Chính quyền Bắc Kinh đang lên kế hoạch hành động khẩn cấp để ứng phó với chương trình giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump do lo ngại nguồn vốn đầu tư có thể rút khỏi Trung Quốc và chuyển về Mỹ để hưởng mức thuế thấp.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 11/12 dẫn các nguồn tin cho biết giới chức Trung Quốc đang lo ngại về những hậu quả tiềm tàng từ chương trình cải cách thuế của Mỹ cũng như khả năng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về Việc làm và Giảm thuế vào tháng 11 và tháng 12, trong đó đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% hiện nay xuống còn 20% như mong muốn của Tổng thống Trump.
Trung Quốc lo sợ rằng khi đạo luật đó có hiệu lực, Mỹ sẽ trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn và sẽ khiến các luồng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Các nhà kinh tế cho rằng, chỉ trong vài năm tới, các nhà sản xuất của cả Mỹ lẫn Trung Quốc cũng sẽ chọn Mỹ làm địa điểm đặt công xưởng chứ không phải Trung Quốc, nơi tổng mức thuế các công ty phải chịu đang thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cuối năm 2016 công bố kết quả khảo sát cho thấy cứ 4 doanh nghiệp Mỹ có 1 doanh nghiệp đã rời hoặc đang có kế hoạch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc do chi phí cao và do chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Bắc Kinh.
Dự kiến áp lực rút vốn khỏi Trung Quốc sẽ còn mạnh hơn khi ngân hàng trung ương Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất trong năm tới.
Theo kế hoạch ứng phó, ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể phối hợp nhiều biện pháp như tăng lãi suất, kiểm soát vốn và can thiệp vào tỷ giá thường xuyên hơn để giữ dòng vốn ở lại trong nước.
Theo WSJ, các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc hiện đang chịu mức thuế thu nhập 25%, nhưng lại phải gánh nhiều loại thuế và phí khác như thuế giá trị gia tăng 17%.
Ngân hàng Thế giới ước tính tổng chi phí thuế tại Trung Quốc trong năm 2016 chiếm 68% lợi nhuận của các doanh nghiệp, cao hơn so với mức 44% ở Mỹ, hay 30,9 % ở Anh và 19,1% ở Singapore.
Chương trình cải cách thuế của chính quyền Trump dù không nhắm trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng nó có thể gây áp lực lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là khi Bắc Kinh đang tìm cách ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế và giảm đống nợ đang phình to.