Monday, January 6, 2025
Trang chủĐàm luậnCơ chế hợp tác mới để kiềm chế TQ?

Cơ chế hợp tác mới để kiềm chế TQ?

Phó Thủ tướng Úc Julie Bishop đã đánh tín hiệu về việc Canberra có thể khôi phục lại “kế hoạch nhạy cảm”: hợp tác an ninh và ngoại giao với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đồng thời coi đó là một chiến lược cần thiết để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Gần đây, bà Bishop đã thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono về triển vọng thiết lập các cuộc họp bốn bên chính thức, còn được gọi là “Đối thoại Tứ giác” và cách thức để khuyến khích sự tham gia của Ấn Độ. Theo bà Bishop, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác đã cam kết đảm bảo rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là một khu vực hòa bình và ổn định. Bà nói: “Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm củng cố các thỏa thuận hợp tác và tối đa hóa cơ hội của các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (trong đó luật pháp quốc tế và trật tự dựa luật lệ phải được tôn trọng) để các nước có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng”.

Việc nhắc đến trật tự dựa luật lệ có ý ám chỉ Trung Quốc vốn thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích về những hành động chiếm đóng và xây dựng trái phép các thực thể ở Biển Đông và sử dụng chúng để thiết lập quyền kiểm soát trên biển – điều vốn không được luật pháp quốc tế công nhận. Ý tưởng “tứ giác” là rất nhạy cảm bởi Trung Quốc luôn coi đó là một chiến lược để kiềm chế họ về an ninh, kinh tế và ngoại giao. Trước đây, chính phủ của ông John Howard đã đồng ý tham gia nhưng người kế nhiệm sau đó là Kevin Rudd đã đột ngột rút khỏi ý tưởng này vào năm 2008 vì sợ làm “mất lòng” Bắc Kinh.

Dự kiến Thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào tuần tới. Hai nhà lãnh đạo Úc và Mỹ có thể sẽ thảo luận vấn đề này cùng với các chủ đề quan trọng khác như chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á.

Nhật Bản, là quốc gia nhiệt tình nhất trong bốn nước, đã thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng hình thành hệ thống an ninh tứ giác trước khi ông Shinzo Abe tái đắc cử thủ tướng. Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono nói rằng Tokyo muốn bốn quốc gia này làm việc chặt chẽ với nhau để thúc đẩy hợp tác an ninh-quốc phòng và tự do thương mại trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm đối phó với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh vốn đang góp phần tăng cường ảnh hưởng cho Trung Quốc thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại và an ninh.

Mỹ gần đây bày tỏ sự nhiệt tình về kế hoạch thiết lập hệ thống an ninh tứ giác. Tuần trước, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ Alice Wells nhấn mạnh rằng hợp tác quân sự và kinh tế giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã rất hiệu quả và “rõ ràng Úc sẽ là một đối tác tự nhiên trong nỗ lực này”. Bà Alice Wells nói: “Chúng tôi đang hướng tới một cuộc họp tứ giác ở cấp làm việc trong tương lai gần. Tôi nghĩ rất nhiều về ý tưởng này, làm thế nào chúng ta có thể quy tụ các nước chia sẻ những giá trị tương đồng để củng cố những giá trị này trong cấu trúc toàn cầu?”. Trong khi đó, Ấn Độ được cho là có thái độ thận trọng hơn. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông của nước này đưa tin chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang cân nhắc về ý tưởng này. Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đã thảo luận vấn đề này bên lề một cuộc họp gần đây, đồng thời kêu gọi Ấn Độ ủng hộ ý tưởng này.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến 5 quốc gia châu Á sẽ bắt đầu với chặng dừng chân ở Nhật Bản và kết thúc là Philippines. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ rằng thông điệp của ông Trump trong chuyến công du này có thể sẽ là “ủng hộ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực phù hợp với sự cạnh tranh thị trường, tính minh bạch và tiêu chuẩn cao về quản trị tốt”.

RELATED ARTICLES

Tin mới