Nếu Mỹ tiến hành “phong tỏa trên biển”, Triều Tiên sẽ mất hết các tuyến đường biển và chỉ có thể giao dịch thông qua đường bộ với Hàn Quốc hoặc Trung Quốc.
Tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong cuộc tập trận chung gia hồi tháng 10/2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tờ DongA Ilbo (Hàn Quốc) ngày 1/12 cho biết, ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-15, Nhà Trắng đã quyết định cử gấp ba số chiến đấu cơ tàng hình F-35 đến Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung quy mô lớn diễn ra từ ngày 4-8/12.
Ngoài ra, theo tờ này, tình báo Mỹ và các nước đồng minh (Anh, Úc, Canada và New Zealand) cũng dự định tích cực triển khai máy bay săn ngầm để ngăn chặn tuyến đường thương mại trên biển của Triều Tiên. Đồng thời, hình thức “phong tỏa trên biển” đối với Triều Tiên cũng được Washington nhắc tới.
Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), trước lựa chọn “phong tỏa Triều Tiên trên biển”, một số ý kiến cho rằng, đây là động thái gây áp lực cho Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh nhượng bộ về vấn đề ngừng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.
Ông Đát Chí Cương, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Hắc Long Giang, Trung Quốc nhận định, nếu Mỹ tiến hành phong tỏa trên biển, Triều Tiên sẽ mất tất cả các tuyến đường biển, chỉ có thể thông qua giao dịch đường bộ với Hàn Quốc hoặc Trung Quốc.
“Hàn Quốc không thể thực hiện bất cứ giao dịch nào với Triều Tiên, vậy nên khi đó, mọi mũi dùi và trách nhiệm đều dồn lên Trung Quốc. Chính sách phong tỏa trên biển là mối đe dọa lớn đối với tình hình an ninh khu vực, cũng có thể kích thích sự trả đũa của Bình Nhưỡng”, học giả Trung Quốc nói.
Một bộ phận ý kiến khác cho rằng, Triều Tiên có đường bờ biển dài ở cả phía Đông và phía Tây nhưng tỉ trọng giao thương bằng đường biển của nước này thấp nên chính sách phong tỏa đường biển của Mỹ sẽ không ảnh hưởng lớn đến Bình Nhưỡng.
“Mỹ có khả năng mượn chính sách phong tỏa trên biển làm con bài mặc cả trong đàm phán với Trung Quốc. Ví dụ, khi đề xuất của Mỹ tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bị Trung-Nga phản đối. Nhà Trắng sẽ mượn cơ hội này để gây áp lực, yêu cầu Bắc Kinh cắt đứt đường ống dẫn dầu tới Bình Nhưỡng”, Hoàn cầu dẫn lời giới quan sát bình luận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo ngày 1/12 cho biết, nước này sẽ tham gia phong tỏa nếu nhận được đề xuất của Mỹ.