Monday, January 6, 2025
Trang chủĐàm luậnGiấc mơ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” đối trọng “Giấc mộng Trung Hoa”

Giấc mơ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” đối trọng “Giấc mộng Trung Hoa”

Tổng thống Trump vừa thả ra “quả bóng” để thăm dò các bên tại Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng. Vào buổi chiều ngày 10/11, câu đầu tiên trong bài diễn văn trình bày tại APEC CEO Summit 2017 ông Trump đã nói: “Tôi đến đây, tại Việt Nam – ngay giữa trung tâm Ấn Độ-Thái Bình Dương để phát biểu trước người dân và các vị lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực này”.

Như vậy là, Trump đã công bố học thuyết “hậu xoay trục” của mình: nước Mỹ sẽ thiết lập cấu trúc an ninh mới, đó là an ninh “INDIO-PACFIC”. Giấc mơ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” là nhằm để đối trọng lại “Giấc mộng Trung Hoa” với dự án trung tâm “Vành đai con đường” mà ý đồ không che đậy là ôm trọn “thiên hạ” về mình.

Nhưng cũng có quan điểm khác. Quan điểm này cho rằng: Mặc dù Tổng thống Mỹ đưa ra một tầm nhìn mới về một vùng “Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do, rộng mở”, nhưng tầm nhìn ấy cũng mới chỉ là phác họa. Khái niệm ấy chưa rõ những nội hàm về thương mại, kinh tế, nhất là tình hình an ninh khu vực, phản ứng của các bên liên quan như thế nào.

Gần đây những chuyển động địa-chính trị phản ánh qua sáng kiến “Indo-Pacific” tại khu vực, phần nào cho thấy vai trò chiến lược của Nhật Bản nói chung và Thủ tướng Shinzo Abe nói riêng. Phát biểu trước quốc hội Ấn Độ vào năm 2007, ông Abe đã đề cập “một châu Á rộng lớn hơn” với sự hội tụ của hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Khu vực rộng lớn mà ông mong muốn bao gồm cả Mỹ và Úc, sẽ là mạng lưới cởi mở và minh bạch, cho phép người dân, dòng vốn, hàng hóa và tri thức lưu thông trong một khuôn khổ tự do và thịnh vượng cùng với vành đai bên ngoài lục địa Á-Âu. Ý tưởng lúc đó vẫn chưa được định hình và phải đến 5 năm sau, khi trở lại vị trí đứng đầu chính phủ, ông Abe mới nêu rõ kế hoạch về một “Liên minh kim cương” hay “Tứ giác an ninh dân chủ châu Á” để làm nền tảng cho chiến lược của mình. “Liên minh kim cương” gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Úc, nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong một bài báo trên Global Times mới đây, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo các nước không nên tham gia vào cái tập hợp lực lượng mới ấy để kiềm chế Trung Quốc. Qua những phản ứng này, giấc mơ “Indio-Pacific” chắc chắn không phải là một thuật ngữ địa lý đơn giản. Cho đến nay, mặc dù chính quyền Trump chưa đưa ra một đường hướng chiến lược bao trùm nào, nhưng chỉ qua bài phát biểu của Trump tại APEC 25, giấc mơ ấy nêu bật lên vấn đề chủ quyền, quan hệ tương hỗ về kinh tế, an ninh khu vực và đề cao ý thức độc lập với lời kêu gọi các quốc gia hãy vươn lên thoát khỏi tình trạng nghèo đói, phụ thuộc.

Ở một mức độ khiêm tốn, việc “tái khởi động” sáng kiến “Bộ tứ” (Ấn-Nhật-Úc và Mỹ) bên lề Hội nghị Cấp cấp Đông Á (EAS) sau gần một thập niên cơ chế này không hoạt động, đã có những tiếng vang nhất định. “Indo-Pacific” ra đời cách đây 10 năm, nhưng thời bấy giờ do thiên thời, địa lợi chưa thuận, nên mọi chuyện tạm gác lại. Năm nay, khu vực đang căng lên như dây đàn, Hoa Đông-Biển Đông, đặc biệt là căng thẳng biên giới Trung-Ấn vừa qua… tất cả đang khuấy khu vực nóng lên một cách đáng lo ngại nên các nước phải tính toán lại. Dường như đã bắt đầu hình thành một không gian mới cho sự hợp tác chiến lược giữa các nước trong bối cảnh sự can dự của Mỹ giảm dần.

Trang Times of India mới đây cho biết Trung Quốc lo ngại Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc muốn thông qua việc tổ chức đối thoại chiến lược 4 bên để cùng hợp tác làm suy giảm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Dư luận quốc tế đã có những quan tâm ban đầu về vai trò của ASEAN trong “Bộ tứ”. Trước mắt, ASEAN chắc chắn còn giữ khoảng cách đối với “Bộ tứ”. Nếu tính cả ASEAN, Bộ Tứ có thể thành “Ngũ hổ”. Những ngày ấy chắc còn xa. ASEAN đang tan đàn xẻ nghe vì chính sách “chia để trị” của Trung Quốc.

Hãy xem điều gì đang xẩy ra ở Campuchia, đang xẩy ra với quan điểm của Campuchia và Lào về Biển Đông?. Đấy là hai người anh em vẫn được coi là “kề vai sát cánh” với Việt Nam trong công cuộc gây dựng nền độc lập, chống lại diệt chủng và các thế lực ngoại bang. Chưa nói tới Philippines của Tổng thống Duterte sau khi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, thì nay cũng đã hoàn toàn quay lưng lại trong đấu tranh chống lại hành động xây cất, mở rộng trái phép và quân sự hóa cao độ các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam sẽ phải tính toán lại nhiều thứ, phải tỉnh táo để chống lại nhiều sự nhiễu loạn khác. Việt Nam đang bị “bao vây chiến lược”. Từ cách đây hai năm, đã có những cảnh báo về tình thế “tứ bề thọ địch” của quốc gia. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng phát biểu công khai: “Môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta”.

Nhận thức như vậy là tương đối thống nhất giữa các “lề”. Đấy là chưa nói nếu theo dõi các cuộc chất vấn tại Quốc hội Việt Nam và các tranh luận trên mạng xã hội… rất nhiều vấn đề nóng đang được đặt ra cho chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương” là một vấn đề hệ trọng, nhất là trong khi học thuyết an ninh của Việt Nam vẫn là “Ba không”, nhưng lại “muốn làm bạn với tất cả…”. Hóa giải nghịch lý là cái khôn của Hà Nội.

Có thể nói, đằng sau ý tưởng liên kết 4 bên là tạo dựng cuộc chơi địa-chính trị mới, rộng lớn hơn nhằm bảo toàn và thực hiện tốt hơn những lợi ích chiến lược mà cả 4 nước đang hướng đến. Nhiều khả năng, một mạng lưới gồm nhiều sáng kiến hợp tác an ninh song phương và đa phương sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần. Một “bàn cờ mới” ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang được sắp xếp lại.

Sắp tới một cán cân chiến lược mới sẽ nổi lên nhằm định hình và định hướng nhiều vấn đề chính trị và kinh tế của một khu vực rộng lớn. Đương nhiên, mức độ tác động và ảnh hưởng của mối liên kết này đến đâu còn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong thời gian tới.

Chưa biết có phải là để hưởng ứng “Indo-Pacific” hay không, nhưng mới đây Việt Nam đã công khai ba việc mà cách đây một vài năm ít ai có thể hình dung được. Thứ nhất, về kinh tế, ký hợp đồng 12 tỷ USD mua sản phẩm của Mỹ; thứ hai, về quân sự, hoan nghênh hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên tới Cam Ranh của Việt Nam trong năm 2018 và khẳng định kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ trong giai đoạn 2018-2020; thứ ba, về chính trị, ngoại giao, đã chủ động dàn xếp mời Trump ra Hà Nội, thăm cấp nhà nước, mở quốc yến, họp báo trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, ra Tuyên bố chung một ngày trước khi ông Tập cũng từ Đà Nẵng tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới