Damacus đang cố thu hút đầu tư từ Trung Quốc bằng hình thức đổi dầu mỏ lấy những khoản vay và xem xét cho phép giao dịch bằng Nhân dân tệ.
Syria mở cửa mời Trung Quốc
Mới đây, ông Imad Moustapha, Đại sứ Syria tại Trung Quốc cho biết, nước này đang cố thu hút đầu tư từ Trung Quốc bằng hình thức đổi dầu mỏ lấy những khoản vay và xem xét cho phép giao dịch bằng Nhân dân tệ.
Theo Đại sứ Moustapha: ”Chúng tôi mong những nước như Nga, Trung Quốc và Iran sẽ đến và tham gia vào công việc tái thiết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không chào đón những nước tham gia vào cuộc chiến Syria rồi quay lại và nói muốn tham gia (ám chỉ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ)”.
Ông Moustapha cho biết thêm, doanh nghiệp Trung Quốc đã thể hiện ”mối quan tâm lớn” trong tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Syria.
Hàng ngày, ông Moustapha đều tiếp nhận các đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc lớn sang Syria khảo sát.
”Hầu hết họ đang trong giai đoạn mở văn phòng đại diện ở Damascus lẫn nhiều thành phố khác. Nhiều đoàn khảo sát thị trường đã sang gặp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước Syria rồi trở về báo cáo cho cấp trên của mình. Một số đã ký được hợp đồng làm ăn, một số khác đang trong quá trình thương thảo hợp đồng”, vị Đại sứ tiết lộ.
Để có tiền tái thiết, Đại sứ Moustapha cho hay, Syria sẵn sàng đón nhận mọi lời đề nghị, kể cả các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy những khoản vay từ doanh nghiệp Trung Quốc và cho phép giao dịch và đầu tư bằng đồng Nhân dân tệ.
Theo SCMP, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã bị các cường quốc phương Tây phản đối nhiều lần kể từ khi cuộc chiến Syria nổ ra 6 năm trước. Các nước này còn cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học với dân thường.
Trung Quốc tuy không đưa quân tới Syria, nhưng nước này cùng với Moscow đã nhiều lần phủ quyết những nghị quyết bất lợi cho Syria ở Liên hiệp quốc.
Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn ngỏ lời với bà Bouthaina Shaaban, cố vấn cao cấp của ông Assad, rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ kế hoạch tái thiết đất nước của quốc gia Trung Đông này.
Vá lỗ hổng
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Syria sẽ phải cần khoảng 200 tỉ USD để tái thiết đất nước. Tuy nhiên, chưa rõ nước nào sẽ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khổng lồ này.
Do vậy, nếu như Trung Quốc thực sự muốn làm ăn tại Syria thì đó chính là dấu hiệu tích cực cho chính quyền Assad.
Tiềm lực về kinh tế của Trung Quốc là không thể phủ nhận, điều này sẽ khắc phục điểm yếu của Nga trong việc giúp Syria tái thiết đất nước.
Hồi đầu tháng 7, ông Jin Yong – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc-Ả Rập tuyên bố rằng, nước này có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD để lập khu công nghiệp ở Syria, nơi ban đầu sẽ có 150 công ty Trung Quốc đặt trụ sở để góp phần phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh của đất nước này.
Tuyên bố trong khuôn khổ tại hội chợ đầu tiên của dự án đầu tư phục hồi Syria sau chiến tranh tại Bắc Kinh, ông này cho biết, dự án đang được chính phủ Syria và đại sứ quán nước này ở Trung Quốc tích cực thảo luận.
Sau khi cuộc chiến tranh chống khủng bố và các phe nhóm đối lập do phương Tây hậu thuẫn tại đất nước này kết thúc, Trung Quốc, Nga và Iran sẽ được ưu tiên trong việc thực hiện các dự án kinh tế ở Syria.
Một chuyên gia Nga là nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev cho biết rằng, Trung Quốc đang cảm nhận được triển vọng của giải pháp hòa bình ở Syria. Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu tích cực tham gia vào quá trình này, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Giới truyền thông Trung Quốc nhận định, dường như chính quyền Bắc Kinh rất tự tin về sự kết thúc chiến tranh tại Syria trong thời gian ngắn nên nước này đã xây dựng kế hoạch thuê tàu và máy bay tại Syria cho các doanh nghiệp của mình.
Trung Quốc đang ngày càng tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề Syria, nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước này.
Trung Quốc từng kiểm soát một phần đáng kể tổ hợp dầu khí Syria, đầu tư vào đây hàng chục tỉ USD. Tuy nhiên, chiến tranh đã phá hỏng tất cả nên hiện nay, Bắc Kinh cũng muốn chia phần bánh ở Syria.