Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhập khẩu điện từ Lào: Bài toán về lợi ích đôi bên...

Nhập khẩu điện từ Lào: Bài toán về lợi ích đôi bên…

Việt Nam sẽ phải chia sẻ với Lào về kinh tế, tài nguyên, mục tiêu là giúp Lào có nguồn thu nhập, nhưng không phải từ thủy điện.

Liên quan đến đề xuất của Nhóm Sáng kiến Kết nối Mekong về việc Việt Nam nên trở thành nhà nhập khẩu điện chính từ Lào bởi nếu không, Việt Nam buộc phải xây thêm các nhà máy nhiệt điện than, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết đây là vấn đề tế nhị nhưng Việt Nam nên cân nhắc đề xuất này với một chiến lược làm sao đem lại lợi ích cho cả hai bên. 

Ông khẳng định, về mặt luật pháp quốc tế, Việt Nam không có quyền ngăn cản Lào xây dựng thủy điện và nếu Việt Nam không mua điện của Lào thì nước này cũng vẫn xây dựng thủy điện, bán cho các nước láng giềng khác, như Thái Lan.

“Việt Nam đang cần thêm điện trong khi Lào đang cần bán để có kinh tế. Nhưng việc Lào bán điện lại dựa trên các thủy điện trên sông Mekong mà thủy điện trên sông Mekong lại đang gây rất nhiều khó khăn cho vùng hạ du.

Việt Nam đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này với Lào. Lào khẳng định họ cần phát triển thủy điện để có nguồn thu nhập, còn Việt Nam muốn làm sao tất cả sự vận hành của thủy điện ấy không cản trở hạ du, ví dụ ngăn chặn các luồng cá di cư, chất bồi tích không xuống được hạ du làm mất chất phù sa nuôi cá, tưới cây…Do đó, Việt Nam cần bàn kỹ với Lào rằng Việt Nam có thể giúp Lào nhưng làm sao không gây trở ngại cho phần hạ du của Việt Nam”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là làm sao đất nước Lào có một nền kinh tế tăng trưởng và còn có một nguồn khác ngoài thủy điện mà Việt Nam có thể giúp Lào.

“Do việc Lào phát triển thủy điện ảnh hưởng đến Việt Nam nên Việt Nam sẽ phải cùng tham gia gánh chịu, tức Việt Nam phải chia sẻ với Lào về kinh tế, tài nguyên. Ví dụ, hai bên cùng liên kết với nhau để sản xuất, khai thác và trao đổi về lâm nghiệp, chế biến nông sản. Việt Nam cử cán bộ sang cùng làm với người dân Lào, rồi tiêu thụ một số nông sản, sản phẩm cho Lào.

Như vậy, Việt Nam có thể đóng góp cho Lào để nước bạn tăng thu nhập, không phải trông duy nhất vào nguồn điện năng.

Khi trao đổi, nhập khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản… từ Lào, Việt Nam cũng đỡ phải đi mua của nước khác, cả hai bên cùng có lợi”, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đề xuất.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết, trên thực tế, lãnh đạo Việt Nam cũng đã bàn với Lào chuyện phát triển cho nước bạn những nguồn nói trên để giảm cho Lào gánh nặng về bán điện.

Hiện nay, Trung Quốc là nhà đầu tư chính các công trình thủy điện tại Lào. Lào muốn bán điện để có nguồn thu nhập trả cho Trung Quốc và nước này có thể lấy nguồn tiền có được từ việc buôn bán với Việt Nam để trả.

“Tóm lại, Việt Nam đang cần điện và việc Việt Nam mua điện của Lào cũng là cách để hai bên củng cố mối quan hệ anh em gắn bó. Tuy nhiên, để giảm thiểu những tác hại của thủy điện trên dòng Mekong đối với Việt Nam cũng như tránh cho Lào thiệt hại về kinh tế, Việt Nam cần chia sẻ với Lào, giúp Lào phát triển kinh tế từ những nguồn khác không phải thủy điện”, GS.TS Vũ Tròng Hồng kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới