Trung Quốc xem cựu phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa là người theo chủ nghĩa kinh tế thực dụng. Do đó, nếu ông này trở thành Tổng thống Zimbabwe, chắc chắn Trung Quốc sẽ thu lại nhiều lợi ích kinh tế và chính trị hơn so với thời ông Mugabe.
Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Robert Mugabe, Trung Quốc trở thành một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại và đồng minh ngoại giao lớn nhất của Zimbabwe. Và khi Zimbabwe sắp bước vào thời kỳ chuyển giao quyền lực suốt gần 40 năm qua, Trung Quốc vẫn nằm trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ biến động chính trị ở quốc gia châu Phi này.
Chính việc các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Zimbabwe vào năm 2011 trước cáo buộc vi phạm luật tịch thu đất đai và nhân quyền đã đẩy Tổng thống Mugabe thi hành chính sách “Hướng đông” và Trung Quốc là điểm đến “lý tưởng”.
“Chúng tôi hướng về phía đông, nơi mặt trời mọc và quay lưng về phía tây, nơi mặt trời lặn”, Japan Times dẫn lại lời ông Mugabe.
Nhằm thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống ông Mugabe đã thường xuyên tới thăm Bắc Kinh và gửi con gái Bona tới theo học tại đại học Hong Kong. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã phủ quyết lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt với Zimbabwe.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu An ninh ở thủ đô Harare, ông Derek Matyszak, “mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tổng thống Mugabe đã có phần rạn nứt trong một năm rưỡi qua và tình hình chính trị bất ổn tại Zimbabwe hiện nay càng làm vấn đề thêm phần trầm trọng”.
Cụ thể, ông Matyszak nhấn mạnh Trung Quốc không đồng tình với việc Tổng thống Mugabe kiểm soát nền kinh tế Zimbabwe một cách lỏng lẻo. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh cũng nghiêng về ủng hộ cựu phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa (75 tuổi), người nhiều khả năng sẽ trở thành Tổng thống Zimbabwe sau khi ông Mugabe tự tuyên bố từ chức. Bởi ông Mnangagwa được xem là một người theo chủ nghĩa kinh tế thực dụng và có tư tưởng thân thiện với các nhà đầu tư hơn so với Tổng thống Mugabe.
“Chúng tôi biết các nhà đầu tư muốn tới những nơi mà họ có thể kiếm lời. Do đó, chúng tôi đảm bảo tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư”, ông Mnangagwa phát biểu trong buổi phóng vấn kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc nhân chuyến thăm tới Bắc Kinh vào năm 2015.
Chính việc Zimbabwe không có kế hoạch chuyển giao quyền lực rõ ràng cho Tổng thống Mugabe cũng như ngành công nghiệp bị quốc hữu hóa đã đẩy nền chính trị nước này vào cảnh lung lay và ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu mới nhất được công bố trong Báo cáo Đầu tư thế giới của Liên Hợp Quốc, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Zimbabwe đã sụt giảm lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2016 và tụt xuống còn 319 triệu USD.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Harare chính là việc Tổng thống Mugabe cho quốc hữu hóa các mỏ khai thác kim cương ở Zimbabwe.
Hai công ty Trung Quốc là Anjin Investments và Jinan Mining từng là đối tác của quân đội Zimbabwe và là những “tay chơi lớn” tại mỏ khai thác kim cương Marange ở phía đông Zimbabwe.
Theo nhà nghiên cứu Matyszak, khả năng sau khi ông Mnangagwa lên làm Tổng thống Zimbabwe, ông này sẽ thay đổi quyết định của Tổng thống Mugabe. Động thái này sẽ làm hài lòng cả quân đội Zimbabwe và phía Trung Quốc.
Điều đặc biệt làTư lệnh quân đội Zimbabwe, Tướng Constantino Chiwenga đã tới thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 11, đúng thời điểm ông Mnangagwa biến mất sau khi Tổng thống Mugabe cách chức ông này hồi đầu tháng 11 trước cáo buộc phản bội. Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định chuyến thăm của Tướng Chiwenga chỉ là “hoạt động trao đổi quân sự bình thường”.
Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Zimbabwe được hình thành từ những năm 1960. Bản thân Tướng Mnangagwa cũng đã trải qua quá trình đào tạo quân sự ở Trung Quốc vào năm 1963.
Hiện tại, Trung Quốc đang giữ vai trò là nhà cung cấp khí tài quân sự chính cho Zimbabwe. Thương vụ mua bán vũ khí quân sự giữa hai nước gần đây bao gồm hệ thống radar, máy bay quân sự, máy bay huấn luyện cùng các phương tiện quân sự và súng trường tấn công AK-47.
Tổng thống Robert Mugabe từ chức sẽ giúp Trung Quốc thu được nhiều lợi ích hơn từ Zimbabwe. |
Ngoài ra, một công ty Trung Quốc còn cho xây dựng Đại học Quốc phòng quốc gia tại thủ đô Harare tại Zimbabwe. Ngôi trường này mở cửa hoạt động vào năm 2014 và được hỗ trợ tài chính từ khoản vay không lãi suất trị giá 98 triệu USD từ Trung Quốc. Đây cũng là cơ sở đào tạo quân sự lớn nhất tại Zimbabwe chuyên huấn luyện cho binh sĩ, lực lượng tình báo và cảnh sát của Zimbabwe cũng như các quốc gia Nam Phi khác.
“Dĩ nhiên, Trung Quốc muốn Zimbabwe duy trì môi trường hòa bình và chính trị ổn định. Lợi ích của Trung Quốc nằm ở việc Zimbabwe đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và nhẹ nhàng mà không có bất cứ bất ổn lớn nào”, ông Wang Xinsong, nhà nghiên cứu tại Đại học Beijing Normal chia sẻ.
Bên cạnh mối quan hệ hợp tác kinh tế và quân sự, Trung Quốc còn là đối tác lớn giúp Zimbabwe nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Trung Quốc đã giúp xây dựng và chi trả cho những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Zimbabwe bao gồm số tiền 46 triệu USD để xây dựng tòa nhà quốc hội mới ở thủ đô Harare vào năm ngoái.
Công ty nhà nước Trung Quốc Sinohydro hiện đang xây dựng các dự án mở rộng hai trạm điện ở Zimbabwe với tổng trị giá 2 tỷ USD nhằm giúp quốc gia châu Phi này giải quyết vấn nạn thiếu điện trầm trọng.
Các công ty Trung Quốc còn khởi công xây dựng sân bay quốc tế Victoria Falls trị giá 150 triệu USD cũng như nâng cấp con đường cao tốc đông đúc nhất ở Zimbabwe.
Mối quan hệ thân tình giữa Trung Quốc và Zimbabwe còn được thể hiện qua việc Zimbabwe đã bán cho Trung Quốc 35 con voi và chuyển giao cho các công viên hoang dã ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Hàng Châu vào năm 2015.