Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tinTướng TQ treo cổ tự sát: Cái chết "đắt giá" vừa chặn...

Tướng TQ treo cổ tự sát: Cái chết “đắt giá” vừa chặn đứng điều tra, vừa bảo vệ đồng mưu?

Quy trình điều tra, xử lý thượng tướng Trung Quốc Trương Dương – người đã treo cổ tự sát tại nhà riêng hôm 28/11 – vẫn được cơ quan chức năng nước này tiếp tục tiến hành.

Thượng tướng Trung Quốc Trương Dương vừa tự sát ngày 23/11 (Ảnh: Reuters)

Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) ngày 28/11 thông báo, Thượng tướng Trương Dương, thành viên Quân ủy trung ương nước CHND Trung Hoa, cựu ủy viên Quân ủy trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy trung ương, đã treo cổ tự sát tại nhà riêng hôm 23/11, sau khi nhà chức trách khởi động cuộc điều tra về liên hệ của ông này với hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy bị kết tội tham nhũng là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Tài khoản Wechat công cộng của báo quân đội Trung Quốc PLA Daily chỉ trích “đáng xấu hổ khi Trương Dương, từng là một tướng lĩnh quyền cao chức trọng, tự sát để trốn tránh bị trừng phạt”.

Bài bình luận gọi hành động tự sát của tướng Trương là “vô cùng xấu xa”.

“Hành vi nghiêm trọng của Trương đã phá vỡ kỷ luật của đảng và luật pháp, gây tổn hại nghiêm trọng cho đảng và quân đội. Hành vi này đã tổn hại hình ảnh của đảng, của quân đội, và hình ảnh của các quan chức.”

Trương Dương bắt đầu bị “tổ chức nói chuyện” về mối liên hệ với Quách, Từ từ hôm 28/8 vừa qua, sau khi ông này bị miễn chức chủ nhiệm Bộ công tác chính trị CMC, người thay thế là đô đốc hải quân Miêu Hoa.

Trong suốt quá trình điều tra, Trương Dương bị “giam lỏng” trong nhà riêng.

Có thể xử lý về mặt đảng

Tờ Đô thị phương Nam (Southern Metropolis Daily, Trung Quốc) tham khảo các chuyên gia, các văn kiện pháp lý và quy định của Trung Quốc, cho hay trường hợp của tướng Trương Dương vẫn sẽ tiếp tục được xử lý.

Quá trình điều tra của Ủy ban kiểm tra kỷ luật thuộc trung ương ĐCSTQ hoặc CMC sẽ không ngừng lại dù quan chức liên quan tử vong trước hoặc trong quá trình điều tra. Theo SMD, tổ chức đảng có thể tiếp tục điều tra mà không cần hủy hồ sơ vụ án, đồng thời có thể áp đặt hình thức kỷ luật. Cái chết của đương sự không đồng nghĩa với miễn trừ truy cứu trách nhiệm về kỷ luật đảng.

Ngày 3/6/2007, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân thành phố Thiên Tân Tống Bình Thuận tự sát, nhưng sau đó Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) vẫn xử lý khai trừ đảng đối với ông này.

Theo quy định trong “Điều lệ xử lý kỷ luật của ĐCSTQ”, đảng viên vi phạm kỷ luật nhưng tử vong trước khi tổ chức đảng đưa ra hình thức xử lý, hoặc sau khi tử vong mới bị phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, thì: Khai trừ đảng tịch trong trường hợp xét cần khai trừ đảng; Ra kết luận văn bản, không xử lý kỷ luật đảng trong các trường hợp xử lý từ lưu lại giám sát tư cách đảng viên trở xuống.

“Kết luận văn bản” được hiểu là một giấy xác nhận quan chức tử vong đã vi phạm kỷ luật đảng. Do đương sự đã chết, các hình thức kỷ luật – gồm lưu lại trong đảng để giám sát, cách các chức vụ trong đảng, cảnh cáo nghiêm khắc, cảnh cáo – không thể thực thi.

Ngừng thủ tục pháp lý, không thể xác định có tội

Đáng chú ý, khi quan chức Trung Quốc đang bị điều tra vi phạm kỷ luật qua đời, hồ sơ điều tra sẽ không được chuyển giao sang cơ quan tư pháp để thực hiện trình tự tố tụng nữa.

Khi đó, các tài sản, lợi ích kinh tế xác định đương sự có được do vi phạm kỷ luật đảng sẽ được tạm giữ, sau đó đem đấu giá theo quy định, hoặc xử lý bằng các hình thức khác và nộp lại kho bạc nhà nước.

SMD cho hay, trong trường hợp Trương Dương, vụ án đang do cơ quan công tố điều tra củng cố bằng chứng, trong khi tòa án chưa đưa ra phán quyết, thì phải hủy án hoặc không khởi tố, hoặc ngừng các phiên xét xử. Bất chấp các bằng chứng đưa ra đủ khả năng buộc tội, đương sự đã chết không thể bị nhận định là có tội.

Nhiều quan điểm cho rằng quan chức tự sát là sẽ “xong chuyện”, bởi truyền thống Trung Quốc tôn trọng người qua đời. Từ góc độ đạo đức và tư duy bất thành văn, các nhà điều tra có thể không sẵn sàng tiếp tục đào sâu các hành vi phạm pháp của đương sự đã tự vẫn.

Trương Dương chết để “bảo vệ” đồng mưu?

Nguồn tin ở Quảng Châu của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nói rằng, có nhiều thông tin trong quân đội Trung Quốc tố Trương Dương từng hối lộ Quách Bá Hùng hơn 25 triệu nhân dân tệ (khoảng 3.7 triệu USD).

Nguồn tin cho hay, nhà của Trương Dương ở Quảng Châu – một khu villa sang trọng, đã bị các thanh tra quân đội lục soát hôm thứ Bảy (25/11) vừa qua. Căn nhà cùng mọi vật dụng bên trong cũng bị niêm phong.

“Cái chết của Trương có thể ảnh hưởng đến các công tác giám sát phòng chống tham nhũng khác, bởi vụ án của ông này có liên quan đến rất nhiều quan chức quân đội khác,” nguồn tin nói. “Có thể ông ta muốn dùng cái chết của mình để bảo vệ những ‘người bạn’ có dính líu đến vụ án”.

Giáo sư Nghê Lạc Hùng, thuộc Viện chiến lược quốc phòng Thượng Hải, Trung Quốc cho biết chức vụ của Trương Dương phụ trách công tác về nhân sự trong quân đội.

“Ông ta có quyền lực lớn,” ông Nghê nói. “Trong hơn 20 năm qua, có bao nhiêu quan chức quân đội cấp cao và cấp thấp đã mua chức? Tôi e rằng con số tiết lộ sẽ gây giật mình nếu tiến hành điều tra toàn diện: Gần như toàn bộ các cấp (của quân đội Trung Quốc) đều bị tác động.”

Trương Dương không phải là tướng lĩnh cấp cao duy nhất của quân đội Trung Quốc chết trong chiến dịch chống tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ cuối năm 2012, sau khi ông Tập lên làm lãnh đạo ĐCSTQ. Cựu Phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu cũng qua đời vì ung thư trong quá trình điều tra, khiến các thủ tục pháp lý với vụ án của ông này bị hủy bỏ sau đó.

SCMP cho hay, có ít nhất 13.000 quan chức quân đội Trung Quốc bị điều tra trong 5 năm qua và bị xử lý với nhiều tội danh như đưa, nhận hối lộ hay mua bán quân hàm, cùng nhiều hình thức tham nhũng khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới