Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghi TQ xây trại tị nạn dọc biên giới Triều Tiên

Nghi TQ xây trại tị nạn dọc biên giới Triều Tiên

Trung Quốc được cho đang xây dựng nhiều trại tị nạn dọc biên giới Trung-Triều phòng trường hợp khủng hoảng nổ ra và người Triều Tiên tràn ồ ạt sang nước này.

Báo New York Times ngày 11-12 dẫn nguồn tin từ China Mobile – công ty viễn thông quốc doanh chính của Trung Quốc, cho hay chính quyền Trung Quốc đang xây các trại tị nạn dọc biên giới với Triều Tiên.

Nguồn tin nội bộ được China Mobile tiết lộ nói rằng các trại tị nạn này sẽ được dùng để làm chỗ ở cho hàng ngàn người di cư đổ về biên giới Trung Quốc trong trường hợp khủng hoảng diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.

Cụ thể, huyện Trường Bạch cùng hai huyện khác ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc đã được chỉ định là nơi xây dựng các trại tị nạn trên. Nếu khủng hoảng nổ ra, người Triều Tiên sẽ ồ ạt băng qua con sông Đồ Môn, biên giới tự nhiên Trung-Triều. Sau đó họ sẽ được đưa tới các trại này.

Nếu thông tin trên là đúng, nó cho thấy sự bất thường và rằng Trung Quốc cũng đang thừa nhận căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện lên mức cao, có thể bùng phát thành xung đột quân sự.

Nghi Trung Quốc xây trại tị nạn dọc biên giới Triều Tiên - Ảnh 2.

Một cây cầu bắc qua sông Đồ Môn nối giữa Trung Quốc với Triều Tiên – Ảnh: AFP

 

Trong nhiều thập niên qua, chính sách Triều Tiên của Trung Quốc tập trung vào duy trì sự ổn định ở nước láng giềng này.

Khi được hỏi về các trại tị nạn trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 11-12 cho biết ông không hay biết gì về một kế hoạch như vậy. Tuy nhiên, ông Lục lại không bác bỏ sự tồn tại của các trại tị nạn trên.

Khi được gọi điện phỏng vấn, giới chức huyện Trường Bạch cũng không trả lời. Một thành viên cao cấp tại chi nhánh China Mobile ở Trường Bạch cũng từ chối thảo luận vấn đề này.

Tài liệu của China Mobile nói rằng một người quản lý của công ty này đã thị sát 5 địa điểm hôm 2-12 theo yêu cầu của chính quyền huyện Trường Bạch.

Công ty được yêu cầu phải đảm bảo việc cung cấp dịch vụ Internet trong các khu vực được dùng để xây trại tị nạn.

“Bởi vì tình hình ở khu vực biên giới Trung – Triều căng thẳng thời gian gần đây nên chính quyền Trường Bạch lên kế hoạch lập ra 5 địa điểm xây trại tị nạn ở Trường Bạch” – tài liệu của China Mobile có đoạn.

Các khu vực được chỉ định đều là đất thuộc sở hữu nhà nước và nhà ở tạm thời đã được dựng lên ở một số địa điểm.

Ngoài Trường Bạch, hai huyện khác được đề cập trong tài liệu trên là Đồ Môn và Hồn Xuân. Huyện Đồ Môn và huyện Hồn Xuân trong 20 năm qua đã tiếp nhận nhiều người Triều Tiên bỏ trốn sang Trung Quốc.

Về tổng thế, tỉnh biên giới Cát Lâm nằm cách khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hơn 95km. Tuần trước, tờ Cát Lâm Nhật Báo của tỉnh này còn khuyến cáo người dân địa phương về cách thức phản ứng trong trường hợp xảy ra một vụ nổ hạt nhân.

Tờ báo nói rằng khi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945, hơn 70.000 người đã thiệt mạng. Và những vũ khí hiện đại sẽ còn mạnh hơn nhiều.

Nghi Trung Quốc xây trại tị nạn dọc biên giới Triều Tiên - Ảnh 3.

Một cây cầu bắc qua một đoạn của con sông Đồ Môn nối giữa Trung Quốc với Triều Tiên – Ảnh: AFP

Ông Trương Liễn Côi (Zhang Lian Gui), giáo sư về nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định việc xây các trại tị nạn này là “hoàn toàn hợp lý”.

Hiện có khả năng cao xảy ra một cuộc xung đột giữa Triều Tiên và Mỹ. Những gì Trung Quốc làm là để chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”

Ông Trương Liễn Côi – giáo sư về nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc

Đầu tháng này, ông Lý Cương – quan chức chịu trách nhiệm theo dõi chương trình trao đổi sinh viên tại Hội đồng học bổng Trung Quốc (CSC) trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc – cho hay Trung Quốc có thể sẽ rút tất cả sinh viên của nước này tại Triều Tiên về nước và kết thúc một chương trình trao đổi liên chính phủ gần 20 năm tuổi nếu căng thẳng leo thang quá mức sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 hôm 29-11 của Bình Nhưỡng.

Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, trước những diễn biến khó đoán định về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, các cam kết của chính phủ Trung Quốc về đảm bảo an toàn cho các sinh viên gửi sang Triều Tiên học tập hiện nhận phản ứng lạnh nhạt từ sinh viên và phụ huynh tại Trung Quốc. Cùng với đó, Bắc Kinh phải vật vã trong việc tìm kiếm đủ ứng viên để gửi các sinh viên sang Triều Tiên học tập theo chương trình trao đổi trên.

Cả Nga cũng lo

Ngày 11-12, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov của nước này cảnh báo rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bước vào “thời kỳ nguy hiểm”. 

Phát biểu trên được Ngoại trưởng Lavrov đưa ra sau cuộc gặp ba bên giữa ngoại trưởng các nước Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại Matxcơva. Nhà lãnh đạo ngoại giao Nga cũng khẳng định cả ba nước đều không muốn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thêm nữa.         

Trong tuần trước, Ngoại trưởng Nga cho rằng cơ hội tiến hành đối thoại để giải quyết căng thẳng liên quan chương tình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hiện nay rất thấp, đồng thời nhấn mạnh những cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc dường như nhằm khiêu khích Triều Tiên tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa nữa. 

Cũng trong ngày 11-12, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, đại tướng Valery Gerasimov, đưa ra cảnh báo các cuộc tập trận giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc nhằm chống lại Triều Tiên sẽ chỉ gây thêm kích động và bất ổn trong khu vực. 

Tuyên bố được đưa ra tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong khuôn khổ chuyến thăm Tokyo của ông Gerasimov. 

Nghi Trung Quốc xây trại tị nạn dọc biên giới Triều Tiên - Ảnh 6.
Một cuộc tập trận trên biển giữa binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc. Việc Hàn Quốc thường xuyên tập trận cùng Mỹ và Nhật bị xem là nguyên cớ gây ra căng thẳng thêm nữa với Bình Nhưỡng trong khi các nước này biện hộ bằng lý do cần tập dượt trước sự khiêu khích liên tục của Triều Tiên – Ảnh: REUTERS

Trước đó, trong cuộc Hội thảo về tình hình quốc tế 2017 và chính sách ngoại giao của Trung Quốc tổ chức ngày 9-12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan, các bên vẫn bày tỏ quan điểm cứng rắn, đối đầu. 

Tuy nhiên, hi vọng hòa bình vẫn chưa tắt, triển vọng đàm phán vẫn còn và lựa chọn biện pháp quân sự là điều không thể chấp nhận được. 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong bước tiếp theo, các bên cần nghiêm túc thực hiện sáng kiến “cùng ngừng” do Trung Quốc đề xuất, theo đó Triều Tiên tạm ngừng các hoạt động phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng tập trận quy mô lớn nhằm làm giảm căng thẳng, tạo điều kiện cần thiết cho việc khôi phục đàm phán. Bên cạnh đó, ông Vương Nghị cho rằng cho rằng Trung Quốc đã nỗ lực nhiều trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới