Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnMột số vấn đề về sức mạnh TQ (Kỳ 1)

Một số vấn đề về sức mạnh TQ (Kỳ 1)

Valérie Niquet, chuyên gia về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược tại châu Á, phụ trách mảng châu Á thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, và chuyên gia phân tích chiến lược Barthélémy Courmont, đã đưa ra những nhận định liên quan đến một số vấn đề về sức mạnh Trung Quốc và việc nước này sắp vượt Mỹ trở thành nhà tài trợ hàng đầu thế giới về viện trợ phát triển. 

Trung Quốc, “người khổng lồ mong manh”: Những điểm mạnh của Bắc Kinh 

Trung Quốc là một siêu cường: Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đứng thứ 2 thế giới về ngân sách quốc phòng với 144 tỷ USD năm 2017 (ít hơn nhiều so với Mỹ – 618,7 tỷ USD). Giờ đây Trung Quốc giữ một vai trò lớn tại Liên hợp quốc và là quốc gia đóng góp quân số hàng đầu cho hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Sau cùng, đồng nhân dân tệ đã gia nhập giỏ tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). 

Tuy nhiên, đằng sau những yếu tố sức mạnh này, cũng như bài diễn văn rất tự tin của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế và “Giấc mộng Trung Hoa”, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang vấp phải những hạn chế, khó khăn cần phải vượt qua. Về lĩnh vực kinh tế, thời kỳ tăng trưởng dễ dàng, dựa trên nhân công giá rẻ, xuất khẩu hàng loạt, đầu tư và tín dụng, đã qua; giờ đây là thời của tái cân bằng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những cải cách sâu sắc mà Chính quyền Trung Quốc chưa sẵn sàng thực hiện. Cũng vậy, nó cần được thực hiện từ cuộc đấu tranh hiệu quả chống lại ô nhiễm hoặc quan tâm tới nhu cầu của xã hội, điều này khiến người Trung Quốc tiết kiệm ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Sau cùng, việc xốc lại tư tưởng và cuộc đấu tranh cần thiết chống tham nhũng, trớ trêu thay có thể gây ra phản ứng bác bỏ hoặc im lặng bên trong quần chúng nhân dân và giới tinh hoa nước này, có nguy cơ kìm hãm “việc phục hưng sức mạnh” của Trung Quốc. 

Về tư tưởng, ngoài quyết tâm áp đặt quyền lực và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì việc đưa ra học thuyết của Chủ tịch Tập Cận Bình (Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới) vẫn còn hạn chế. Nhất là, đối với nhiều nhà phân tích Trung Quốc, chiến lược khu vực “quyết đoán” hơn của Trung Quốc cũng gây ra những phản ứng e sợ hoặc thù địch, có thể làm tổn hại tới các lợi ích lâu dài của Trung Quốc và nhu cầu ổn định. 

“Con đường tơ lụa mới” có phải là “kế hoạch phát triển quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại”? 

Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là một thành tố quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hay còn gọi là “con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc

Đối với Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã trở thành dự án đầu tiên và công cụ chính khuếch trương sức mạnh Trung Quốc ra thế giới. Dự án BRI nhằm nối dài thêm “Giấc mộng Trung Hoa” trên trường quốc tế. Đó là việc thu hút các đối tác cũ hoặc mới đây, hiện đang mở rộng ra gần như toàn cầu, vượt ra ngoài phạm vi truyền thống của Con đường tơ lụa vốn đi qua khu vực Trung Á. 

Quy mô kinh tế hấp dẫn, khả năng tài chính của Trung Quốc là một trong những yếu tố chính về sức mạnh mềm của Bắc Kinh và khả năng ảnh hưởng tới chiến lược của các đối tác của nước này. Về điểm này, Trung Quốc đã có thể hưởng lợi từ sự rút lui của các cường quốc phương Tây khỏi nhiều thị trường được cho là khó khăn và rủi ro. Về đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc lấp đầy khoảng trống, đó là tại những phần đất kém phát triển nhất của châu Á hoặc châu Phi. Tuy nhiên, đằng sau thông báo về các khoản tiền rất lớn, thì thực tế các khoản đầu tư lại khiêm tốn hơn nhiều. Tại vùng biển Đông Nam Á, kể từ khi được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2013, BRI được mong muốn là một công cụ xoa dịu nhằm chinh phục các nước lo lắng về các cuộc tấn công của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

 Tuy nhiên, mặc dù có sức hấp dẫn không thể chối cãi, sự ngờ vực của các đối tác của Bắc Kinh đã thực sự không mất đi và nhiều nước nghi ngờ Trung Quốc chủ yếu là muốn tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mình và xuất khẩu khối hàng hóa dư thừa, phục vụ cho các lợi ích của các doanh nghiệp nước này. 

Tại châu Âu, nếu như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã cho thấy một lợi ích thực sự, thì sự ngờ vực cũng được nhận thấy đối với chiến lược của Trung Quốc nhằm “chia rẽ” toàn bộ châu Âu bằng việc sử dụng sức hấp dẫn của BRI. 
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, thì đối với Trung Quốc, nguy cơ của việc cam kết hàng loạt trong các dự án quan trọng với các nước cả về tài chính lẫn chính trị có phần mong manh – đây cũng là những nước quan tâm nhất tới các cơ hội được mang lại – cần phải được lưu ý hơn, dù rằng, do cơ cấu vẫn rất mang tính “nhà nước” của nền kinh tế và những đặc thù của hệ thống chính trị, Bắc Kinh có thể cáng đáng những rủi ro nghiêm trọng hơn, phục vụ cho tham vọng chiến lược về lâu dài. 

Sức mạnh biển của Trung Quốc 

Từ những năm 1980, Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường về biển và hải quân. Ký ức về Trịnh Hòa, người chỉ huy nhiều cuộc thám hiểm tới Ấn Độ Dương vào thế kỷ XIV, đã được nhắc lại để làm nòng cốt cho quyết tâm xuất hiện như siêu cường về biển của Trung Quốc. Đặc biệt, người Trung Quốc đã đọc sách của Mahan và cho rằng một cường quốc toàn cầu thực sự cần khai thác tầm quan trọng to lớn của biển. 

Giờ đây, Trung Quốc cũng có khả năng kinh tế và công nghệ để xây dựng sức mạnh biển và hải quân nước này. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã trang bị 2 tàu sân bay mà khả năng tác chiến vẫn còn rất hạn chế, tuy nhiên, chúng giữ một vai trò quan trọng trong khẳng định biểu tượng của sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Giờ đây, hải quân là một trong những binh chủng ưu tiên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và nước này đã thực hiện những nỗ lực rất lớn để trang bị các tàu chiến hiện đại hơn. Những bước đi của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông là cụ thể hóa vấn đề này, cho dù, tại đó vẫn còn những đảo nhỏ bị chiếm đóng và bồi đắp, chúng sẽ không có ích gì trong trường hợp xảy ra xung đột. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã trang bị hạm đội bảo vệ bờ biển hàng đầu thế giới với hơn 200 tàu chiến. Cuối cùng, là cường quốc hàng đầu thế giới về thương mại, giờ đây Trung Quốc có các lợi ích cần được bảo vệ ở bên ngoài đường bờ biển của mình, như việc khánh thành căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti mới đây là một bằng chứng. 

RELATED ARTICLES

Tin mới