Tổng giá trị buôn bán vũ khí trên toàn cầu lần đầu tiên gia tăng lên sau 5 năm trong bối cảnh những bất ổn, điểm nóng xung đột gia tăng nhiều nơi trên thế giới.
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRRI) của Thụy Điển ngày 10-12 đã công bố báo cáo mới nhất cho thấy, buôn bán vũ khí trên toàn cầu năm 2016 đã lần đầu tiên tăng từ năm 2010. Theo đó, tổng lượng vũ khí bán ra trong năm 2016 lên tới 374,8 tỷ USD, tăng 1,9% so với lượng vũ khí bán ra trên toàn thế giới trong năm 2015.
Mỹ tiếp tục duy trì vị trí “quán quân” xuất khẩu vũ khí của thế giới khi bán ra số vũ khí trang bị tổng trị giá 217,2 tỷ USD, chiếm tới 58% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Số vũ khí mà Mỹ bán ra trong năm 2016 tăng 4% so với năm 2015, tức cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 1,9% của thế giới.
Tập đoàn Lockheed Martin có trụ sở tại Mỹ cũng là công ty xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 10,7% tổng lượng vũ khí buôn bán trên toàn cầu. Một trong những vũ khí khiến Lockheed Martin trở thành tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới là loại máy bay chiến đấu tàng hình đa năng F-35 đắt đỏ – có giá tới hơn 100 triệu USD mỗi chiếc, chưa kể các chi phí như đào tạo, bảo dưỡng, trang thiết bị đi kèm… được bán cho những đồng minh thân cận nhất của Washington.
Hiện Mỹ đang cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho khoảng 100 nước trên thế giới với các mặt hàng chủ yếu là máy bay chiến đấu hiện đại, các vũ khí có độ chính xác cao cũng như các hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại thế hệ mới nhất. Trung Đông tiếp tục là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ, tiếp theo là châu Âu và châu Á.
Dù đứng ở vị trí thứ hai, nhưng Nga kém xa Mỹ về số lượng vũ khí xuất khẩu khi bán ra thị trường thế giới số lượng vũ khí trị giá 26,6 tỷ USD trong năm 2016, chiếm chưa tới 10% tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Tuy nhiên, số vũ khí mà Nga xuất khẩu trong năm 2016 cũng tăng 3,8% so với năm 2015.
Đứng thứ ba toàn cầu về xuất khẩu vũ khí trong năm 2016, nhưng Trung Quốc đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường vũ khí thế giới bởi có ưu điểm nổi trội là giá thành rẻ và ngày càng tiệm cận trình độ hiện đại của Mỹ và Nga. Một số quốc gia khác như Ấn Độ, Brazil… hay Hàn Quốc vừa là những quốc gia nhập khẩu, đồng thời cũng là các nước xuất khẩu vũ khí.
Đáng chú ý, Hàn Quốc bên cạnh việc nhập các loại vũ khí hiện đại của Mỹ như các loại có độ chính xác cao, cũng đang là nước có tốc độ sản xuất vũ khí gia tăng nhanh bậc nhất thế giới. Hàn Quốc bán ra số vũ khí trị giá 8,4 tỷ USD trong năm 2016, tăng tới 20% so với 1 năm trước đó.
Nguyên nhân chính khiến Hàn Quốc “bùng nổ” sản xuất vũ khí, theo SIRRI, là do tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Việc Triều Tiên liên tục tiến hành thử hạt nhân và tên lửa đã buộc Hàn Quốc phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang để đối phó.
Tương tự, xuất khẩu vũ khí gia tăng thời gian qua là do nhiều bất ổn và căng thẳng, tranh chấp gia tăng ở các điểm nóng trên thế giới. Ngoài Trung Đông, SIRRI cho rằng khu vực Biển Đông vài năm nay luôn ở trong tình trạng căng thẳng do những đòi hòi chủ quyền phi lý cùng những hành động gây hấn, hung hăng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự cho rằng thế giới càng bất ổn thì vũ khí càng bán chạy.