Có rất ít, thậm chí hầu như không có, hậu duệ hay các thành viên thế hệ cách mạng thứ hai của Trung Quốc trong hàng ngũ lãnh đạo sau Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình cùng các thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19, ra mắt công chúng ngày 25/10/2017 (Ảnh: Bloomberg)
Thế hệ hậu duệ thứ hai của các nhà cách mạng Trung Quốc, gọi chung là Hồng nhị đại, là một nhóm nhỏ gồm con cháu của những người tham gia cuộc cách mạng Cộng sản trước năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, để thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, con trai cố phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, là một hậu duệ như vậy.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ (18-24/10/2017), ông Tập hiện là “Hồng nhị đại” duy nhất trong 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19, sau khi một cộng sự của ông trong Ban thường vụ khóa 18 là Vương Kỳ Sơn về hưu.
Ngoài ông Tập Cận Bình, chỉ còn tướng Trương Hựu Hiệp, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, là “Hồng nhị đại” trong 25 thành viên Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19.
Sự thăng tiến của những quan chức “bình dân”
Tờ Nikkei Asian Review cho biết, thay vì hậu duệ của những thế hệ tinh hoa đi trước, đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc do ông Tập đứng đầu hiện nay có rất nhiều quan chức xuất thân bình dân, bao gồm nhiều cộng sự thân cận từng làm việc cùng ông trong quá khứ ở các địa phương, các vùng nông thôn.
Ví dụ, ông Trần Mẫn Nhĩ, 57 tuổi, người thay thế Tôn Chính Tài (bị điều tra tham nhũng) làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh từ tháng 7/2017, đã được bầu vào Bộ chính trị tại Đại hội 19.
Ông Trần trưởng thành giữa vùng quê nghèo ở Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, và làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình khi ông Tập nhậm chức tại tỉnh này trong giai đoạn 2002-2007. Dù không xuất thân từ gia tộc cách mạng, Trần Mẫn Nhĩ được đánh giá là tận tụy, có năng lực và trung thành với ông Tập.
Trường hợp khác là Lý Hy, 61 tuổi, vừa được trung ương ĐCSTQ bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Trong sự nghiệp, ông Lý từng là cấp dưới của ông Tập ở tỉnh Thiểm Tây.
Quảng Đông, trung tâm sản xuất của Trung Quốc, nổi tiếng là quê nhà của nguyên soái “khai quốc công thần” Diệp Kiếm Anh. Gia tộc họ Diệp được cho là có tiếng nói lớn trong việc Hồng nhị đại ủng hộ chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đất nước.
Ngày 14/11 vừa qua, ông Lý đã tới thăm khu tưởng niệm Diệp Kiếm Anh. Tờ Nhật báo phương Nam của Tỉnh ủy Quảng Đông viết, “tại khu tưởng niệm Diệp Kiếm Anh, ông Lý Hy mang tâm trạng sùng kính ngắm nhìn tượng đồng Diệp Kiếm Anh, và tham quan khu nhà ở cũ”.
Thay đổi trong quân đội
Theo Nikkei, việc hai tướng lĩnh nổi tiếng ở Trung Quốc là các ông Lưu Nguyên và Lưu Á Châu nghỉ hưu đã khiến tướng Trương Hựu Hiệp trở thành cái tên “Hồng nhị đại” duy nhất còn lại trong nhóm tướng lĩnh lãnh đạo của Quân giải phóng nhân dân (PLA).
Tướng Lưu Nguyên, con trai cố chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, nghỉ hưu và rời quân đội vào tháng 12/2015. Tướng Lưu Á Châu, con rể cố chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, cũng rời chức vụ Chính ủy Đại học quốc phòng PLA vào đầu năm nay.
Thiếu tướng Mao Tân Vũ, 47 tuổi, cháu nội nhà lập quốc Mao Trạch Đông, không được bầu làm đại biểu dự Đại hội 19 vừa qua.
Thượng tướng Trương Hựu Hiệp là con trai Trương Tông Tốn – một chỉ huy quân sự trong cách mạng Cộng sản của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình và ông Trương kế thừa mối quan hệ thân cận từ hai người cha của mình. Ông Tập Trọng Huân và ông Trương Tông Tốn đều sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây và phục vụ trong cùng đơn vị quân đội.
Tướng Trương Hựu Hiệp ngồi cạnh ông Tập Cận Bình trong buổi lễ thăng hàm của PLA, diễn ra không lâu sau Đại hội 19. Ông Trương hiện nay, cùng với Thượng tướng Không quân Hứa Kỳ Lượng, là hai nhân vật quyền lực hàng đầu trong PLA.
“Hồng nhị đại” không còn hợp thời?
Giới quan sát cho rằng, không có gì ngạc nhiên nếu nhiều vị trí trong ban lãnh đạo mới của Trung Quốc được trao cho các hậu duệ cách mạng. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra, với sự nổi lên của các quan chức gốc gác không quá nổi bật.
Nikkei cho rằng, xuất thân là con trai một lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có thể nhận thấy rủi ro mất đoàn kết trong bộ máy nếu có nhiều chức vụ quan trọng được trao cho Hồng nhị đại.
Theo Nikkei, các hậu duệ gia đình cách mạng Trung Quốc có lòng kiêu hãnh lớn và khó có thể cam kết phục tùng sự lãnh đạo của ông Tập – người lúc này đã là “lãnh đạo hạt nhân” của ĐCSTQ, với “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” được ghi vào Điều lệ ĐCSTQ.
Trong “thời đại mới Tập Cận Bình”, điều quan trọng là khả năng làm việc và tuân thủ nghiêm ngặt lãnh đạo tối cao, chứ không phải vấn đề huyết thống. Điều này cũng tạo tiền lệ tốt và mở ra không gian phát triển mới cho các quan chức Trung Quốc có xuất thân phổ thông.
Các tướng lĩnh cấp cao của PLA mới được thăng cấp như Miêu Hoa, Hàn Vệ Quốc hay Đinh Lai Hàng… đều được ông Tập kiểm nghiệm năng lực trong gần 17 năm làm cộng sự ở nhiều vị trí trong đảng và chính quyền các địa phương Trung Quốc.