Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới2 "siêu điệp viên" khiến tình báo TQ ngỡ ngàng trong kỳ...

2 “siêu điệp viên” khiến tình báo TQ ngỡ ngàng trong kỳ án gián điệp sau ngày lập quốc

Thực tế, hai “siêu điệp viên” liên quan tới vụ án gián điệp chấn động Trung Nam Hải lại là… hai chú chuột đồng.

Trung Quốc hiện là một trong những nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh: Asahi Shimbun/Gettty

Vật chứng đáng ngờ

Tháng 2/1967, một hành khách quốc tịch Anh mang theo vali hành lý và chiếc lồng nhỏ chứa hai chú chuột làm thủ tục xuất cảnh từ Quảng Châu sang Hồng Kông nghỉ dưỡng tại Sân bay Quốc tế Bạch Vân, Quảng Châu.

Tuy nhiên do nhận thấy hai chú chuột xuất hiện điểm đáng ngờ – không phải vật nuôi như chó, mèo hay loại chuột bạch thí nghiệm – mà là chuột đồng chuyên phá hoại mùa màng nên nhân viên hải quan đã báo cáo lên cấp trên.

Nhận được tin báo từ địa phương, Phó Bộ trưởng Công an Trung Quốc Dương Kỳ Thanh đã cử trợ thủ đắc lực Trương Văn Kỳ là điều tra viên thuộc Sở Công an Bắc Kinh, chuyên phụ trách các vụ án liên quan đến người nước ngoài tới Quảng Châu điều tra.

Ngay lập tức, Trương Văn Kỳ lệnh cho nhân viên hải quan dùng lý do kiểm tra bệnh dịch cho động vật xuất nhập cảnh để đưa hai chú chuột tới phòng khám kiểm tra. Nhân lúc này, Trương cho người bắt hai con chuột tương tự khác thế chỗ, trả lại vị khách nước ngoài.

Tuy nhiên qua kiểm tra, nhân viên y tế không phát hiện được vật đáng nghi như thuốc phiện, vi phim, vi phiếu (một hình thức bảo quản tài liệu có tuổi thọ lên tới 500 năm) giấu trong mình hai chú chuột như Trương Văn Kỳ dự đoán.

Nhưng sau đó, Trương vẫn cử người thu thập tài liệu, điều tra về chủ nhân hai chú chuột và phát hiện ra, ông này là George Watt, chuyên gia vận hành thiết bị hóa học tại Công ty hóa chất Lan Châu, Cam Túc. Trương Văn Kỳ tiến hành điều tra bước tiếp theo.

Vén màn bí mật

Một thời gian sau, đợi George Watt từ Hồng Kông trở về Cam Túc, Trương Văn Kỳ tìm cách tiếp cận ông này. Nhằm tiếp cận Watt nhưng không khiến ông này nghi ngờ, Trương yêu cầu Công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc thành lập tổ khảo sát kỹ thuật tới Công ty hóa chất Lan Châu học tập kinh nghiệm và Trương đóng giả làm thành viên tổ khảo sát.

Theo Đài phát thanh truyền hình Giang Tây (Trung Quốc), trong thời gian này, Trương Văn Kỳ phát hiện ra một số biểu hiện bất thường của chuyên gia nước ngoài. Theo đó, ngày thường thay vì dùng xe đưa đón nhân viên của công ty, Watt thường tự đạp xe tới nơi làm việc. Đến cuối tuần, ông này lại đạp xe ra ngoại ô.

Trùng hợp là thời điểm đó, một cơ sở sản xuất công nghiệp hạt nhân – công trình tuyệt mật số một của chính phủ Trung Quốc được xây dựng tại ngoại ô Lan Châu.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, vào những năm 60, việc nước này tuyên bố chế tạo thành công đạn nguyên tử khiến một số nước lớn bất ngờ, lo sợ nên đã cử điệp viên tới Trung Quốc thăm dò, thu thập thông tin tình báo về đạn nguyên tử.

Tuy nhiên đặc vụ nước ngoài rất khó để xâm nhập hệ thống thông tin liên quan đến đạn nguyên tử Trung Quốc bởi hệ thống này được liệt vào hạng mục cơ mật số một quốc gia, công tác đảm bảo an ninh được tiến hành vô cùng chặt chẽ.

Nhận thấy hành tung của Watt có liên quan tới cơ sở tuyệt mật số một tại Lan Châu, Trương Văn Kỳ phái người đưa hai chú chuột vốn được hoán đổi ở sân bay của ông này tới cơ quan chức năng chuyên môn kiểm tra chất phóng xạ.

Quả nhiên, kết quả khám nghiệm cho thấy, hai chú chuột đều nhiễm lượng lớn chất phóng xạ ở các mức độ khác nhau và dữ liệu phóng xạ này tương đồng với dữ liệu phóng xạ tại cơ sở sản xuất hạt nhân ở ngoại ô Lan Châu.

Như vậy, theo Đài phát thanh truyền hình Giang Tây, chỉ cần thông qua lượng chất phóng xạ từ những chú chuột này, chuyên gia nước ngoài có thể phân tích thu thập được lượng lớn dữ liệu quan trọng về đạn hạt nhân Trung Quốc.

Khẳng định George Watt là gián điệp nước ngoài, Trương Văn Kỳ tiếp tục cử người âm thầm theo dõi nhằm tránh đánh rắn động cỏ.

Phá án thành công

Khoảng cuối năm 1967, vợ của George Watt tới Trung Quốc. Ngày Watt ra sân bay đón vợ, Trương Văn Kỳ cũng cải trang theo sát và phát hiện ra tình tiết đặc biệt, vừa gặp nhau nhưng vợ chồng Watt chững lại vài giây sau đó mới nói cười như cặp vợ chồng lâu ngày gặp lại. Từ chi tiết này, Trương khẳng định, đây là lần gặp mặt đầu tiên giữa Watt và “người vợ”.

Trương cử người theo dõi vợ chồng Watt cho đến tận ngày người vợ rời Trung Quốc. Tại sân bay Bắc Kinh, người của Trương đóng giả làm nhân viên hải quan tham gia công tác kiểm tra hành lý.

Trong hành lý của bà Watt, người của Trương phát hiện ra một khung ảnh Mao Trạch Đông, gỡ tấm ốp phía sau, họ phát hiện ra rất nhiều bản đồ và vi phim liên quan tới vị trí cụ thể của cơ sở sản xuất công nghiệp hạt nhân Lan Châu hay địa hình quân sự Lan Châu.

Tài liệu vụ án ngay lập tức được chuyển văn phòng của Thủ tướng Chu Ân Lai ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Theo chỉ thị của Chu Ân Lai, Trương Văn Kỳ bí mật bắt giữ “hai vợ chồng” George Watt điều tra, phát hiện ra nhóm điệp viên của Watt còn bao gồm hai đồng nghiệp khác là Decatur và Linde – trưởng nhóm chuyên gia nước ngoài của Watt.

Qua theo dõi, điều tra, Trương Văn Kỳ xác định Linde chính là chủ mưu. Được sự đồng ý của Chu Ân Lai, một tổ chuyên án đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Trương được thành lập.

Ngày 12/12/1967, Linde bay từ Cam Túc tới Bắc Kinh để về nước. Tuy nhiên, tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, Linde đã bị đội chuyên án của Trương bắt giữ. Kiểm tra hành lý, Trương phát hiện vài bộ quần áo bẩn được gấp gọn gàng.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, số quần áo này cũng bị nhiễm chất phóng xạ hạt nhân như hai chú chuột của Watt. Ngoài ra, trong vali của Linde, nhóm tình báo Trung Quốc cũng tìm thấy một số tài liệu quan trọng khác.

Đài phát thanh truyền hình Giang Tây cho biết, theo khai báo của Linde, sau khi thông tin Trung Quốc tự sản xuất được đạn hạt nhân được công bố, “cơ quan tình báo một nước phương Tây” đã cử nhóm của Linde đóng giả làm chuyên gia vận hành thiết bị hóa học để tới Trung Quốc thăm dò, thu thập thông tin tình báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới