Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDòng vốn mới TQ đổ vào Việt Nam: Những cảnh báo

Dòng vốn mới TQ đổ vào Việt Nam: Những cảnh báo

Đây cũng có thể là một xu hướng “đi tắt, đón đầu” của ngân hàng Trung Quốc nhằm hình thành hệ thống mua bán nợ riêng tại Việt Nam.

TS Bùi Quang Tín đưa ra những phân tích, nhận định riêng sau hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.

PV:- Thưa ông, Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) – Trung Quốc tổ chức hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam.

Mục tiêu của hội nghị nhằm liên kết, hợp tác với các công ty chứng khoán Việt Nam để thu hút, huy động nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ông bình luận  thế nào về sự kiện trên? Sự kiện trên sẽ mở ra cơ hội gì cho Việt Nam trong thu hút vốn từ Trung Quốc?

TS Bùi Quang Tín:- Trước hết tôi cho rằng cần làm rõ hình thức pháp nhân của Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM cụ thể như thế nào, là ngân hàng đại diện cho ngân hàng Trung ương Trung Quốc hay là ngân hàng thương mại Trung Quốc, hay là ngân hàng liên doanh… từ đó mới đưa ra được nhận định cụ thể.

Trong trường hợp, Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM này tồn tại dưới hình thức là văn phòng đại diện cho ngân hàng Trung Quốc tại Việt Nam thì ngân hàng này không có chức năng đứng ra huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy sang Việt Nam được.

Trường hợp thứ hai, nếu ngân hàng đó tồn tại đưới hình thức là ngân hàng liên doanh giữa ngân hàng Trung Quốc với ngân hàng Việt Nam. Trường hợp này cũng cần phải xem xét rất kỹ về chức năng huy động vốn của ngân hàng này được quy định như thế nào trong hợp đồng?

Đối với các ngân hàng liên doanh, thường thì quy mô cũng như hình thức hoạt động của những ngân hàng này có nhiều hạn chế, không thể như ngân hàng có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam được. Do đó, phải xem xét việc đứng ra huy động vốn như vậy có phù hợp hay không, việc huy động trên được giới hạn bởi những điều kiện cụ thể nào?

Tương tự, đối với trường hợp thứ ba, ngân hàng Trung Quốc tồn tại dưới hình thức như một chi nhánh của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng vậy.

Vậy trong trường hợp ngân hàng Trung Quốc đó được đứng ra huy động vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc thì sao? Tôi cho rằng, đây cũng là hiện tượng bình thường mà các ngân hàng nước ngoài khác vẫn đang làm như ANZ, HSBC, CitiBank…

Mục tiêu của họ là, một mặt đứng ra huy động vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, mặt khác, họ cũng muốn cung cấp các dịch vụ của ngân hàng cho những doanh nghiệp này.

Có hai hình thức huy động vốn là huy động trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và hai là thông qua hình thức M&A.

Tuy nhiên, dù thực hiện theo hình thức nào thì các ngân hàng Trung Quốc cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể về tính pháp nhân của ngân hàng Trung Quốc tại Việt Nam như thế nào? Rồi cách thức hợp tác giữa ngân hàng Trung Quốc tại Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam ra sao? cũng như sự hợp tác giữa Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong thu hút vốn cụ thể ra sao?… rất nhiều vấn đề cần thể hiện rõ ràng trước khi hợp tác, thu hút vốn theo hình thức này.

Về phía Việt Nam, nếu muốn thu hút được vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này phải phát hành trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn trên thông qua thực hiện các giao dịch chứng khoán.

Trường hợp, cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, thì cũng phải thông qua sự liên kết, tư vấn giữa các công ty chứng khoán của hai bên.

Việc đẩy mạnh các giao dịch chứng khoán sẽ tạo ra cơ hội cho các hoạt động giao dịch nhằm thu hút vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Đây được xem là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng, giao thông, kinh tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít những rủi ro. Tôi lấy ví dụ, rủi ro về vấn đề minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là những thương vụ mua bán, đầu tư với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Thậm chí đã có thời điểm dư luận nói nhiều tới hiện tượng thị trường Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn, thao túng, gây khó khăn trong sản xuất, mua bán các mặt hàng nông sản hay những chiêu trò gây khó khăn trong lĩnh vực du lịch, mua bán bất động sản… rất nhiều bài học đã từng xảy ra.

Do đó, cần phải xem xét rất thận trọng khi thực hiện các giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.

PV:- Trong một bài phân tích mới đây, một chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết gánh nặng dư thừa sản lượng và tỷ lệ nợ gia tăng của các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ.

Trong đó, có cả phương án tăng cường thuyết phục các quốc gia vay vốn đầu tư của nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng nằm trong những số nước được Trung Quốc để ý.

Nếu điều này xảy ra thì việc xuất khẩu nợ có thể diễn ra theo những cách thức nào? Với sự tham gia của Trung Quốc vào sân chơi chứng khoán, việc xuất khẩu nợ có được đẩy mạnh hơn không và theo cách thức thế nào? Xin ông phân tích kỹ về những nguy cơ, hệ lụy Việt Nam có thể phải đối diện? Việt Nam phải ứng phó thế nào thưa ông?

TS Bùi Quang Tín:- Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Nếu nhìn vào diễn biến thời gian qua, có thể nhận thấy chiêu bài trên Trung Quốc đang áp dụng không chỉ riêng với Việt Nam mà còn đang áp dụng trong quan hệ thương mại với nhiều nước khác. Bản thân nước Mỹ hiện tại cũng đang phải đối diện với rất nhiều hệ lụy từ nguồn vốn đầu tư của nước này.

Trở lại câu chuyện cụ thể tại Việt Nam, khi các ngân hàng Bank of China thực hiện liên kết với các sàn chứng khoán TP.HCM, thậm chí cả các công ty chứng khoán lớn của Việt Nam thì phương án giải quyết khối nợ của Trung Quốc cũng sẽ đơn giản hơn.

Có nhiều cách để Trung Quốc tiến hành đẩy nợ sang các quốc gia khác, nhưng trước hết Trung Quốc các món nợ đó phải được thực hiện giao dịch trên thị trường Việt Nam.

Điều đáng nói là thị trường mua bán nợ của Việt Nam hiện nay chưa được hình thành một cách chính thức, do đó, nợ trong nước của Việt Nam cũng đang phải chật vật giải quyết, rất khó có thể mua lại nợ trực tiếp từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang tồn tại một loại hình mua bán nợ không chính thức, đó là mua bán nợ chợ đen. Đây cũng được xem là một kênh để Ngân hàng Trung Quốc thông qua đó đẩy nợ sang Việt Nam.

Cách thứ hai, là các Ngân hàng Trung Quốc sẽ tìm cách bán nợ cho các ngân hàng Việt Nam hoặc bán lại cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hoạt động giao dịch trên sàn chứng khoán.

Trong trường hợp này, nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn mua lại nợ của Trung Quốc thì có thể sẽ mua lại tài sản thế chấp của doanh nghiệp Trung Quốc. Hoặc có thể mua lại những doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động kinh doanh tốt nhằm mục đích tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực này. Khi đó, nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được chuyển đổi thành vốn góp cổ phần.

Cách thức thứ ba, có thể họ sẽ thực hiện theo cách thức thỏa thuận riêng. Tức là các ngân hàng Bank of China sẽ mang những món nợ đang có đi đàm phán trực tiếp với chính phủ Việt Nam để bán lại hoặc chuyển thành vốn góp theo những cơ  chế riêng.

Theo tôi, trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện thị trường mua bán nợ thì đây cũng có thể là một xu hướng “đi tắt, đón đầu” của ngân hàng Trung Quốc để tham gia vào tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng, hình thành hệ thống mua bán nợ trên toàn Việt Nam trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, chúng ta đang thực hiện chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu ý, chúng ta cần phải rất thận trọng với những “dòng vốn đầu tư nóng”.

Bên cạnh đó cũng phải dè chừng với những dòng vốn thiếu minh bạch và không tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam cũng như những quy định tại các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới