Hôm nay (7/12), một quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Ấn Độ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia sau khi một máy bay không người lái (UAV) của Ấn Độ “xâm phạm” không phận Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), thông tin về vụ việc UAV Ấn Độ xuất hiện trong không phận Trung Quốc không được nói chi tiết, cũng như chủng loại của chiếc UAV. Thông tin từ vị tướng Trung Quốc chỉ nói rằng, máy bay của Ấn Độ đã bị rơi.
“Chúng tôi cực lực phản đối hành động này. Các lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc đã hành động một cách đầy trách nhiệm và chuyên nghiệp. Chúng tôi đang kiểm tra UAV”, ông Trương Thủy Lợi, Phó Chỉ huy lực lượng tác chiến miền tây thuộc lục quân Trung Quốc cho hay.
Căng thẳng giữa Trung – Ấn từng dậy sóng trong 72 ngày hồi đầu năm nay khi binh sĩ hai nước “mặt đối mặt” ở cao nguyên tranh chấp Doklam, khu vực nằm giữa bang Sikkim của Ấn Độ, thung lũng Ha của Bhutan và thung lũng Chumbi của Tây Tạng.
Tờ Times Now đưa tin, quân đội Ấn Độ cho hay UAV của nước này đang tham gia nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên trong “lãnh thổ Ấn Độ” nhưng đã bị mất liên lạc với trạm kiểm soát dưới mặt đất do trục trặc kỹ thuật. Kết quả, UAV đã bay qua khu vực đường kiểm soát giữa biên giới Trung – Ấn.
Quân đội Ấn Độ khẳng định, họ đã ngay lập tức thông báo cho phía Trung Quốc nếu như tìm thấy chiếc UAV thất lạc.
“Nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc của chiếc UAV đang được điều tra. Vấn đề đang được giải quyết thông qua các hiệp định về cơ chế xử lý các tình huống dọc biên giới Trung – Ấn”, Times Now cho hay.
Hồi tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nhấn mạnh, cao nguyên Doklam thuộc lãnh thổ Trung Quốc và quân đội Trung Quốc còn quyền điều động binh sĩ tới khu vực này.
Theo nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, ông Zhou Chenming, độ cao của dãy Himalayas là hơn 4.000 m. Độ cao này gần bằng độ cao tối đa mà UAV Ấn Độ có thể đạt được.
“Bay tới độ cao tối đa đồng nghĩa với khả năng UAV đã gặp lỗi kỹ thuật hoặc điện tử. Trong khi đó, thời tiết tháng 12 ở khu vực này xuống cực thấp và gió lớn cùng tuyết rơi nhiều. Do đó, không có gì ngạc nhiên là chiếc UAV sẽ bị rơi”, ông Zhou nói.
Cũng theo ông Zhou, không thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc nổ súng bắn rơi UAV của Ấn Độ bởi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, lực lượng phòng không Trung Quốc khó có thể hành động.
Ông Zhou nói thêm, khả năng trước khi bị rơi, chiếc UAV của Ấn Độ làm nhiệm vụ giám sát lực lượng binh sĩ Trung Quốc hoạt động ở biên giới bởi “Ấn Độ không có hệ thống vệ tinh trinh sát và sẽ nguy hiểm hơn nếu điều một phương tiện có người lái”.
Ông Zhou cho rằng, việc UAV Trung – Ấn bay sang lãnh thổ của nhau đã thành “chuyện cơm bữa” và hai bên sẽ kiềm chế chỉ trừ khi là hành động mang tính khiêu chiến.
Việc Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương đã buộc New Delhi quyết định mua thêm các UAV của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn kế hoạch bán hơn 20 UAV cho Ấn Độ hồi tháng Sáu với tổng trị giá là 3 tỷ USD. Theo các chuyên gia, số UAV “Guardian” của Mỹ sẽ giúp Ấn Độ theo dõi hoạt động của các tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.