Chủ tịch Tập Cận Bình đã tận dụng Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX như là bước trung gian để củng cố quyền lực. Hệ quả là ông Tập trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ sau thời Mao Trạch Đông.
Tập Cận Bình củng cố quyền lực
Với vị thế riêng được thừa nhận trong “ngôi đền thiêng” Trung Quốc, ông Đặng đã đưa ra phương châm chỉ đạo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: “Lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu”. Đến lượt mình, ông Tập cho rằngTrung Quốc giờ đã có đủ sức mạnh để có thể bỏ qua lời khuyên đó, chiếm vị chí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Có lẽ vậy mà bài diễn văn khai mạc hơn ba tiếng rưỡi của ông Tập cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bỏ lại đằng sau “lý luận Đặng Tiểu Bình” và chuyển sang quan điểm quyết đoán hơn với ý định biến Trung Quốc thành siêu cường, nền kinh tế hàng đầu thế giới, từ đây chuyển sang thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Tập Cận Bình bắt đầu bài diễn văn với phần báo cáo đánh giá thành tựu kinh tế Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, sản lượng lúa gạo đã đạt 600 triệu tấn, tốc độ đô thị hóa tăng bình quân hàng năm 1,2%, hơn 80 triệu người lao động di cư từ nông thôn tới các khu vực thành thị đã được cấp quy chế công dân đô thị thường trực. Kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đưa Trung Quốc trở thành nước đứng đầu trong các nền kinh tế lớn, GDP tăng từ 54 nghìn tỉ lên đến 80 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 12.100 tỷ USD) chỉ trong 5 năm. Trung Quốc giữ vững vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng toàn cầu.
Khác với bối cảnh thường lệ, ông Tập lưu ý kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, kỉ nguyên tăng trưởng hai con số đã kết thúc và mức tăng trưởng chậm hơn từ 6,5%-7% là “trạng thái bình thường mới”. Ông cho rằng mình cần gia tăng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, đồng thời giảm tỉ lệ đói nghèo trong nước. Để đạt được mục tiêu này, ông Tập tuyên bố phải tự do hóa nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa, nhưng cũng phải tăng cường kiểm soát các lĩnh vực thuộc thị trường được tự do hóa. Cách tiếp cận này có lẽ giải thích tại sao ông Tập đã tập hợp được quyền lực chính trị cá nhân cho riêng mình.
Tập Cận Bình củng cố quyền lực cá nhân kể từ khi nhậm chức vào năm 2012. Ông đi theo phương thức từng được Mao Trạch Đông gây dựng về kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì hòa tan tính tập trung của đảng vào các khía cạnh vận hành chính trị khác dưới hình thức chuyển giao chút ít quyền lực đó sang các cơ quan, bộ phận chức năng của chính phủ. Đầy hiệu quả, ông Tập đã biến mình trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất sau thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Có rất ít lý do dể nghi ngờ Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền sau thời hạn hai nhiệm kỳ như thông lệ. Điều này đã được thừa nhận bởi thực tế Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017 đã dành cho ông danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân”, bên cạnh một loạt chức danh chính thức chủ chốt khác mà ông nắm giữ như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy trung ương, Tổng tư lệnh quân đội, Tổng chỉ huy Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp, người đứng đầu Nhóm lãnh đạo trung ương về đối ngoại, lãnh đạo Nhóm trung ương đặc trách vấn đề Đài Loan, lãnh đạo Nhóm trung ương về cải cách kinh tế toàn diện…
Vậy nhưng ông Tập có vẻ nhìn nhận rằng tham vọng bản thân không thể bị cột chặt vào những danh hiệu đạt được. Theo đó, và có lẽ cũng không quá ngạc nhiên, khi ĐCSTQ đưa Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, đồng thời đưa tên và “Tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong kỉ nguyên mới” – một tập hợp các bài phát biểu của ông Tập, ngang hàng với “Mao tuyển” (Mao Trạch Đông ngữ lục), tài liệu tổng hợp các phát biểu, tư tưởng của Mao Trạch Đông – vào bản Hiến pháp Trung Quốc. Cũng như “Mao tuyển”, học sinh Trung Quốc có lẽ sẽ liên tục được truyền bá tư tưởng chính trị khởi nguồn từ “Tư tưởng Tập”. Điều này phù hợp hoàn hảo với tham vọng chính sách đối ngoại. Không có sự mơ hồ hay hiểu nhầm nào: Đây đích thực là sự phủ nhận tuyệt đối, thẳng thừng các khái niệm của phương Tây về dân chủ và tự do ngôn luận. Theo cách nhìn của Tập Cận Bình, “những nguyên tắc khiếm khuyết này khiến giá trị phương Tây không có chỗ đứng trong Giấc mộng Trung Hoa”. Tờ Thời báo Hoàn cầu, khi phụ họa cho phát biểu của Tập Cận Bình, đã ẩn ý rằng ĐCSTQ có thể vay mượn ý tưởng về chủ nghĩa xã hội từ Liên Xô, nhưng “những giá trị văn minh” của ĐCSTQ đã đưa tới tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc và củng cố các cam kết của ĐCSTQ về thịnh vượng hơn nữa cho dân tộc Trung Hoa, kiến tạo nên đất nước vĩ đại.
Ở đây còn xuất hiện một cuộc chơi lớn hơn thế. Ông Tập tìm cách khôi phục vị thế siêu cường thế giới cho Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo sau thời Mao đều hướng tới việc phá vỡ trật tự quốc tế do phương Tây tạo dựng và tạo cho Trung Quốc một vị thế xứng đáng, ở đỉnh của trật tự quốc tế. Nắm trong tay dự trữ ngoại tệ lớn, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đẩy mạnh chính sách “vươn ra bên ngoài”. Bắc Kinh đang sử dụng nguồn lực này để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, thế chân Mỹ trở thành siêu cường kinh tế, quân sự thế giới. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ra đời từ mục tiêu tổng quát trên. Tập Cận Bình cũng thúc đẩy ý tưởng tạo dựng các hiệp định thương mại với 6 nước có nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào những nước này, thay thế Mỹ là nhà đầu tư FDI lớn nhất. FDI của Trung Quốc đổ vào châu Phi và khu vực Á-Âu cũng tăng nhanh. Một cuộc tấn công kinh tế đã thực sự bắt đầu.
Để kế hoạch của mình không bị phân tán và đứt đoạn trong nước, Tập Cận Bình dồn nỗ lực đưa các nhân vật trung thành nắm giữ các vị trí quyền lực. Làm được điều này sẽ có hai tác dụng: Loại trừ các đối thủ tiềm tàng, để Tập Cận Bình rảnh tay tập trung vào nhiệm vụ đưa Trung Quốc thế chỗ Mỹ và kế đến là bảo đảm rằng Tập có sự lựa chọn để trở thành nhà lãnh đạo trọn đời như Mao từng có, hoặc ít nhất là vẫn giữ quyền lãnh đạo đến thời điểm tùy thích. Ngoài Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường là thành viên duy nhất trong Thường trực Bộ chính trị khóa trước còn tại vị. Lật Chiến Thư, Uông Dương Vương, Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính – số quan chức trong đảng vốn không có bất kỳ một biểu hiện bất đồng nào với Tập Cận Bình, được bầu vào Thường vụ, thay thế 5 thành viên đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có Vương Kỳ Sơn, một đồng minh chủ chốt của Tập Cận Bình. Không một ai trong số 5 ủy viên Thường vụ này có khả năng tiếp cận quyền lực như ông Tập đang nắm giữ. Cũng không thấy nhắc đến người kế vị Tập Cận Bình, như một nguyên tắc thường thấy. Ông Tập vì thế đã tạo lập cho cá nhân mình là người kế nhiệm trực tiếp của Mao, và sẽ có thể vẫn sẽ là nhà lãnh đạo sau 5 năm nữa, nếu không muốn nói là trọn đời.
Đọc hết báo cáo kinh tế, ông Tập Cận Bình lớn tiếng quay lại chủ đề vốn đã trở thành điểm đặc trưng gần đây trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đề cập đến 1,2 triệu quan chức, đảng viên đã bị điều tra do tham nhũng kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình lưu ý tham nhũng vẫn là thách thức lớn nhất đối với ĐCSTQ. Năm 2004, ông Tập kêu gọi quan chức ĐCSTQ kiểm soát vợ, con, người thân, bạn bè, đồng nghiệp không để họ lợi dụng quyền lực thu lợi cá nhân. Đây là điều nực cười khi so sánh với các thông tin xuất hiện tại thời điểm đó về mức độ được cho là giàu có của gia đình Tập Cận Bình. Có một thực tế đã được thừa nhận rộng rãi: Con gái ông Tập từng theo học Đại học Havard, dù mức lương chính thức của ông chỉ khoảng 22.000 USD/năm.
Xong phần tham nhũng, Tập Cận Bình lớn tiếng cảnh cáo nhằm vào các phong trào tự do ở Hong Kong và Đài Loan. Đề cập đến Hong Kong, Tập Cận Bình nhấn mạnh dù vẫn tiếp tục thực hiện mô hình hai chế độ, nhưng Hong Kong là một phần của Trung Quốc và phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Đây là thông điệp trực tiếp nhằm vào các thủ lĩnh của cái gọi là “Phong trào Ô dù”, những người đòi hỏi quyền tự quyết lớn hơn cho Hong Kong. Thế nhưng Tập Cận Bình dành những lời cảnh báo đanh thép nhất nhằm vào phong trào độc lập ở Đài Loan, khi nói rằng “chúng ta cương quyết bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và sẽ không bao giờ cho phép lặp lại thảm cảnh lịch sử chia rẽ quốc gia. Chúng ta có quyết tâm, sự tự tin và khả năng đánh bại các ý đồ ly khai đòi ‘độc lập cho Đài Loan’ dưới bất kì hình thức nào. Chúng ta không bao giờ cho phép cá nhân, tổ chức, hay đảng phái chính trị nào, ở bất kì thời điểm nào, dưới bất kì hình thức nào chia tách lãnh thổ Trung Hoa khỏi Trung Quốc”.
Ngôn từ của ông Tập thẳng thừng và rõ ràng: Tuyên bố độc lập là tự sát, chúng tôi có quyền thực thi mọi hành động cần thiết, kể cả đòn quân sự, để bảo đảm Đài Loan là một phần thuộc Trung Quốc. Tuyên bố của Tập về đưa quân đội Trung Quốc tương xứng với một siêu cường vào năm 2035 và cường quốc hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050 dường như có ý nhằm vào Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác nằm trong khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng nó cũng có dụng ý trực tiếp nhằm vào Đài Loan: Đừng mong đợi nước Mỹ đến trợ giúp trong trường hợp xảy ra chiến tranh, bởi Mỹ sẽ phải chần chừ lo sợ tổn thất quân sự nếu tham chiến. Truyền thông Trung Quốc cũng phát đi một thông điệp tương tự vậy nhằm vào Ấn Độ.
Đề cập thoáng qua thực tế nước Mỹ có xu thế xoay sang chủ nghĩa biệt lập vốn sẽ gây hại đến kinh tế Trung Quốc, ông Tập bình luận: “Không một nước nào có thể tự giải quyết được những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, không nước nào có thể nỗ lực thoái lui về tự cô lập”.
Phát biểu của ông Tập về giữ vững vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) vốn đang hoạt động thua lỗ khiến giới quan sát Trung Quốc bất ngờ. Các SOE trong ngành thép của Trung Quốc nổi tiếng là thiếu hiệu quả. ĐCSTQ không thể đóng cửa những nhà máy này, bởi làm vậy sẽ khiến hàng triệu lao động mất việc làm mà hệ quả đi kèm là gia tăng căng thẳng xã hội. Giải pháp cho đến nay vẫn là trợ giá cho SOE và bán phá giá sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Đây chính là điều khiến Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi Trung Quốc là “nền kinh tế bóc lột”. Vậy nhưng Bắc Kinh dường như có những kế hoạch khác đối với SOE. Một báo cáo cho biết đa phần giới chức quản lý hàng đầu tại các SOE sẽ là quan chức nhà nước. Hơn 20 lãnh đạo thuộc các SOE đã được bổ nhiệm vào các vị chí chủ chốt trong các cơ quan hoạch định chính sách thuộc Ban chấp hành trung ương.
Vậy nhưng vấn đề của Trung Quốc không dừng ở đó. Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington ngày 18/10, ông Tillerson đã có những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc khi so sánh với Ấn Độ. Ông chỉ rõ: “Trung Quốc, cùng nổi lên như Ấn Độ, nhưng lại thiếu trách nhiệm hơn, thường hủy hoại các trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp ngay cả khi những nước như Ấn Độ hành xử trong một khuôn khổ chung bảo vệ chủ quyền các nước khác. Hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông trực tiếp thách thức luật pháp và quy định quốc tế – những điểm mà cả Mỹ và Ấn Độ đều tuân thủ. Mỹ tìm kiếm quan hệ hợp tác với Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ qua việc Trung Quốc thách thức trật tự dựa trên luật pháp, cũng như việc Trung Quốc phá vỡ chủ quyền của các quốc gia láng giềng, gây bất lợi cho Mỹ và đồng minh”. Lối nói thẳng thừng trên của Ngoại trưởng Mỹ là hiếm gặp. Nhưng ông còn bồi thêm một bình luận Mỹ sẽ không bao giờ có quan hệ với Trung Quốc, một xã hội phi dân chủ, như quan hệ giữa Mỹ với một nền dân chủ lớn như Ấn Độ.
Cùng thời điểm, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer điều tra chặt chẽ việc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nếu muốn tiếp cận thị trường Đại lục. Đó còn là việc Ấn Độ – nước láng giềng của Trung Quốc, dường như sẵn sàng thể hiện sức mạnh quân sự; còn nhóm các nước gồm Mỹ, Australia, Anh, New Zeland và Canada đang phối hợp cùng nhau chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các trường đại học thuộc 5 nước này. Một thách thức khác là nhu cầu gia tăng sử dụng robot, tự động hóa cao, giá nhân công tăng trong các nhà máy gây nguy cơ dư thừa nhân công, khiến các nhà sản xuất nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan, Việt Nam. Ông Tập và các cộng sự sẽ phải thừa nhận rằng sự cất cánh tương đối dễ dàng mà Trung Quốc từng được hưởng bấy lâu đang đi tới hồi kết.
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Tập Cận Bình nắm chắc quyền lực, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở Trung Quốc sau thời kỳ Mao Trạch Đông. Nó cũng tạo điều kiện cho ông Tập sử dụng quyền lực để phát động một cuộc tấn công vào trật tự thế giới do phương Tây tạo dựng, đi kèm đó là các thiết chế và nguyên tắc phương Tây. Đạt tới sức mạnh đó, ông Tập phải tự nhận thấy rằng đi kèm đó luôn là nguy cơ hiện hữu. Tập Cận Bình đang chơi trò rất nguy hiểm, một cuộc chơi sẽ gây ra các hệ quả thảm cảnh toàn cầu nếu ông hoặc một nhà lãnh đạo thế giới khác cũng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa không kém trong tầm nhìn hiểu sai tình hình hoặc thúc đẩy các diễn tiến. 5 năm tới có thể sẽ là giai đoạn bước ngoặt, theo cách tốt lên hoặc xấu đi.