Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnNga thay vai trò của TQ ở Triều Tiên?

Nga thay vai trò của TQ ở Triều Tiên?

Việc Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay đã cho thấy sự khéo léo trong chính sách đối ngoại của Moscow.

 

Gần đây cục diện bán đảo Triều Tiên đã và đang xuất hiện những diễn biến mới cho thấy một vài chỉ dấu có thể dẫn đến những bước dịch chuyển chiến lược địa chính trị.

Nga đã đưa ra đề xuất làm trung gian hòa giải để thiết lập các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Bình Nhưỡng đã thông qua Moscow để đánh tiếng với Washington về việc sẵn sàng đàm phán khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chuyển thông điệp này tới người đồng cấp Hoa Kỳ Rex Tillerson.

Cùng với việc đóng cửa cầu Hữu Nghị Trung – Triều bắc qua sông Áp Lục, Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật do lực lượng biên phòng phụ trách khu vực biên giới Trung – Triều triển khai.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào đã đến Bình Nhưỡng, nhưng Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã không có cuộc tiếp kiến nào dành cho vị đặc sứ từ Trung Nam Hải.

Điều này cho thấy, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Triều Tiên đang ngày càng mờ nhạt, trong khi Nga lại nổi lên ở vị thế có thể tác động được đến Bình Nhưỡng.

Giới quan sát nhận định, nước đi mới nhất của Nga trên bàn cờ địa chính trị đã cho thấy chiến lược và tham vọng rất lớn về sự trỗi dậy của Moscow.

Vị thế của Nga hiện nay trên bán đảo Triều Tiên 

Những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên vừa qua cho thấy, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như đã cạn kiệt các phương án đối phó với Bình Nhưỡng, trong khi Triều Tiên ngày càng cho thấy dấu hiệu rời xa Trung Quốc.

Nga đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để tăng cường tầm ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng.

Từ đó dường như Nga muốn truyền tải thông điệp đến Washington rằng, để giải quyết những bế tắc hiện nay về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không thể không hỏi ý kiến Moscow.

Chiến lược này của Nga được thể hiện rõ ràng trong phản ứng mới đây của Moscow sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa Hawsong-15 hôm 29/11, khi hầu như cộng đồng quốc tế đều lên án hành động này của Bình Nhưỡng, thì Nga lại chỉ trích Hoa Kỳ đã kích động Triều Tiên.

Thậm chí, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko – người giữ vị trí thứ ba trong bộ máy Nhà nước Nga, chỉ sau Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev, còn tuyên bố “sẽ tới thăm Triều Tiên vào năm sau”.

Giới chuyên gia nhận định, Nga đang nỗ lực sắp xếp một cuộc gặp giữa bà Matviyenko với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm nâng cao vị thế của Moscow trong vai trò là bên trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng xung quanh vấn đề tên lửa và hạt nhân của nước này.

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng dư luận cho là đã không đạt được mục đích ngoại giao, khi Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Tống Đào đã không có được bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Những quan chức cấp cao trước đây được Trung Nam Hải cử làm Đặc sứ sang Bình Nhưỡng thường ở cấp Thường vụ Bộ chính trị như ông Lưu Vân Sơn, hay về phía Nhà nước là Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều (Ủy viên Bộ chính trị khóa 18).

Ông Tống Đào là Ủy viên Trung ương, nhưng không nằm trong Bộ chính trị khóa 19.

Trong quan hệ Trung – Triều, thông thường nhìn vào cấp bậc đặc sứ dư luận cũng có thể đưa ra đánh giá về mức độ trọng thị từ phía Bắc Kinh. Và việc ông Kim Jong-un không có buổi tiếp kiến nào dành cho đặc sứ Trung Quốc cũng thể hiện khá rõ nét thái độ của Bình Nhưỡng.

Điều này thực sự là chỉ dấu cho thấy Triều Tiên không chỉ giảm lòng tin trong quan hệ với Bắc Kinh, mà ông Kim Jong-un còn rất sành sỏi trong khai thác tối đa các đòn bẩy địa chính trị và vận dụng rất tốt nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ”.

Ông Kim Jong-un biết được tầm quan trọng của Triều Tiên trong mối quan hệ tranh giành ảnh hưởng, vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa 3 siêu cường toàn cầu Mỹ – Trung – Nga.

Ngoài ra, mặc dù Nga vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, nhưng nước này cũng đã cho thấy nhiều động thái thắt chặt hơn quan hệ với Bình Nhưỡng thông qua việc tăng cường viện trợ lương thực, hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại…

Chỉ tính riêng trong quý I năm 2017, thương mại song phương giữa Nga và Triều Tiên đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 31,4 triệu USD, trong đó chủ yếu là gia tăng trong hoạt động xuất khẩu dầu. [1]

Nga đang thể hiện vai trò trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên (Ảnh: AP)

Theo ông Zhang Liangui, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, thì mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên hiện nay là một diễn biến “đáng chú ý”.

Ở khía cạnh khác, các chuyên gia cũng nhận định, ông Kim Jong-un dường như đã xem Nga là đối tác thích hợp nhất để giúp Triều Tiên đạt được một thỏa thuận tốt hơn trong trường hợp Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán với Hoa Kỳ, bởi Nga được cho là coi vấn đề Triều Tiên như là một ưu tiên.

Nga muốn gì trong vai trò hòa giải?

Thứ nhất, Nga muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và nâng cao được vị thế trong các cuộc đàm phán.

Hiện tại giữa Hoa Kỳ và Nga đang có sự cạnh tranh ảnh hưởng cũng như tác động đến vấn đề chính trị ở một số khu vực nóng trên thế giới như Ukraine và Trung Đông.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa hai nước đang cho thấy sự xấu đi sau khi Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ năm 2016.

Việc Nga đứng vào vị thế trung gian hòa giải để thiết lập các cuộc đàm phán cho việc giải quyết những bế tắc trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên, khi mà những kỳ vọng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã không đem lại kết quả, sẽ là một điều kiện để Nga mặc cả với Hoa Kỳ về các vấn đề ở Ukraine và Trung Đông.

Đồng thời, có thể giúp Nga làm tan băng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Bởi suy cho cùng, tất cả các cuộc đàm phán đều liên quan đến vấn đề “cho” và “nhận”.

Và nếu Nga cho thấy tầm ảnh hưởng của họ đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ phải có sự nhượng bộ với Nga trên một số vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.

Nga cũng đang thể hiện vai trò hòa giải ở nhiều điểm nóng trên thế giới (Ảnh: AP)

Quan điểm của Nga trong giải quyết các vấn đề quốc tế hiện nay cũng trái ngược với Hoa Kỳ, khi Nga luôn hướng đến đảm bảo giữ được sự cân bằng giữa các bên đối lập nhằm tìm kiếm cơ hội làm trung gian hòa giải để giải quyết những bất đồng, xung đột.

Trong khi Hoa Kỳ luôn có quan điểm ủng hộ tuyệt đối đồng minh và gia tăng sức ép với bên đối lập, bởi vậy, khả năng làm trung gian hòa giải của Hoa Kỳ vì thế mà cũng suy giảm đáng kể.

Điều này cũng đã được chứng minh rất rõ trên thực tế.

Trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, Nga luôn giữ vững lập trường duy trì mối quan hệ hợp tác với cả Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời luôn đưa ra ý định sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột.

Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Putin trong cuộc hội đàm qua điện thoại với đặc phái viên Hàn Quốc Song Young-gil đã cho biết, Nga sẵn sàng đưa phái đoàn ngoại giao tới bán đảo Triều Tiên để làm trung gian hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ngoài ra, trong cuộc khủng hoảng ở Yemen hiện nay, Nga cũng đang cố gắng mở rộng vai trò làm trung gian hòa giải, khi Moscow đang có mối quan hệ hợp tác với tất cả các bên chính trị lớn ở Yemen.

Thực tế này đang chứng tỏ rằng, Nga có khả năng giải quyết các bất đồng, xung đột quốc tế tốt hơn Hoa Kỳ và đã thuyết phục được các nước về vai trò không thể thiếu của Nga trong xử lý các vấn đề quốc tế hiện nay.

Thứ ba, Nga muốn khẳng định vị thế như một siêu cường và một nhà lãnh đạo toàn cầu.

Hiện nay, Hoa Kỳ đã không còn áp đặt được ý chí của họ ở mọi lúc, mọi nơi như trước nữa.

Còn Nga mặc dù chưa có quyền lực tuyệt đối trong xử lý các vấn đề quốc tế, thế nhưng trong chính sách đối ngoại của Moscow lại đang cho thấy một vai trò của nhà trung gian hòa giải toàn cầu rất hiệu quả.

Và khi Nga đã thể hiện được tư thế của một nhà trung gian hòa giải toàn cầu, thì việc ủng hộ và tham vấn của các nước đối với Nga cũng nhờ đó mà tăng lên.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã từng phải tham khảo ý kiến của người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên;

Trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng ủng hộ Nga hỗ trợ cho một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Nga Putin – người có công lớn đưa đất nước Nga trỗi dậy (Ảnh: AP)

Nga cũng đã bắt tay với Nhật Bản sau nhiều năm tranh chấp quần đảo Kuril, giành được vị thế nể trọng tại Liên minh châu Âu (EU) và tạo ra ảnh hưởng ngày càng tăng ở nhiều nước Đông Âu như: Bulgaria, Hungary, Latvia, Serbia và Slovakia, cũng như tạo ra ảnh hưởng rất rõ ràng tại khu vực Trung Đông là những minh chứng rõ nhất cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga.

Ngay bản thân các công dân Nga cũng đã nhận thức được vai trò đang ngày càng tăng lên của Nga trên chính trường quốc tế và ủng hộ cho vị thế này, nhất là kể từ Nga tham gia mạnh mẽ và quyết đoán hơn vào việc giải quyết các tranh chấp, xung đột ở các khu vực trên thế giới, như can thiệp quân sự vào Syria và mở rộng ngoại giao tại Libya và Afghanistan.

Các cuộc khảo sát của Trung tâm Levada đã cho thấy rõ điều này.

Cuộc khảo sát vào năm 2011 chỉ có 47% người Nga nhìn thấy quốc gia của họ như một siêu cường, thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên đến 64%.

Rõ ràng, việc Nga tham gia tích cực vào việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế tại Trung Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chứng minh nỗ lực vươn lên của Nga để trở thành một siêu cường, cân bằng với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ngoài ra,nếu nhìn nhận một cách sâu hơn, có thể thấy được tham vọng của Nga không chỉ dừng lại với tư cách của một nhà trung gian hòa giải, mà còn muốn trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, Nga đã tạo được ảnh hưởng rất lớn đối với các quốc gia có truyền thống chống lại ảnh hưởng của phương Tây và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước này, như Cuba, Iran – đã đứng về phía Nga trong cuộc chiến ở Syria và ủng hộ việc sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014.

Đối với vấn đề Triều Tiên hiện nay, khi Nga nhận thấy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng suy giảm, Nga đã nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác kinh tế, kỹ thuật và cố gắng đưa ra những quan điểm nhằm giảm bớt sức ép cho Bình Nhưỡng, bởi vậy Nga đã kéo được Triều Tiên về phía mình.

Với chính sách đối ngoại vừa quyết đoán, vừa mềm dẻo này của Nga đang giúp Moscow ngày càng củng cố và mở rộng mạng lưới các đồng minh của họ.

Điều này chứng tỏ rằng, Nga đang nuôi tham vọng dẫn dắt các quốc gia đồng minh nhằm làm đối trọng với quyền lực và ảnh hưởng của không chỉ phương Tây, mà còn cả Trung Quốc trên các vấn đề quốc tế trong tương lai.

Có thể nói rằng, mặc dù hiện nay, Nga vẫn còn gặp nhiều khó khăn để đạt được mục đích cao nhất trong việc thiết lập “quyền lực mềm” đối với thế giới, nhất là vấn đề Ukraine cũng như cuộc đối đầu với NATO;

Thế nhưng, những gì mà Nga đã đạt được trên bình diện quốc tế và sẵn sàng làm trung gian hòa giải để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay đã cho thấy sự khéo léo trong chính sách đối ngoại, cũng như khẳng định được vị thế và tầm ảnh hưởng của Moscow đối với thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới