“Gót chân Asin” của không quân Trung Quốc được xác định là thiếu kinh nghiệm thực tế trong cả môi trường chiến đấu và hoạt động xa biên giới.
Theo tạp chí Diplomat, xét về hiện tại, không quân Trung Quốc hoàn toàn có đủ năng lực để làm công tác quốc phòng trong khu vực. Nhưng một khi lợi ích và trách nhiệm của Trung Quốc ngày càng gia tăng, lực lượng không quân cần chú trọng nâng cao năng lực để có thể điều động nhân sự và máy bay hoạt động ở những khu vực cách xa biên giới lãnh thổ trong thời gian dài.
Mới đây, bản báo cáo của công ty nghiên cứu RAND chỉ ra rằng, dù không quân Trung Quốc đã tăng cường tiến hành các cuộc diễn tập điều động lực lượng tới những khu vực xa xôi dài ngày, nhưng năng lực vẫn còn hạn chế và đứng sau không quân Mỹ cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác.
Trên thực tế, năng lực viễn chinh của không quân Trung Quốc đã ghi nhận một số điểm cải thiện. Trước hết, Trung Quốc đã đưa các máy bay vận tải hạng nặng thế hệ mới vào biên chế. Động thái này nhằm hỗ trợ hoạt động vận chuyển thiết bị quân sự và binh sĩ phục vụ các chiến dịch dài ngày và tầm xa. Thứ hai, Trung Quốc đã từng bước tăng cường tham gia các cuộc tập trận và diễu binh mang tầm quốc tế. Thứ ba, Trung Quốc đã nhận thức được những điểm yếu kém của lực lượng không quân trong hoạt động cứu trợ nhân đạo trong nước và từng bước khắc phục.
Trái với sự thiếu thực tế của không quân Trung Quốc, không quân Mỹ đã có gần 100 năm trải nghiệm hoạt động điều động sức mạnh quân sự ở nước ngoài nếu như tính cả cuộc xâm lược của Mỹ ở Philippines và trong Thế chiến thứ Nhất. Còn kể từ Thế chiến thứ Hai, không quân Mỹ thường xuyên điều động lực lượng tới những căn cứ không quân nằm trên khắp thế giới nhằm duy trì năng lực phòng thủ hạt nhân, tham gia các cuộc chiến có giới hạn và tiến hành chống khủng bố.
Theo RAND, hiện tại, Trung Quốc chưa đủ năng lực để thực hiện các chiến dịch như trên giống Mỹ kể cả chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, hoạt động bán thiết bị quân sự của Trung Quốc có thể giúp không quân nước này phần nào cải thiện khả năng viễn chinh. Cụ thể, các chương trình chuyển giao thiết bị quân sự nhất là các loại vũ khí tối tân sẽ đòi hỏi Trung Quốc điều động nhân lực tới nước bạn để tham gia hoạt động đào tạo, hướng dẫn sử dụng và bảo dưỡng. Đây chính là cơ hội để binh sĩ Trung Quốc tăng cường tích lũy kinh nghiệm trong quá trình trao đổi với các sĩ quan, cũng như tới thăm các căn cứ quân sự của đối tác nước ngoài.
Nhưng trong bối cảnh, lợi ích kinh tế của Trung Quốc ngày càng mở rộng trên thế giới, người dân cũng như tài sản của Trung Quốc càng đứng trước nguy cơ bị chiến tranh, bệnh tật và nhiều mối đe dọa khác rình rập. Đây chính là lý do buộc Trung Quốc tăng cường năng lực cho lực lượng không quân để không chỉ phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo mà còn là công cụ hữu hiệu xử lý các tình huống mang tính chính trị.
Hiện tại, không quân Trung Quốc đang sở hữu hơn 3.000 máy bay quân sự các loại và gần 400.000 binh sĩ. Dù được xem là một trong những lực lượng không quân lớn nhất thế giới, song khả năng tác chiến của không quân Trung Quốc vẫn bị giới hạn.
Trong tổng số hơn 3.000 máy bay quân sự, không quân Trung Quốc có tới hơn 2/3 là máy bay chiến đấu như J-10, J-7, J-11, Su-27, Su-30 và Su-35.
Trong đó, xương sống của các phi đội chiến đấu cơ chỉ có J-10 với khả năng mỗi chiếc mang theo tối đa 7 tấn vũ khí nhưng phạm vi chiến đấu chỉ trong bán kính hơn 500 km. Nói cách khác, J-10 chỉ thể hoạt động hiệu quả trong và ra xa hơn chuỗi đảo thứ nhất một chút song khó có thể tiếp cận chuỗi đảo thứ hai nếu như không được tiếp vận trên không.
Bên cạnh đó, không quân Trung Quốc vẫn thiếu hụt các loại máy bay ném bom tầm xa khi mới chỉ sở hữu một dòng máy bay ném bom tầm xa duy nhất là H-6. Tuy nhiên, phạm vi chiến đấu hiệu quả của H-6 cũng chỉ khoảng 6.000 km.