Trung Quốc có thể sắp vượt Mỹ về viện trợ quốc tế. Vậy điều gì có thể giải thích cho việc gia tăng sức mạnh này của Trung Quốc: sự sa sút về viện trợ của Mỹ hay tầm quan trọng ngày càng lớn của chiến lược này đối với Trung Quốc?
Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành nhà tài trợ hàng đầu thế giới về viện trợ phát triển
Điều quan trọng nhất chính là sự gặp gỡ của 2 xu hướng này. Một mặt, Mỹ đã giảm mạnh các khoản tài chính dành cho viện trợ quốc tế kể từ đầu những năm 2000. Thời kỳ của những dự án lớn về viện trợ phát triển, vốn diễn ra khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt thấy rõ tại châu Phi, đã từng bước suy giảm do những chi tiêu lớn dành cho an ninh và các cuộc chiến kể từ năm 2001, và sức mạnh tấn công về kinh tế của Mỹ đã suy giảm rất nhiều, cuộc khủng hoảng năm 2008 chỉ là bề nổi dễ thấy nhất.
So với những năm 1990, Washington đã chứng kiến khả năng tài chính của mình suy giảm và lợi ích của nước này đối với lĩnh vực phát triển trên trường quốc tế cũng giảm theo. Vả lại, có lẽ chính ở điểm này chứ không phải ở cam kết chính trị, có thể đề cập tới một dạng thức của chủ nghĩa biệt lập, dù rằng điều đó vẫn đang được thiết lập.
Mặt khác, năng lực tài chính của Trung Quốc đã tăng đáng kể tính từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có thời điểm tăng trưởng kinh tế và tài chính nước này tăng một cách thần kỳ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Và vì sự tăng trưởng này đã được thực hiện qua sự kết nối chặt chẽ của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới, nên lãnh đạo Trung Quốc đã hoàn toàn hiểu sự cần thiết phải duy trì, ủng hộ sự phát triển phần còn lại của thế giới. Vậy nên, hiện nay Trung Quốc dành những khoản tiền rất lớn cho tất cả các khu vực trên thế giới, vả lại, viện trợ phát triển chỉ là một trong những khía cạnh, bởi vì nó kéo theo các khoản đầu tư trực tiếp được tăng mạnh, các khoản đầu tư tư nhân và nhiều sáng kiến đánh dấu sự hiện diện ngày càng tăng và thường được thể hiện qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Đằng sau sáng kiến này, là một mối quan hệ mới của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, được đề xuất và điều này chỉ làm tăng thời kỳ quá độ về sức mạnh với Mỹ. Nếu như ta lấy ví dụ của châu Phi, sẽ thấy rằng Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi bắt đầu vào năm 2000 là một tấm gương phản chiếu việc Trung Quốc có thể mang lại viện trợ và đầu tư tại châu lục này, nơi mà Mỹ đã hiện diện từ 20 năm nay và đang rút lui.
Về phương diện sức mạnh mềm, sự đảo lộn trật tự này liệu có phải là Trung Quốc đang ở thế đe dọa sự thống trị của Mỹ? Thực ra, tất cả phụ thuộc vào việc định nghĩa mà người ta gán cho sức mạnh mềm, khái niệm do Joseph Nye khởi xướng, tuy nhiên việc phân định nó đôi khi vẫn còn mập mờ, và đặc biệt nó là đối tượng của nhiều sự giải thích khác nhau.
Nếu đây là khả năng của một xã hội ảnh hưởng tới một xã hội khác, dựa trên cơ sở văn hóa và mô hình mà nó thể hiện, thì Mỹ đang giữ một lợi thế so với Trung Quốc, dù rằng Bắc Kinh rõ ràng đang gia tăng sức mạnh từ đầu những năm 2000. Văn hóa đại chúng của Mỹ, lối tư duy xuất phát từ xã hội tiêu dùng và thậm chí trong một số khu vực mà lối sống Mỹ tiếp tục có sức hấp dẫn hơn những khu vực khác, là những công cụ của sức mạnh mềm mà Trung Quốc, mặc dù có những nỗ lực và tiến bộ, vẫn chưa có được. Nếu ta dự kiến ít nhất trong một thế hệ, thì những nhận thức này có thể thay đổi và rất có thể sẽ biến đổi, tuy nhiên trong tình thế hiện nay, sự chênh lệch vẫn còn lớn.
Tuy nhiên, nếu ta xem sức mạnh mềm thiên về năng lực của một quốc gia huy động sức mạnh của mình cho một mục đích nhất định, thì khi đó Trung Quốc đang ở thế mạnh, thật vậy, đó là sự đảo lộn trật tự thế giới. Sức mạnh mềm của Mỹ không phục vụ một dự án kinh tế-chính trị là vì nó phản ánh sự tự do ngôn luận và xác định quan điểm chính trị và xã hội. Chẳng hạn, Hollywood không phải luôn phục vụ Washington, và thậm chí trong một số trường hợp có thể được xác định là một công cụ chống lại chính quyền, như đã xảy ra, đặc biệt là trường hợp trong Chiến tranh Việt Nam hay gần đây hơn là bên lề cuộc chiến Iraq.
Tại Trung Quốc, các nhà cầm quyền đã huy động được những khía cạnh khác nhau về quyền lực mềm của nước này trong nền văn hóa vô cùng phong phú để phục vụ quảng bá Trung Quốc và nền văn hóa nước này. Điều này dường như là một sự “dị dạng” về chính trị, bản chất của chế độ, xét về việc khẳng định sức mạnh mềm, mỉa mai thay lại cho thấy lợi thế thuộc về Bắc Kinh, điều này khiến Nye phải coi rằng Trung Quốc không thực hiện hoàn toàn sức mạnh mềm mà là một phiên bản bị biến đổi từ sức mạnh mềm. Xu hướng này sẽ được khẳng định trong những năm tới hay không hãy để thời gian trả lời.
Những đối thủ có thể làm rối loạn cuộc đọ sức tay đôi này là ai? Đó là những cường quốc châu Á theo bước Bắc Kinh, tìm cách tiếp cận viện trợ phát triển. Và hơn nữa, những chiến lược này là sự đáp trả với việc Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, vốn gây lo sợ cho các nước. Tuy nhiên vốn vấp phải những thách thức lớn về kinh tế, Nhật Bản đang tìm cách củng cố thêm sự hiện diện của mình trên trường quốc tế thông qua viện trợ, bằng cách chủ yếu nhằm vào các nước Đông Nam Á, khu vực mà Tokyo đã hiện diện từ những năm 1960.
Trong khu vực này, người ta tìm thấy các nước có nhu cầu viện trợ lớn và song song với nó, đối với một số nước, họ chứng kiến việc gia tăng sức mạnh của Trung Quốc với sự ngờ vực. Tại những nước khác có nguồn tài nguyên rất lớn và tiềm năng quan trọng như Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành một cuộc chiến thực sự để thu hút nước này. Về phần mình, Ấn Độ cũng tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ tại các nước đang phát triển, bằng cách dựa vào sự năng động của nền kinh tế của họ. Trong bối cảnh này, các cường quốc phương Tây dường như chấp nhận giữ vai trò thứ yếu.