Friday, November 29, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ đối mặt với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Mỹ,...

TQ đối mặt với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Nga có dự tính gì? (Kỳ II)

Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nếu Trung Quốc thiếu sự chủ động, cuộc khủng hoảng sẽ còn tiếp diễn cho đến khi cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đây chính là cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt.

Có đường biên giới với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột xảy ra. Ảnh: Internet

Lợi ích của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên 

Nhật Bản là láng giềng của Triều Tiên và là một trong những quốc gia quan trọng ở Đông Bắc Á. Việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã tạo thành mối đe dọa lớn đối với Nhật Bản. Nếu nói Mỹ có thể hưởng lợi đủ đường thì Nhật Bản ở vị trí nào trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên? Liệu Nhật Bản có tích cực hơn trong việc tìm kiếm giải pháp vì an ninh của chính họ? 

Bề ngoài, mặc dù Nhật Bản cũng là bên bị hại, nhưng thực chất Nhật Bản cũng là bên được hưởng lợi. Trong thời gian ngắn vừa qua, Nhật Bản có thể nắm bắt cơ hội để củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ, làm giảm áp lực và mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Sau mỗi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, người đứng đầu nước Mỹ và Nhật Bản đều tăng cường trao đổi với nhau cũng như tăng cường sự liên kết của hệ thống quân sự. 

Trong trung và dài hạn, Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ quá trình cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên leo thang. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đều đang cố gắng khôi phục quyền tự chủ của Nhật Bản về quân sự. Và cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã trở thành cái cớ để nước này tăng cường sức mạnh quân sự; lợi dụng vấn đề hạt nhân để tăng cường ảnh hưởng chính trị, nắm lấy cơ hội trở thành “quốc gia bình thường”. Nếu không có cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên tạo thành mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật Bản, chính phủ nước này rất khó thuyết phục người dân luôn tin vào “chủ nghĩa hòa bình” chấp nhận quan niệm an ninh quốc gia mới. 

Ở chừng mực rất lớn, những trở ngại trong nước của Chính phủ Nhật Bản trong việc theo đuổi “bình thường hóa quốc gia” đều lần lượt được các nhân tố bên ngoài, nhất là nhân tố Triều Tiên, xóa bỏ. Sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, Nhật Bản đã tích cực hợp tác với Mỹ, ngoài tăng cường quan hệ quân sự, cũng tiến hành di tản người dân ở Triều Tiên để chuẩn bị cho chiến tranh có thể xảy ra. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là các động thái chính trị của Chính quyền Shinzo Abe. Mặc dù việc Abe tái cử là nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố trong nước, nhưng môi trường quốc tế ngày càng xấu đi của Nhật Bản cũng làm cho người dân nước này trung thành hơn với nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn này.

Điều không kém phần quan trọng là, Nhật Bản từ lâu đã là “quốc gia hạt nhân” trên thực tế, và là một “quốc gia hạt nhân” có hàm lượng công nghệ cao. Một khi Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân, Nhật Bản sớm hay muộn sẽ tuyên bố địa vị “quốc gia hạt nhân” của mình. Có thể dự đoán rằng việc Nhật Bản trở thành quốc gia hạt nhân sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho việc nước này tìm kiếm chính sách đối ngoại độc lập hơn. Vì vậy, trong thái độ và đối sách của Nhật Bản trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, tác động tích cực thì ít, tiêu cực lại nhiều hơn. 

Thái độ của Nga 

Nhìn chung, Nga dường như luôn đứng về phía Trung Quốc và có sự phối hợp chính sách trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nga nhiều lần cùng Trung Quốc ra tuyên bố chung về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo dám hành động, rất nhiều người Trung Quốc hy vọng rằng Trung Quốc và Nga sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi Trung Quốc có thể bắt tay với Nga giải quyết vấn đề Triều Tiên thì cũng khó có thể thực hiện. Lợi ích của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên rất khác nhau. Mọi người có lẽ đã có bài học lịch sử trong Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Sẽ là ảo tưởng nếu một số cho rằng “đại đế” Putin sẽ đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này. 

Một khi Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân thì họ cũng rất khó tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga, trong khi mối đe dọa an ninh đặt ra trước cửa nhà Trung Quốc là đáng kể. Về mặt địa chính trị, giống như Mỹ, Nga cũng có thể lợi dụng Triều Tiên để kiềm chế Trung Quốc. Kể từ khi Liên Xô tan rã tới nay, do những áp lực địa chính trị mạnh mẽ của phương Tây nên Nga luôn giữ quan hệ thân thiết, nhưng cũng luôn dè chừng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Do đó, ở một mức độ rất lớn Nga cũng giống như Mỹ, có thể được lợi từ việc trì hoãn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Lấy ví dụ về Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đều thừa nhận Ấn Độ có vũ khí hạt nhân, lâu nay luôn có bất đồng nhưng ngầm không nói ra bởi vì Nga nhận thấy một Ấn Độ có vũ khí hạt nhân không thể đe dọa an ninh nước mình, thậm chí sự hiện đại hóa hạt nhân của Ấn Độ vẫn cần sự hỗ trợ của Nga. Trên thực tế, trong những năm gần đây, Nga và Ấn Độ đã có những hợp tác chưa từng có như trong việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân, các nước bên ngoài cho rằng điều này liên quan chặt chẽ với lòng tin giữa hai nước về mặt quân sự. 

Tuy nhiên, Nga vẫn có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng với tiền đề là Trung Quốc giữ thế chủ động. Để giải quyết vấn đề Triều Tiên, hiện chưa có chính sách nào hiệu quả ngoài chính sách “cây gậy và củ cà rốt” thông hành trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên hiện nay “cây gậy lớn” của Trung Quốc chưa thật cứng rắn, vừa không chấm dứt sự hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên, vừa không muốn thừa nhận cách làm của Mỹ (và Hàn Quốc). Xét về năng lực, nếu Trung Quốc và Nga hợp tác thì có thể cung cấp chiếc ô hạt nhân cho Triều Tiên, giống như Mỹ cung cấp ô hạt nhân cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nói tóm lại trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nếu Trung Quốc thiếu sự chủ động, cuộc khủng hoảng sẽ còn tiếp diễn cho đến khi cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đây chính là cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt.

RELATED ARTICLES

Tin mới