Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐàm luậnNhững tác động từ Đại hội XIX Đảng Cộng sản TQ (Phần...

Những tác động từ Đại hội XIX Đảng Cộng sản TQ (Phần 2)

 Diễn văn của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội XIX dường như có dụng ý nhấn mạnh tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc theo cách hiểu của người dân Trung Quốc. Vậy nhưng nó cũng gây ra những nghi ngại ở khu vực và quốc tế.

Một số hệ lụy từ chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc 

Tập Cận Bình dường như đã từ bỏ học thuyết “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu” của Đặng Tiểu Bình và thay vào đề ra con đường mới tham vọng hơn cho Trung Quốc. Ông ước mong đưa Trung Quốc trở lại làm người đứng đầu của hệ thống triều cống, chỉ khác là trong một bối cảnh hiện đại, bằng cách nâng cao sức mạnh kinh tế và quân sự đất nước. Đây là điều mà ông gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”.

Mong ước đầy tham vọng, nhưng nó cũng chứa đựng nguy cơ gây ra rạn nứt, khiến các nước láng giềng nghi ngờ, các nước có lợi ích gắn chặt ở khu vực hoài nghi. 
Mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc trở lại vị thế trung tâm trong các vấn đề quốc tế, như từng đạt được trong lịch sử. Ông dự kiến hoàn tất theo từng giai đoạn: Đưa Trung Quốc trở thành xã hội khá giả vào năm 2020, thành nước phát triển vào năm 2035 và siêu cường có sức mạnh quân sự hàng đầu vào năm 2050. Niềm tin mà Chủ tịch Tập thể hiện qua việc phóng tầm mục tiêu này dựa trên dự đoán Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế ấn tượng như gần đây, cùng với gia tăng sức mạnh quân sự. Ông Tập không chỉ hướng đến việc thay Mỹ nắm quyền lãnh đạo ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương nói chung, mà còn chào mời mô hình độc quyền nhân từ như là một sự thay thế cho chính phủ tự do ở cấp độ toàn cầu.

Không khó để nhận ra vai trò quyết đoán mới của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Lấy ví dụ ở Venezuela. Sau khi các cuộc biểu tình chống chính quyền độc tài Nicolas Maduro nổ ra vào tháng 9/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tái lập dân chủ ở quốc gia này, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt cấm vận nếu dân chủ không được phục hồi. Theo cách ngược lại, Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Maduro. Điều này đúng như những gì mà một chuyên gia từng phát biểu tại phiên điều trần trước Tiểu ban Tây bán cầu thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính việc Nga, Trung Quốc khi theo đuổi các lợi ích chiến lược và thương mại ở Venezuela, đã cung cấp vốn, hàng hóa, dịch vụ, hậu thuẫn chính trị qua đó gián tiếp giúp chính quyền dân túy ở Caracas phớt lờ và phá hủy toàn bộ các cơ chế có tính trách nhiệm dân chủ”. 

Dư luận cũng lưu tâm đến việc Trung Quốc sử dụng kho dự trữ tài chính khổng lồ để mua ảnh hưởng. Điều không thường được nhắc tới là Trung Quốc đang đầu tư lớn vào các nước Mỹ Latinh, khi có thông tin cho rằng FDI của Trung Quốc đổ vào Brazil như “cơn sóng thần”. Đầu tư của Trung Quốc ở khu vực này có những tác động toàn cầu lớn. Phản đối sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc dường như không e dè tìm cách tạo lập ảnh hưởng tại ngay khu vực nằm sát Mỹ, chẳng khác gì việc Mỹ làm vậy ở Đông Á. 
Ngoài Mỹ Latinh, Trung Quốc còn thể hiện ảnh hưởng của mình trong những diễn biến chính trị gần đây ở Zimbabwe. Hy Lạp, nước luôn gặp khó khăn tài chính vài năm qua, đã phần nào xoa dịu được tình hình nhờ nguồn đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng. Không có gì là ngạc nhiên khi tháng 6 vừa qua, Hy Lạp đã phủ quyết một động thái chính thức của EU chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Sự kiện này một lần nữa cho thấy Trung Quốc có khả năng làm chệch hướng chỉ trích và nhìn rộng hơn là sức mạnh của nước này trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra dưới nhiều công cụ. Không kể Hy Lạp, Trung Quốc dường như cũng gây ra quan ngại đáng kể ở Brussels. 

Rõ ràng, Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm đối với sự gia tăng của chủ nghĩa độc tài ở các nước như Campuchia, Ethiopia, Hungary, Nga, Thái Lan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ hay Venezuela. Nhưng với việc sử dụng sức mạnh chính trị và kinh tế để ủng hộ chủ nghĩa chuyên quyền, Trung Quốc đã hợp pháp hóa chế độ độc tài của chính mình, và bác bỏ “các giá trị tự do phương Tây”, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Bắc Kinh trên trường quốc tế. 

Nói ngắn gọn, Trung Quốc đang tìm cách thế chỗ Mỹ ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương, cùng lúc thay thế các giá trị tự do phương Tây bằng hình mẫu “chủ nghĩa chuyên chế nhân từ”. Đó là điều mà ông Tập đã nói rõ trong bài diễn văn ở Đại hội XIX: “Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là một phát kiến vĩ đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Chúng ta hoàn toàn tự tin khi nói rằng Trung Quốc có thể phát huy tối đa sức mạnh và bản sắc đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, đóng góp vào tiến trình tiến bộ chính trị của nhân loại”. 

Để tạo dựng vị thế trung tâm trong tương lai của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch Tập đã thiết kế ra BRI. Sáng kiến vốn dựa trên nền tảng của Con đường tơ lụa thời cổ đại này vì thế chính là điểm then chốt trong mục tiêu tổng quát của Tập Cận Bình. Muốn thành công trong BRI, Trung Quốc cần duy trì được tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ĐCSTQ sẽ tiếp tục nắm quyền. Khi Diễn đàn BRI được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 5/2017, sự kiện này dù thu hút được sự chú ý toàn cầu, nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Mỹ, Đức, Nhật Bản và nhiều nước khác từ chối tham gia BRI, với lý do sáng kiến này thiếu minh bạch và không đủ nguồn vốn theo đuổi toàn bộ dự án. 

BRI tạo cho Bắc Kinh cơ hội khẳng định Trung Quốc là nhà lãnh đạo toàn cầu và các nước có thể thu lợi về kinh tế, ngoại giao từ xu thế này. Trung Quốc xem BRI là “hợp tác cùng thắng” giữa các quốc gia, nêu bật 5 mục tiêu của sáng kiến này về “điều phối chính sách, phương tiện kết nối, loại bỏ rào cản thương mại, hội nhập tài chính, tăng cường kết nối giữa các dân tộc”. Theo quan điểm của Bắc Kinh, BRI có thể sẽ chứng minh được tính hiệu quả đối với Trung Quốc và các đối tác tham gia sáng kiến này. Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng ở châu Á là rất lớn, trung bình khoảng 1.700 tỷ USD/năm, hoặc 26.000 tỷ USD cho giai đoạn 2016-2030 – theo tính toán của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Trung Quốc là nước có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhờ nắm trong tay nguồn dự trữ ngoại tệ lớn. Bằng việc đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng ở khu vực, Trung Quốc có thể giải quyết một số vấn đề liên quan đến dư thừa công xuất xây dựng, tạo thêm việc làm. Từ đây, Trung Quốc có được lợi ích lớn hơn khi chuyển dịch được các ngành nghề lương thấp ra bên ngoài, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị. BRI vì thế nhắm đến mục tiêu định vị cục diện kinh tế của Trung Quốc trong hiện tại và cả tương lai, cho phép Trung Quốc duy trì được sức mạnh kinh tế, chính trị ở phạm vi toàn cầu.

BRI có thể là khái niệm hàng thứ yếu đối với Mỹ, Đức, nhưng lại liên quan trực tiếp, tác động mạnh đến Ấn Độ. Bất chấp những tuyên bố như trên của Trung Quốc như Trung Quốc không công khai đề cập đến những căng thẳng mà BRI gây ra đối với Ấn Độ và các nước khác. 

BRI, theo như tuyên bố tầm nhìn của sáng kiến này, nêu cao “nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau”. Nhưng hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông và nhất là ở cao nguyên Doklam liên quan trực tiếp tới Ấn Độ, đã đi ngược lại những luận điểm này. Ví dụ như ở Biển Đông, thay vì tuân thủ tuyên bố “tôn trọng chủ quyền lẫn nhau”, Trung Quốc dường như đã đi lệch khỏi xu thế trên, gây leo thang căng thẳng ở khu vực bằng việc phủ nhận tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác, sử dụng sức mạnh quân sự để đòi quyền kiểm soát gần như bao trùm toàn bộ Biển Đông. Thêm nữa, Bắc Kinh còn không công nhận, tuân thủ phán quyết có lợi cho Philippines mà Tòa Trọng tài đưa ra sau khi thụ lý vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc. 

Tương tự vậy, tại Cao nguyên Doklam, Trung Quốc sử dụng chiến thuật “cắt lát salami”- đơn phương có những hành động nhằm thu lợi cho riêng mình, với việc xây dựng tuyến đường bộ thuộc khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với Bhutan. Quân đội Bhutan phát hiện ra việc làm này, yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đường, nhưng lời đề nghị đã bị Bắc Kinh bác bỏ. Bhutan thông báo cho Ấn Độ, do giữa hai nước đã ký một thỏa thuận an ninh. Binh sĩ Ấn Độ vượt biên giới, sang vùng lãnh thổ tranh chấp và đối đầu với quân Trung Quốc. Thế đối đầu giữa hai bên kéo dài trong 7 ngày và cuối cùng Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng. Trung Quốc trong giai đoạn này thực hiện chiến lược “Tam chủng chiến pháp” (gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý) nhằm vào Ấn Độ, nhưng không có kết quả. Vụ việc cho thấy New Delhi nghi ngờ các động cơ thực chất của Bắc Kinh. 

BRI cũng khiến Ấn Độ thêm nghi ngờ Trung Quốc. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một thành phần quan trọng trong BRI với xương sống là các tuyến đường ống năng lượng, các dự án hạ tầng, chạy từ cảng Gwadar tới Tân Cương ở miền Tây Trung Quốc. Một phần của CPEC đi qua vùng lãnh thổ Kashmir, khu vực tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. Theo quan điểm của New Delhi, việc Trung Quốc bỏ qua quan ngại của Ấn Độ về vi phạm chủ quyền cho thấy Bắc Kinh đã ngả về Pakistan. Vì lẽ đó Ấn Độ không cử đại diện tham gia Diễn đàn BRI ở Bắc Kinh, vì tin rằng nếu tham gia sẽ chẳng khác gì thừa nhận Trung Quốc và Pakistan hiện diện ở lãnh thổ của Ấn Độ. 

Tương tự, Ấn Độ cũng e ngại các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, củng cố nhiều điểm trong lý thuyết chuỗi đảo. Ý tưởng này cho rằng Trung Quốc đầu tư mạnh vào hệ thống cảng biển, có thể sử dụng các cảng này cho mục đích quân sự khi cần thiết và nó sẽ bao vây Ấn Độ, kiềm tỏa sự phát triển của Ấn Độ. Các chuyến viếng thăm cảng Hambantota, Sri Lanka của tàu ngầm Trung Quốc đã khiến nghi ngờ của New Dehli ngày càng có cơ sở.

Nguy cơ mà các khoản đầu tư của BRI gây ra là điều mà các nước như Ấn Độ nhận thấy. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là một số nước như Pakistan cũng bắt đầu lo ngại, dù Pakistan là nước nhận được dòng đầu tư lớn từ BRI. Một bài viết trên tờ The Dawn của Pakistan ngày 21/6/2017 tiết lộ nắm trong tay “bản đại kế hoạch” cho thấy những động cơ thực chất ẩn sau CPEC. Nổi bật là điều khoản Pakistan cho Trung Quốc thuê hàng nghìn hecta đất phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực cho Trung Quốc; cho phép Trung Quốc xâm nhập sâu rộng vào hầu hết các nghành kinh tế chủ chốt của Pakistan cũng như các mạng kết nối cáp quang giữa hai nước vì mục đích an ninh. Báo cáo kết luận với một điểm bất trắc: “Thực tế, CPEC chỉ là việc mở toang một cánh cửa. Thật khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau khi cửa được mở”. 

Với những gì đã nêu trên đây, tuyên bố nghi ngại của cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar thật chẳng có gì ngạc nhiên: “Đối với quan ngại của chúng ta, phải thấy rằng đây là sáng kiến quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc lập ra BRI, tạo ra bản kế hoạch hành động. Đó không phải là một sáng kiến quốc tế mà Trung Quốc thảo luận với thế giới… Một sáng kiến quốc gia được tạo dựng gắn với lợi ích quốc gia, các nước khác không có phận sự buộc phải chào đón hay tham gia”. 

Bất ngờ không kém chính là việc những thực tế này cùng với tuyên bố của ông Tập về xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới xuất hiện đã khiến Ấn Độ ngả sang nhóm 4 nền dân chủ là Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, một mô thức hợp tác từng được đưa ra trước đó và New Dehli không tỏ vẻ quan tâm. Thủ tướng Modi gần đây đã gặp gỡ các đối tác đến từ Nhật Bản, Australia bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines vào đầu tháng 11/2017. Trước đó, ông Modi cũng đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các cuộc thảo luận giữa người đứng đầu 4 nước được xúc tiến song phương, với ý định tránh để Trung Quốc phật ý nếu cả 4 nước nhóm họp. Thế nhưng cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao đã có sự hiện diện của đại diện 4 nước. Sự kiện này có thể mở đường cho bước phát triển tiếp theo, vươn lên thành Nhóm bộ tứ chính thức, một kết cục tiềm tàng mà chắc chắn Trung Quốc sẽ lưu tâm và phản đối. Hẳn nhiên Trung Quốc sẽ có các bước đi hậu trường làm gián đoạn, đứt gãy liên kết kiểu này. Nhưng với những quan ngại mà Trung Quốc gây ra trong các hành động toàn cầu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo đối trọng trước một Trung Quốc ngày một hiếu chiến. 
Phát biểu của ông Tập tại Đại hội XIX giúp chính danh hóa vai trò của ĐCSTQ. Nhưng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều nơi khác khiến xu thế nghi ngờ, mất lòng tin vào Trung Quốc trỗi dậy mạnh hơn. Điều này sẽ chỉ dẫn đến bất ổn, căng thẳng gia tăng ở khu vực và quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới