Sắp tới Trung Quốc sẽ đưa thêm 10 vệ tinh vào không gian từ đảo Hải Nam ở phía nam nước này trong ba năm tới để có thể do thám toàn bộ Biển Đông. Lại thêm một bước đi nhằm củng cố hơn nữa sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với vùng biển này.
Theo nguồn tin từ Hải Nam Nhật Báo dẫn lời một chuyên gia của Viện nghiên cứu Viễn thám và Địa cầu Kỹ thuật số Tam Á: Mạng lưới vệ tinh này khi đi vào hoạt động có thể thám sát Biển Đông liên tục 24 giờ đồng hồ. Vệ tinh cũng có khả năng phân tích từng vật thể một cách chi tiết khu vực Biển Đông, bao gồm cấu trúc của những chiếc tàu.
Việc chuẩn bị đưa mạng lưới vệ tinh vào không gian chiến lược này thông báo hôm 15/12. Thông báo được phát đi sau khi một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây thêm cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Nguồn tin của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS ở Washington cho hay, đến hiện tại Trung Quốc đã có thêm 29 hecta cơ sở hạ tầng vào 7 hòn đảo nhân tạo xây dựng trong năm 2016. Việc xây cất thêm này cho thấy Bắc Kinh sẽ phát triển các tiền đồn lớn hơn này thành các căn cứ không quân và hải quân có khả năng hoạt động đầy đủ.
Trung Quốc sẽ phóng các vệ tinh này, bao gồm các vệ tinh sử dụng công nghệ viễn thám “siêu phổ” phức tạp hơn và “radar khẩu độ tổng hợp” trong vòng hơn 3 năm, từ nay đến trước năm 2021. Thời gian qua nước này đã mở rộng do thám các cơ sở quân sự ở Biển Đông trong lúc tranh chấp chủ quyền với Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mặc dù trước đó Bắc Kinh đã xoa dịu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng việc đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử. Bộ quy tắc này đã được các nước liên quan chờ đợi từ lâu.
Theo các nhà phân tích, không ồn ào, Bắc Kinh đang lặng lẽ củng cố sự kiểm soát của họ đối với biển Đông.
Những khu vực nào được vệ tinh Trung Quốc theo dõi? Đó là csc khu vực chủ yếu: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản; bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa).
Mạng lưới vệ tinh của Trung Quốc đã hoạt động từ năm 2009 sau khi được khởi động vào năm 2006. Thời điểm đó Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cũng đã thông báo kế hoạch xây dựng 11 căn cứ máy bay không người lái ở khu vực duyên hải Thái Bình Dương.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc loan tin, vệ tinh do thám chủ yếu có mục đích theo dõi những biến đổi đại dương song cũng đóng vai trò quan trọng “về chiến lược quốc phòng”.
Họ nói thế nghĩa là mạng lưới vệ tinh chủ yếu sinh ra để nghiên cứu khoa học. Ai mà tin được giọng điệu của kẻ bành trướng trên Biển Đông!