Trung Quốc đang phát triển vệ tinh do thám mới sử dụng công nghệ hình ảnh bóng ma (ghost imaging), tạo ra bước ngoặt cơ bản trong cuộc đua vũ khí quân sự kéo dài hàng thập kỷ qua.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), kỹ thuật ngụy trang hiện tại, từ bom khói để che giấu xe tăng, binh sĩ trên chiến trường cho đến vật liệu hấp thụ sóng radar trên các máy bay, tàu chiến tàng hình sẽ trở nên vô dụng trước vệ tinh mới của Trung Quốc.
Công nghệ hình ảnh bóng ma lượng tử đạt độ nhạy chưa từng có, phát hiện tia sáng cực nhỏ phát ra từ mục tiêu và tương tác với các tia sáng khác trong môi trường xung quanh để vẽ ra hình ảnh chính xác của vật thể.
Vệ tinh được tích hợp cảm biến lượng tử sẽ có thể theo dõi, giám sát mục tiêu hiện đang tàng hình khi nhìn từ vũ trụ, giống như máy bay ném bom tàng hình cất cánh vào ban đêm, theo các nhà nghiên cứu.
Oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit của Mỹ là mẫu máy bay ném bom duy nhất trên thế giới có khả năng tàng hình và giáng đòn tấn công quy mô lớn vào đối phương.
B-2 thường cất cánh vào ban đêm để tránh ống kính camera từ vệ tinh do thám. Phần thân chiếc B-2 được phủ chất liệu đặc biệt, tránh phản xạ tín hiệu và công nghệ chống tỏa nhiệt để tránh cảm biến hồng ngoại của đối phương. Mẫu oanh tạc cơ B-21 đang được phát triển của Mỹ được cho là vẫn sử dụng công nghệ tương tự.
Gong Wenlin, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải nói cả nhóm nghiên cứu đang chế tạo thiết bị do thám đầu tiên gắn trên vệ tinh, có khả năng soi rõ mục tiêu tàng hình như oanh tạc cơ B-2.
Phiên bản thử nghiệm dự kiến sẽ xuất hiện vào năm 2020. Các nhà khoa học Trung Quốc kỳ vọng sẽ làm chủ công nghệ này trước năm 2025.
Công nghệ tương tự từng xuất hiện trên mặt đất, nhưng việc tích hợp vào vệ tinh do thám, soi rõ mục tiêu toàn cầu là điều mà các nhà khoa học Trung Quốc đang hướng tới.
“Chúng tôi từng chiến thắng người Mỹ trên mặt đất. Chúng tôi tự tin về khả năng chiến thắng họ một lần nữa trong vũ trụ”, ông Gong nói.
Ông Gong nói bóng tối, mây mù, mưa và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác không thể ngăn vệ tinh sử dụng công nghệ lượng tử soi rõ mục tiêu.
“Vệ tinh trang bị công nghệ mới sẽ cung cấp hình chi tiết hơn bất kỳ một radar hiện đại nào”, nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết.
Xiong Jun, giáo sư vật lý đến từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhận định, công nghệ hình ảnh bóng ma sẽ là kỹ thuật mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực quân sự.
Theo ông Xiong, hình ảnh bóng ma đã được sử dụng trong các hệ thống radar trên mặt đất và máy bay do thám, nhưng dự án tích hợp vào vệ tinh thì chưa từng được công bố vì lý do tối mật.