Có những nguyên nhân sâu xa hơn thúc đẩy tần suất tuần tra quanh Đài Loan của lực lượng Không quân Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Hôm 8/12, 1 quan chức TQ tuyên bố: “Ngày tàu chiến Mỹ tới Cao Hùng sẽ là ngày Trung Quốc thống nhất Đài Loan”. Ảnh cắt từ màn hình
Ngày 17/12, tài khoản Weibo của lực lượng Không quân Trung Quốc đã tăng tải video mang tên “Tuần tra quanh đảo” mô tả loạt chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tra quanh Đài Loan. Video này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và truyền thông hai bờ eo biển.
Đoạn video của Không quân Trung Quốc dài 2 phút 15 giây với bản nhạc nền mang tên “Tôi và tổ quốc tôi” được đánh giá mang ngụ ý sâu xa về việc Bắc Kinh thống nhất Đài Loan.
Đặc biệt, phi đội chính xuất hiện trong video gồm máy bay ném bom H-6K, tiêm kích J-11, trong đó số hiệu của loạt H-6K đều bắt đầu bằng số 20 cho thấy biên đội này của cùng một đơn vị. Giới phân tích còn cho rằng, loạt H-6K còn được trang bị tên lửa hành trình CJ-20 còn J-11 có thể được trang bị hai quả tên lửa đối không tầm trung R-27 và hai quả tên lửa đối không tầm ngắn R-73.
Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), hình ảnh máy bay ném bom H-6K mang ký hiệu 20019 bay qua núi Đại Vũ (Taimu shan- Đài Loan) xuất hiện nhiều lần chứng tỏ biên đội này đã bay gần hoặc vào khu vực nhận diện phòng không của đảo này.
Việc tại sao Bắc Kinh lại công bố video trên vào ngày cuối tuần cũng đã dấy lên nhiều thắc mắc của dư luận.
Phía Nhật Bản cho rằng, đây là hình ảnh được ghi lại cùng ngày khi chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua eo biển Bashi để tới Tây Thái Bình Dương, sau đó trở về căn cứ qua eo biển Miyako. Còn truyền thông Đài Loan nhận định, mục đích của chuyến bay này là nhằm chứng minh Không quân Trung Quốc có thể xuyên qua chuỗi đảo thứ nhất để bay tới chuỗi đảo thứ hai.
China Times (Đài Loan) bình luận, việc Bắc Kinh tăng cường huấn luyện viễn dường là để phô trương lực lượng không quân chiến lược, tạo ra sự răn đe đối với căn cứ đảo Guam của Mỹ.
Ngoài ra việc này còn để đảm bảo rằng, Đài Loan sẽ không trở thành nơi tiềm ẩn của nguy cơ chiến tranh điện tử, tức khi không quân Trung Quốc bay qua chuỗi đảo thứ nhất, nếu Đài Loan có hành động bất thường, máy bay trinh sát điện tử Tu-154 và vận tải cơ Y-8 mang nhiệm vụ trinh sát sẽ khống chế hệ thống giám sát điện tử của hệ thống phòng không Đài Loan.
Còn một chuyên gia quân sự giấu tên trả lời phỏng vấn Hoàn cầu cho biết, từ loại hình và số hiệu máy bay có thể phán đoán đoạn video trên được ghi lại vào ngày 11/12 bởi sáng 12/12, weibo Không quân Trung Quốc đăng tải hình ảnh về cuộc huấn luyện viễn dương của đội bay này.
Trong khi đó việc công bố video vào Chủ nhật có thể là động thái phối hợp với việc đặc chủng cơ Y-8 bay tuần tra quanh đảo Đài Loan cùng ngày.
Ông này cũng cho rằng, ý nghĩa chiến lược của các chuyến bay tuần tra quanh đảo không chỉ nhằm đe dọa hành động “Đài Loan đòi độc lập” mà thực tế là để phục vụ mục đích đột phá chuỗi đảo thứ nhất, xây dựng nền tảng chiến lược cho việc ngắm bắn CJ-20 ở khu vực gần chuỗi đảo thứ hai.
Chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh, Không quân Trung Quốc bất kể bay qua chuỗi đảo thứ nhất theo eo biển Bashi hay Miyako thì đường bay ít gặp trở ngại nhất chính là tiếp cận không phận Đài Loan nên lực lượng này cần nắm rõ tình trạng phòng thủ phía Đông đảo này.
Dó đó, theo ông này, đây cũng có thể là nguyên nhân chính của tần suất tuần tra quanh đảo của các loại hình máy bay trinh sát gần đây tăng cao.