Sunday, January 5, 2025
Trang chủĐàm luận"Tiếng sấm" sau 2 tháng im lặng, Triều Tiên "cân não" cả...

“Tiếng sấm” sau 2 tháng im lặng, Triều Tiên “cân não” cả TQ, Hoa Kỳ

Tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và tính toán của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un đã đẩy 2 nước lớn đối mặt với tình huống “trạng chết, chúa cũng băng hà”.

Ngày 29/11 hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, 3 giờ sáng nay giờ Bình Nhưỡng, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.

Tên lửa được phóng đi từ tỉnh Nam Pyeongan phía Đông bán đảo. Quả tên lửa này phóng đến độ cao 4.500 km, tầm bắn khoảng 960 km và rơi xuống vùng biển Nhật Bản phía Bắc đảo Honshu.

“Tiếng sấm” sau hơn 2 tháng im lặng

Lần phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên diễn ra ngày 15/9, cách nay 75 ngày. Quả tên lửa được phóng là Hwasong-12, độ cao 770 km và tầm bắn 3.700 km. [1]

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phản ứng một cách thận trọng hơn về vụ thử tên lửa lần này với câu nói: “Chúng tôi sẽ xử lý tình huống này”.

Còn người đứng đầu Lầu Năm Góc, tướng James Mattis không giấu nổi sự lo lắng về bước tiến trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên.

The New York Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết:

“Quả tên lửa này đã bay cao hơn, thực sự hơn bất kỳ quả tên lửa nào họ đã phóng trước đó.

Điểm mấu chốt là, đây chính là một nỗ lực liên tục để phát triển mối đe dọa tên lửa đạn đạo gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới, hòa bình khu vực, và chắc chắn với cả Hoa Kỳ”. [2]

Ngày 3/9 năm nay, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, động thái dẫn đến việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới.

Trong 3 tháng sau đó, ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã nhiều lần “lời qua tiếng lại” với những lời lẽ không được nhã nhặn gì.

Tuy nhiên kể từ vụ phóng tên lửa hôm 15/9, Bình Nhưỡng đã im lặng về kế hoạch thử tên lửa. 

Vụ phóng tên lửa sáng sớm hôm nay cũng không được báo trước. Uy lực của quả tên lửa này đã vượt xa rất nhiều những quả tên lửa Triều Tiên từng phóng.

Kim Jong-un “cân não” Donald Trump và Tập Cận Bình

Có thể xem vụ phóng tên lửa sáng sớm hôm nay là màn đáp trả của Bình Nhưỡng với quyết định của ông chủ Nhà Trắng về việc đưa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên vào cái Mỹ gọi là “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”.

Sự lo lắng về bước tiến trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên mà Bộ trưởng James Mattis bày tỏ cho thấy, chính sách gây áp lực của Nhà Trắng với Bình Nhưỡng không chỉ mang áp lực đến cho Bình Nhưỡng.

Hình phác họa chân dung nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nguồn: SCMP.com

Không chỉ ông James Mattis lo, mà Thượng nghị sĩ Lindsey Graham bang Nam Carolina cũng tính đến phương án chiến tranh.

Hôm nay ông nói với đài CNN:

“Nếu chúng ta (Hoa Kỳ) phải đi đến chiến tranh để ngăn chặn điều này, chúng ta sẽ làm. Nếu một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên xảy ra, thì đó là vì Bình Nhưỡng gây ra.

Chúng ta đang hướng đến một cuộc chiến tranh, nếu mọi thứ không thay đổi.

Tôi không muốn chiến tranh. Ông ấy (Donald Trump) cũng không muốn chiến tranh.

Nhưng chúng tôi sẽ không để cho ‘gã khùng’ ở Bắc Triều Tiên có khả năng đe dọa quê hương mình.

Ông ấy (Donald Trump) đã sẵn sàng, nếu cần thiết sẽ tiêu diệt chế độ này để bảo vệ nước Mỹ. 

Và tôi hy vọng chính quyền hiểu rằng, nếu Tổng thống Donald Trump phải lựa chọn giữa hủy diệt chế độ Bắc Triều Tiên hay quê hương Mỹ, ông ấy sẽ tiêu diệt chế độ này.

Tôi hy vọng Trung Quốc cũng hiểu được điều này.”

Đồng thời vụ phóng tên lửa sáng nay của Bình Nhưỡng cũng có thể mang một thông điệp cứng rắn với nước láng giềng Trung Quốc.

Động thái này có thể xem như phản ứng với Bắc Kinh sau khi Trung Quốc đồng ý tham gia các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Triều Tiên.

Quan hệ Trung – Triều đang có những dấu hiệu gia tăng căng thẳng, cho dù về mặt ngoại giao ông Kim Jong-un vẫn gửi điện mừng đến ông Tập Cận Bình nhân dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội 19.

Mấy chỉ dấu về quan hệ Trung – Triều có thể cho thấy sự căng thẳng này:

Thứ nhất là tuần qua lực lượng biên phòng Hắc Long Giang phụ trách khu vực biên giới với Triều Tiên đã tổ chức cuộc tập trận ở căn cứ Chu Nhật Hòa, Nội Mông.

Thứ hai là cầu Hữu Nghị bắc qua sông Áp Lục – biên giới tự nhiên giữa hai nước Trung – Triều “đóng cửa” bảo trì đúng thời gian này.

Thứ ba là sau Đại hội 19, ông Tập Cận Bình có cử Trưởng ban Liên lạc đối ngoại trung ương Tống Đào làm đặc sứ sang Bình Nhưỡng. 

Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị kiêm Bí thư Trung ương đảng Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae (trái) tiếp Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào, ảnh: AP.

Tuy nhiên ông Kim Jong-un đã không dành cho vị đặc sứ từ Bắc Kinh một cuộc tiếp kiến / chào xã giao nào. Đây là điều “không bình thường” trong quan hệ giữa 2 Đảng, 2 nước.

Thứ tư, dường như Bắc Kinh không nắm bắt được ý định thực sự của Bình Nhưỡng. Bởi ngày 24/11 Ngoại trưởng Vương Nghị còn đưa ra nhận định:

“Sau những thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây về cơ bản giữ được sự ổn định.

Không có sự cố nào nghiêm trọng ngoài dự đoán nảy sinh, khiến dư luận cũng yên tâm phần nào. Tới đây, cục diện bán đảo Triều Tiên có thể diễn biến theo 3 hướng:

Một là hướng tích cực, các bên củng cố cục diện ổn định hiện có và tiến thêm một bước khôi phục đàm phán.

Hai là duy trì sự ổn định hiện nay, các bên tiếp tục kiềm chế, không gây thêm vấn đề mới để giảm bớt chỉ trích, tích lũy lòng tin.

Ba là các bên đương sự chủ yếu quay trở lại thế đối đầu, không ai nhường ai, ăn miếng trả miếng làm cho cục diện trở nên căng thẳng hơn.” [4]

Triều Tiên vẫn đang làm chủ tình thế

Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho thấy, khoảng thời gian 2 tháng qua Bắc Kinh xem là “thời kỳ ổn định” và khiến dư luận (Trung Quốc) yên tâm phần nào, đã giúp Bắc Triều Tiên củng cố lực lượng.

Tất cả các hành động phô trương sức mạnh quân sự trên bán đảo Triều Tiên của Hoa Kỳ và đồng minh, với Bình Nhưỡng có lẽ đã trở thành chuyện cơm bữa.

Cái khiến Triều Tiên phải lo ngại thực sự là khả năng tấn công từ Hoa Kỳ, thì luôn bị Trung Quốc kiềm chế và công khai tuyên bố chống lại, vì an ninh của chính Trung Quốc, chứ chưa hẳn vì láng giềng.

Liên quân Mỹ – Hàn tập trận đã trở thành chuyện cơm bữa trên bán đảo Triều Tiên, ảnh: theaustralian.com.au.

Đây chính là cơ hội cho ông Kim Jong-un trong việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo để chiếm thế thượng phong khi ngồi vào bàn đàm phán.

Chúng tôi tin rằng, chỉ khi nào đạt được sự cân bằng hạt nhân buộc Hoa Kỳ phải đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, khi đó Bình Nhưỡng mới nghĩ đến chuyện dừng chương trình của họ.

Vấn đề nằm ở chỗ, cho dù có “dừng lại”, thì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo vẫn có thể phục hoạt bất kỳ lúc nào, chứ không có nghĩa Bình Nhưỡng “tự phế võ công”.

Quyết định vận mệnh cục diện bán đảo Triều Tiên nằm trong tay 3 người đàn ông: Kim Jong-un, Donald Trump và Tập Cận Bình. 

Nhưng quyền lực tuyệt đối để có thể đi đến một quyết định đơn phương khi căng thẳng trượt khỏi tầm kiểm soát, dường như ông Kim Jong-un ở vị thế thuận lợi hơn cả.

Cá tính của 3 nhà lãnh đạo sẽ đóng vai trò lớn trong xu hướng diễn biến cục diện bán đảo Triều Tiên, nhất là ông Kim Jong-un.

Triều Tiên không sợ Mỹ, và cũng chẳng ngại gì Trung Quốc từ thời ông Kim Nhật Thành. Trung Quốc mang quân sang “giúp Triều Tiên đánh Mỹ”, nhưng không có nghĩa là Triều Tiên “nghe theo” Trung Quốc.

Điều này càng được thể hiện rõ rệt hơn kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, cho dù tuổi đời còn rất trẻ.

Về phía Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như phần còn lại của thế giới, thực sự không đóng vai trò gì nhiều hay nổi bật, cho dù chỉ 6 phút sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Hàn Quốc cũng tập trận bắn tên lửa.

Hiện tại dường như tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và tính toán của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un đã đẩy 2 nước lớn đối mặt với tình huống “trạng chết, chúa cũng băng hà”.

Rõ ràng Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có nhiều cái để mất nếu để xảy ra chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bởi già néo dễ đứt dây, khi lịch sử nhân loại đã cho thấy bài học:

Những cuộc chiến tranh lớn có thể bắt nguồn từ quyết định của 1 cá nhân hay từ 1 sự cố nhỏ, và 1 que diêm có thể thiêu trụi cả cánh rừng.

RELATED ARTICLES

Tin mới