược lại lợi ích của Pakistan”, báo Express Tribune ngày 16-11 dẫn lời ông Muzammil Hussain, người đứng đầu cơ quan phát triển nguồn nước và năng lượng Pakistan.
Theo đó, phía Trung Quốc đòi kiểm soát dự án đập Diamer-Bhasha, bao luôn các chi phí bảo trì và vận hành, kèm theo một điều kiện: cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng tiếp một con đập khác ở Pakistan.
Những đòi hỏi quá nhiều của Trung Quốc đã đẩy Pakistan đi tới quyết định hủy hỏ hợp tác. Nhà máy thủy điện Diamer-Bhasha, công suất 4.500 MW, vẫn sẽ được xây dựng, nhưng bằng chính đồng tiền của Pakistan.
Dự án đập Diamer-Bhasha nằm trên tuyến hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), một phần trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy kể từ năm 2013. Bắc Kinh quảng cáo CPEC sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho Pakistan mà còn toàn bộ khu vực.
Mặc dù cả Pakistan lẫn Nepal đều mở cửa đón dòng tiền của Trung Quốc, rất nhiều bài học tại các nước láng giềng nhận đầu tư Trung Quốc đã hiển hiện trước mắt. Giới chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo về nguy cơ của các dự án Trung Quốc.
“Các dự án thủy điện đặc biệt phức tạp và nhạy cảm”, ông Sun Shihai – một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với báo SCMP.
Các yếu tố như tác động môi trường, tái định cư, sự phát triển giữa thượng lưu và hạ lưu, những ảnh hưởng tới hệ thống sông quốc tế cần phải được cân nhắc. Trên thực tế, dự án đập Diamer-Bhasha đã vấp phải sự phản đối của Ấn Độ bởi nó nằm chắn ngang sông Ấn và gần khu vực đang tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan.
Giới chuyên gia đã cảnh báo về dữ liệu thủy văn như một thứ vũ khí bí mật của Trung Quốc tại khu vực. Mặt khác, họ tiếp tục cảnh báo những hiểm họa từ cái bẫy nợ khi làm ăn với Trung Quốc.