Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tinBài toán chính trị của nước Đức

Bài toán chính trị của nước Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Đảng Dân chủ cơ đốc giáo CDU đang trải qua những ngày sóng gió. Nhưng từng đó là chưa đủ để đẩy Berlin vào bất ổn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu ngày 19/11 sau khi đàm phán thành lập Chính phủ liên minh sụp đổ. (Nguồn Reuters)

Hai tháng qua, kể từ ngày bầu cử Liên bang 24/9 đến nay, nước Đức vẫn chưa thể có một Chính phủ ổn định. Người ta cũng không biết Chính phủ hiện nay của Thủ tướng Angela Merkel sẽ còn tạm quyền đến bao giờ. Nước Đức và châu Âu đang lo ngại theo dõi những gì đang diễn ra ở Berlin. Giới kinh tế Đức càng sốt ruột vì nhiều dự án có thể bị chậm trễ hay đình đốn do những bất ổn chính trị hiện nay gây ra.

Những cải cách lớn trong Liên minh châu Âu (EU) về thể chế, tài chính tiền tệ hay đối phó với thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tị nạn, khủng bố… không thể mãi trông chờ vào kết quả cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa các đảng phái chính trị ở Đức.

Bi quan hơn, nhiều người cho rằng Đức đang rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng chính trị, thậm chí là khủng hoảng nhà nước tồi tệ nhất trong bảy thập kỷ tồn tại của Cộng hòa Liên bang Đức. Nó có thể đẩy lùi sự phát triển của đất nước nói riêng và thế giới nói chung, nhất là khi Berlin được cho là thành trì của “các giá trị Phương Tây” như dân chủ, tự do thương mại toàn cầu…

Về phần mình, EU rất cần Đức, để cùng Pháp đưa con tàu châu Âu vượt qua khó khăn hiện tại, giữ vững hòa bình và ổn định ở châu lục.

Khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng nhà nước?

Có luồng ý kiến cho rằng những gì đang xảy ra ở Berlin là bất bình thường, chưa có tiền lệ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho xã hội Đức. Tuy nhiên, trên thực tế đây không phải là khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng nhà nước, vì trước hết thể chế chính trị ở Đức được xây dựng trên cơ sở pháp lý rất vững chắc, đó là Đạo luật cơ bản (Hiến pháp) năm 1949.

Rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá của lịch sử nửa đầu thế kỷ XX, các nhà lập hiến Đức đã dự tính mọi tình huống để không thể xảy ra tập trung quyền lực dẫn đến độc tài, phát xít và xâm phạm mọi quyền căn bản của công dân.

Việc tách quyền hành pháp ra khỏi nhánh lập pháp và tư pháp cũng tạo những cơ chế để các thể chế hiến pháp vẫn hoạt động bình thường khi không có chính phủ hay chỉ có chính phủ tạm quyền, mặc dù nhánh hành pháp luôn được coi là mạnh và thực quyền nhất ở tất cả các thể chế chính trị. Ngay cả khi các đảng phái không thống nhất được với nhau để lập chính phủ liên minh, Hiến pháp cũng đã có quy định cụ thể.

Do đó, không thể nói hiện nay nước Đức đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng nhà nước. Nước Đức với tư cách là chủ thể luật pháp quốc tế vẫn rất ổn định và vững mạnh. Thứ mà Berlin đang cần giải quyết chính xác là khủng hoảng chính phủ, hay đúng hơn cuộc khủng hoảng lập chính phủ.

Sau kết quả bầu cử tháng 9, Liên minh Chính phủ giữa Liên minh dân chủ Kito giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) bị coi là đã nhận phiếu “bất tín nhiệm” của cử tri. Đảng SPD ngay sau đó và mới đây cũng tái khẳng định sẽ không duy trì “đại liên minh” và chuyển sang đối lập. Theo Hiến pháp Đức, muốn lập chính phủ thì các đảng phải đạt quá bán sự ủng hộ của nghị sĩ Quốc hội.

Ở thời điểm hiện nay, không đảng nào có số phiếu đạt quá bán và buộc các đảng phải liên minh để thành lập chính phủ. Nếu chỉ tính về số lượng phiếu thì một liên minh giữa CDU/CSU với hai đảng nhỏ là Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Die Grünen) có thể đủ để lập chính phủ mới. Liên minh các đảng này, với màu sắc đại diện tương ứng với các màu đen (CDU/CSU), vàng (FDP) và xanh (đảng Xanh), sẽ tạo nên màu của quốc kỳ Jamaica.

Đàm phán bước đầu về lập Chính phủ “Liên minh Jamaica” được khởi động tại Berlin ngay sau khi có kết quả bầu cử. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán dài hơi, có khi lên tới 15 tiếng/ngày, có lúc kéo dài tận 4 giờ rưỡi sáng, vẫn chưa đem lại kết quả cụ thể. Đáng lo ngại hơn, ngày 19/11, FDP đã chính thức tuyên bố rút khỏi đàm phán vì không đạt được sự nhất trí với các đảng còn lại trong những vấn đề then chốt. Phương án lập chính phủ “Liên minh Jamaica” chính thức phá sản.

Tìm kiếm lối ra

Sở dĩ phương án “Liên minh Jamaica” thất bại là do xu hướng chính trị của các đảng quá xa nhau, nhất là giữa FDP với đảng Xanh, hoặc giữa đảng Xanh với CSU.

Trong lịch sử, FDP đã từng liên minh với CDU/CSU, còn đảng Xanh cũng từng tham gia chính phủ với SPD ở cấp Liên bang, nhưng CDU/CSU ngồi chung với FDP và đảng Xanh là điều chưa từng xảy ra. “Liên minh Jamaica” duy nhất hiện nay là ở bang Schleswig – Holstein, một bang khá nhỏ ở miền Bắc nước Đức.

Hai tháng đàm phán sơ bộ vừa qua bộc lộ những quan điểm khác nhau khó có thể dung hòa trong những vấn đề như tị nạn, môi trường và sử dụng năng lượng. Ngay cả bà Merkel, người được coi là bậc thầy dung hòa lợi ích của các bên liên quan trong đàm phán ở Đức và EU, cũng không thuyết phục được FDP.

Hiện tại, chính trường Đức có thể chuyển biến theo ba hướng đi khác nhau:

Thứ nhất, Đảng CDU/CSU và SPD tiếp tục đàm phán duy trì “đại liên minh” như hiện nay. Đây có vẻ là sự lựa chọn tốt cho Thủ tướng Merkel, khi Chính phủ luôn có đa số ổn định tại Quốc hội để thông qua luật và các chính sách.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất sẽ đến từ chính SPD, vì đảng này nhiều lần khẳng định sẽ không tiếp tục liên minh với CDU/CSU. Dư luận cũng có ý kiến cho rằng nền dân chủ nghị viện sẽ bị yếu thế nếu các đảng lớn liên minh với nhau và phe đối lập tại nghị viện chỉ còn những tiếng nói yếu ớt. Đó là chưa kể nếu SPD tiếp tục tham gia chính phủ thì đảng thiên hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD), do có số nghị sĩ đông nhất trong các đảng đối lập, sẽ đương nhiên trở thành “thủ lĩnh đối lập” tại Quốc hội Đức. Đây là điều mà Berlin và Brussels không mong muốn.

Ở trường hợp thứ hai, Thủ tướng Angela Merkel sẽ được ủy quyền để thành lập Chính phủ thiểu số theo quy trình thủ tục kéo dài vài tháng. Trước hết, bà sẽ phải được Tổng thống giới thiệu và bỏ phiếu tại Quốc hội. Nếu đạt số phiếu quá bán, CDU/CSU sẽ liên minh một đảng khác như FDP hay đảng Xanh để thành lập chính phủ.

Điều đáng lo ngại nhất là mỗi lần muốn thông qua chính sách hay luật nào đó tại Quốc hội, Chính phủ sẽ phải thương lượng với các đảng này để đạt đủ số phiếu thông qua. Trường hợp qua ba lần bỏ phiếu mà bà Merkel không đạt được đa số phiếu ủng hộ lên làm Thủ tướng, Tổng thống sẽ tuyên bố giải tán Quốc hội và sau đó 60 ngày phải tổ chức bầu cử mới.

Ngày 20/11, bà Merkel cho biết bà không nghiêng về phương án này vì Đức rất cần một chính phủ ổn định, nhất là trong khi tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều biến động.

Trong trường hợp cuối cùng, nếu như cả hai phương án trên thất bại, kết quả bầu cử ngày 24/9 sẽ bị hủy bỏ và thay thế bằng một cuộc bầu cử mới. Bà Merkel cũng như CDU/CSU và các đảng còn lại có vẻ nghiêng về giải pháp này, mặc dù nó sẽ rất tốn kém (cuộc bầu cử hồi tháng 9 tiêu tốn tới 92 triệu Euro).

Theo cuộc thăm dò dư luận do Viện Gvey thực hiện chớp nhoáng, 41,7% ủng hộ bầu cử mới, 18,1% nghiêng về chính phủ thiểu số CDU/CSU với Đảng Xanh và 15,5% với FDP, trong khi chỉ có 17,3% ủng hộ duy trì “đại liên minh”.

Tuy nhiên, ngay cả khi được tiến hành, cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 4/2018 và phải đến mùa Hè năm sau, nước Đức mới có được một Chính phủ ổn định. Điều này sẽ tạo ra không ít khó khăn cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Đức.

Sau cuộc trao đổi với Chủ tịch CDU, Thủ tướng tạm quyền Angela Merkel trưa 20/11, Tổng thống Frank Walter Steinmeier lưu ý trách nhiệm chính trị của các đảng đối với cử tri và đất nước. Ông cũng sẽ gặp lần lượt Chủ tịch các đảng để yêu cầu họ cân nhắc thật kỹ, trước khi đưa ra quyết định có thể thay đổi hướng đi của Đức trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới