Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Nga đang dần từ bỏ học thuyết kiềm chế hạt nhân?

Liệu Nga đang dần từ bỏ học thuyết kiềm chế hạt nhân?

Theo National Interest (Mỹ), Nga đang ngày càng ít dựa vào kho vũ khí hạt nhân của mình như là phương tiện kiềm chế chiến lược đối với kẻ thù vì các loại vũ khí thông thường của Nga cũng đã đủ sức thực hiện nhiệm vụ này.

Cụ thể, nhờ những đột phá trong việc nghiên cứu, thiết kế và phát triển các loại vũ khí có độ chính xác cao, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho quân đội, Nga có thể chỉ cần sử dụng các loại vũ khí thông thường mà chưa cần đến vũ khí hạt nhân nếu như an ninh quốc gia Nga bị đe dọa.

Theo National Interest (NI), Nga ngày càng ít đặt trọng tâm vào các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật vì hiện Moscow đã có các loại vũ khí thông thường độ chính xác cao và có bán kính hoạt động lớn, ví dụ như tên lửa hành trình Kalibr. Ngoài ra, Moscow cũng hy vọng vũ khí siêu thanh phi hạt nhân bán kính hoạt động lớn để thực hiện các nhiệm vụ kiềm chế chiến lược.

“Trong tương lai, tiến trình phát triển vũ khí độ chính xác cao đang được đẩy mạnh và các thiết kế tên lửa siêu thanh sẽ cho phép Nga chuyển phần lớn nhiệm vụ kiềm chế chiến lược từ lực lượng hạt nhân sang cho lực lượng phi hạt nhân”, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov từng khẳng định.

“Trong vòng 5 năm qua, chúng tôi đã đạt được bước đột phá lớn trong trang bị cho các lực lượng vũ trang các loại vũ khí có độ chính xác cao, bán kính hoạt động lớn. Quân đội Nga đã nhận được hàng loạt tổ hợp tên lửa chiến thuật – chiến dịch Iskander-M, các tàu ngầm, tàu nổi được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr. Nga cũng đang tiến hành hiện đại hóa các máy bay tầm xa được trang bị các tên lửa hành trình mới Kh-101”, tướng Valery Gerasimov bổ sung.

Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích cũng đã nhận định rằng Nga đang ngày càng không coi vũ khí hạt nhân như là phương tiện kiềm chế chiến lược nhờ sự phát triển của kho vũ khí thông thường có bán kính hoạt động lớn.

Trong những năm 1990, đầu những năm 2000, đặc biệt là sau khi NATO can thiệp vào Kosovo của Serbia mà không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép, Nga đã phát triển học thuyết riêng của mình. Theo đó, Moscow có thể là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để “phi leo thang hóa” các cuộc xung đột.

 Cốt lõi của học thuyết này là việc tấn công hạt nhân vào các đối tượng xâm lược chỉ sử dụng vũ khí thông thường có thể buộc kẻ xâm lược phải từ bỏ ý định của mình.
Hệ thống tên lửa phòng không  S-400 của Nga

“Chiến lược của Nga trong phi leo thang hóa xung đột là ở chỗ đem đến cho kẻ xâm lược các tổn thất có tính toán nhưng các tổn thất này đối với kẻ thù là khó có thể chịu đựng được”, chuyên gia Nga về các vấn đề giải giáp vũ khí Nikolai Sokov nhận định.

Theo NI, mặc dù chiến lược phi leo thang hóa xung đột của Nga ít được phương Tây biết đến cho đến khi Nga đưa ra học thuyết quân sự năm 2010 nhưng thực tế văn kiện này đã nâng cao “trần” mà Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Trong khi đó, theo văn kiện được đưa ra năm 2000, Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân “trong các bối cảnh nguy hiểm đối với an ninh quốc gia”, còn trong văn kiện năm 2010, vũ khí hạt nhân sẽ chỉ sử dụng khi “sự tồn tại của nước Nga đang bị đe dọa”, chuyên gia Nikolai Sokov đánh giá về sự khác nhau giữa hai văn kiện học thuyết quân sự của Nga.

Sự thay đổi này sẽ không thể diễn ra nếu như Nga chưa khôi phục được kho vũ khí phi hạt nhân, cũng như chưa chế tạo được các loại vũ khí độ chính xác cao có bán kính hoạt động lớn.

NI kết luận rằng Moscow bắt đầu từ bỏ dần học thuyết kiềm chế hạt nhân được đưa ra năm 2013 và biểu hiện của nó là loại vũ khí giết người hàng loạt này không còn được đưa vào cuộc tập trận chung Nga – Belarus mang tên  Zapad-2017. Điều này, theo chuyên gia Nikolai Sokov, là do Moscow đã bắt đầu tin tưởng hơn vào kho vũ khí thông thường của mình.

“Với việc phát triển được các loại vũ khí thông thường, Nga ngày càng ít phụ thuộc vào kho vũ khí hạt nhân của mình. Những tuyên bố, nhận định của tướng Valery Gerasimov và chuyên gia Nikolai Sokov là đúng. Quân đội Nga đã ngày càng ít phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân và đây là dấu hiệu tốt”, NI kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới