Sunday, October 6, 2024
Trang chủĐàm luậnBình Nhưỡng lại khiến thế giới giật mình!

Bình Nhưỡng lại khiến thế giới giật mình!

Cả thế giới lại giật mình. Ngày 30/11, Triều Tiên  công bố hàng loạt ảnh tên lửa đạn đạo Hwasong-15 (Hỏa Tinh-15) và khẳng định nó có thể bắn tới các mục tiêu ở Mỹ. Những hình ảnh này lập tức được các nhà khoa học tên lửa phương Tây coi là “mỏ vàng” để họ đánh giá tiến bộ chương trình tên lửa Triều Tiên.

Tên lửa Hwasong-15 lớn hơn so với phiên bản Hwasong-14 thử nghiệm 2 lần hồi tháng 7. Trong bức hình cạnh lãnh đạo Kim Jong-un, một người cao khoảng 1mét 70, quả tên lửa mới  này vượt trội về kích thước. Hwasong-15 có thể mang theo một lượng hạt nhân “siêu nặng”, đủ sức vươn tới mọi điểm trên đất Mỹ. Dù vậy, phần mũi chứa bom hạt nhân của tên lửa Hwasong-15 có vẻ hơi lớn.

Theo ông Michael Duitsman, nhà nghiên cứu của Trung Tâm Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở California: “Đây là quả tên lửa rất lớn. Chỉ vài nước có thể sản xuất được tên lửa kích cỡ như vậy và Triều Tiên  đã có mặt trong nhóm các nước này”. Kích thước tên lửa là yếu tố rất quan trọng, nhất là với những quả muốn bắn tới Mỹ vì  phải mang theo rất nhiều nhiêu liệu. Ông Duitsman phỏng đoán quả tên lửa mới có cấu trúc và thiết kế khác hoàn toàn so với các tên lửa trước đây.

Triều Tiên  có vẻ hả hê với thành tựu này, liên tục khẳng định rằng quả tên lửa Hwasong-15 được khai hỏa từ một bệ phóng di động do nước này tự sản xuất. Điều này được chứng minh hùng hồn qua các bức ảnh được đăng tải. Với bệ phóng này, từ nay Bình Nhưỡng sẽ không còn  phụ thuộc việc mua nó từ các quốc gia láng giềng, cụ thể là Trung Quốc.

 Phần mũi trên lửa Hwasong-15 chứa nhiên liệu hạt nhân càng nặng thì tên lửa bay càng ngắn. Michael Elleman, chuyên gia tên lửa hàng đầu thế giới, dự đoán rằng quả tên lửa này muốn có tầm bắn 13.000 km thì phần đầu nổ chỉ được nặng 350 kg.  Trọng lượng hạt nhân này được xem là quá sức với Triều Tiên  khi phần nổ của Bình Nhưỡng sản xuất vẫn còn khá lớn.

Việc Triều Tiên  có thể sản xuất và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân xuống dưới 500 kg hay không vẫn là câu hỏi. “Quả bom hạt nhân của ông Kim phải nhẹ hơn 350 kg nếu muốn bắn tới mọi điểm ở Mỹ”, Elleman cho hay. “Nếu đầu đạn nặng 600 kg thì nó chỉ bay tới thành phố Seattle”.

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói: Vụ việc “khiến tình hình ngày càng gần chiến tranh hơn. Chúng tôi chưa từng muốn chiến tranh với Triều Tiên và bây giờ Mỹ vẫn không hề mong muốn như vậy”.

Bà lo ngại: “Nếu chiến sự phải xảy ra thì đó là do hành động khiêu khích liên tục như điều chúng ta vừa thấy hôm qua. Và không nhầm lẫn gì nữa, chế độ Triều Tiên sẽ bị hủy diệt hoàn toàn”.

Đây cũng  là tuyên bố mới nhất của đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất, đủ sức đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm ngắm. Đại sứ Haley đề nghị Trung Quốc cắt đứt toàn bộ nguồn cung dầu cho Triều Tiên; đồng thời đề nghị tất cả các nước cùng ngưng quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un sau khi giám sát vụ phóng thành công tên lửa Hwasong-15 đã   “tự hào tuyên bố rằng giờ đây chúng ta cuối cùng đã hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hình thành hoàn chỉnh lực lượng hạt nhân quốc gia”, – Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho hay.

Bình luận về việc Triều Tiên phóng tên lửa, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, giáo sư Đại học quốc gia St Petersburg Vladimir Kolotov cho rằng, trước hết, chính sách của Hoa Kỳ đối với Bình Nhưỡng đã đẩy Triều Tiên đến các cuộc thử nghiệm như thế. Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo Hwaseong-15 mới, nó có khả năng bắn tới hầu hết bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Vì vậy, tất nhiên là phải có các phản ứng từ phía Mỹ và các đồng minh.

Các đồng minh của Mỹ – cả Hàn Quốc và Nhật Bản – đã yêu cầu tổ chức Hội nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhưng vấn đề là ở chỗ: bất kể có bao nhiêu hội đồng được triệu tập, mà phương pháp tiếp cận không thay đổi, thì những bế tắc cũng không được giải quyết.

“Những diễn biến tình hình cho thấy rằng Hoa Kỳ đã “thua cháy túi” về mặt ngoại giao. Bởi vì, chính sách đe dọa, trừng phạt, và lật đổ chế độ trên toàn thế giới ngày càng khiến họ đi vào ngõ cụt. Và các nước nhìn ra, rằng chế tài duy nhất mà Hoa Kỳ hiểu, và chính họ cũng đang chủ yếu sử dụng – đó là chế độ đe nẹt và dọa dẫm” – ông Vladimir Kolotov nhận định trên Sputnik.

Theo ông, sự phát triển tình hình tiếp theo phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ có xem xét lại chính sách đối với Bình Nhưỡng hay không. Ông V.Kolotov nói: “Các quan chức Triều Tiên đã tuyên bố rằng các vũ khí này không phải là mối đe dọa đối với bất cứ ai, mục đích duy nhất mà chúng có thể được sử dụng là để trả đũa lại các nước đang cố gắng gây tổn hại cho Triều Tiên. Theo đó, nếu Hoa Kỳ từ bỏ nỗ lực lật đổ chế độ, thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra hết”.

Trước đó, Nga và Trung Quốc đã đề nghị Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa, còn phía Hàn Quốc và Hoa Kỳ – nên tránh tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực để ổn định tình hình trên bán đảo, nhưng Washington đã bỏ qua sáng kiến này.

Còn thượng nghị sĩ Mỹ Lindsay Graham cảnh báo, thế giới ngày càng khó tránh khỏi  Chiến tranh thế giới thứ 3 (!) Ông Graham cho rằng chiến tranh nổ ra “nếu mọi thứ không thay đổi”, nhấn mạnh rằng “rất nhiều người sẽ thương vong. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga kêu gọi các bên kiềm chế, hướng đến mục tiêu ngồi vào bàn đàm phán. “Tôi hy vọng họ hiểu rằng nếu phải lựa chọn giữa việc hủy diệt Triều Tiên và lãnh thổ Mỹ, ông Trump sẽ chọn phá hủy Triều Tiên. Tôi cũng hy vọng Trung Quốc hiểu điều đó”, ông Graham nói.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, một khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, hàng triệu người sẽ thiệt mạng, chủ yếu là ở bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới