Ba siêu cường kinh tế Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ngày 12/12 tuyên bố sẽ cùng hợp tác để đối phó với các chính sách thương mại mang tính bóp méo thị trường của Trung Quốc, vốn đã gây ra tình trạng dư thừa công suất sản xuất tại nước này.
Trong một tuyên bố chung không chỉ thẳng Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, các cường quốc này cho biết họ sẽ làm việc trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức đa phương khác để loại bỏ các điều kiện cạnh tranh thiếu công bằng gây ra bởi các hoạt động trợ cấp, các doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép và yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.
Theo hãng tin Reuters, đây là động thái thể hiện sự đoàn kết hiếm thấy với Mỹ tại một cuộc họp của WTO bất chấp các nước vẫn còn lo ngại về quan điểm thương mại ưu tiên “nước Mỹ là số 1” của Tổng thống Donald Trump.
Động thái này phản ánh việc các nước công nghiệp ngày càng thất vọng về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cùng với đó là mối lo rằng các nước đang phát triển khác sẽ học theo cách hành xử của Bắc Kinh.
Tuyên bố cho rằng các hoạt động bảo hộ “là mối lo ngại thực sự nghiêm trọng đối với chức năng đúng đắn của thương mại quốc tế, đối với việc sáng tạo ra công nghệ và sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu”.
Phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Kinh doanh tại Argentina, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết việc trợ giá cho ngành công nghiệp của Trung Quốc, trong đó có ngành nhôm và thép, đang khiến thị trường toàn cầu thừa mứa và gây tổn hại “cực kỳ nghiêm trọng” cho các lao động châu Âu.
“Không cần phải úp mở, chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc là một tội đồ lớn ở đây, và cũng có những nước khác nữa”, bà Malmstrom nói.
Trong phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Buenos Aires ngày 11/12, Mỹ và Nhật Bản đã chỉ trích sự thiếu minh bạch trong hoạt động thương mại của một số thành viên WTO, ám chỉ đến Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các thành viên WTO cần “hợp tác” và giữ nguyên các quy định của WTO để bảo vệ toàn cầu hóa.
Tuyên bố chung được đưa ra sau khi Mỹ gần đây đã sát cánh với EU trong việc phản đối WTO cấp tư cách nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc.